Thuế tối thiểu toàn cầu: Áp dụng quy định thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn

10/11/2023, 10:54
báo nói -

TCDN - Công ty thành viên hoặc tập hợp các công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam có doanh thu tương đương 750 triệu EUR trở lên phải áp dụng quy định thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn để phù hợp quy định thuế tối thiểu toàn cầu.

Áp dụng thuế TNDN bổ sung

Sáng 10/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Theo Bộ trưởng, ngày 8/10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số.

Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Trước bối cảnh nêu trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo hướng dẫn của OECD về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế TNDN bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp...

Theo đề xuất của Chính phủ, áp dụng thuế TNDN bổ sung đối với người nộp thuế trong các trường hợp sau: Công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu EUR trở lên. Trừ các trường hợp: các tổ chức của chính phủ; tổ chức quốc tế; tổ chức phi lợi nhuận; quỹ hưu trí; quỹ đầu tư là Công ty mẹ tối cao; tổ chức đầu tư bất động sản là Công ty mẹ tối cao; tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức...

Công ty thành viên hoặc tập hợp các công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia trên có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính phải áp dụng quy định thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn.

Trong đó, thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn = (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có). (Tỷ lệ thuế bổ sung = Thuế suất tối thiểu – Thuế suất thực tế; Thuế suất tối thiểu là 15%).

Công ty thành viên theo quy định trên là công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu công ty thành viên chịu thuế suất thấp tại nước ngoài theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu tại bất kỳ thời điểm nào trong năm tài chính phải khai và nộp thuế theo quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu bằng phần thuế phân bổ từ thuế bổ sung theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu của công ty thành viên chịu thuế suất thấp ở nước ngoài trong năm tài chính, trừ khi thuế bổ sung được nộp ở nước có quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu đạt chuẩn được ưu tiên theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu về thứ tự ưu tiên đánh thuế.

Theo đó, tổng thuế bổ sung tại một nước = (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có) – Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (nếu có). (Tỷ lệ thuế bổ sung = Thuế suất tối thiểu – Thuế suất thực tế; Thuế suất tối thiểu là 15%).

Ưu đãi thuế TNDN hiện tại không còn phù hợp

Trình bày Báo cáo Thẩm tra dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, trong Tờ trình, Cơ quan soạn thảo cũng thể hiện quan điểm tiếp tục “giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu”. Uỷ ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với quan điểm này, song đề nghị cần xác định đây chỉ là cách xử lý trong thời gian áp dụng tạm thời, trước khi tiến hành sửa Luật Thuế TNDN một cách tổng thể.

Trong bối cảnh và xu thế mới về thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, việc tiếp tục duy trì hệ thống ưu đãi thuế TNDN hiện hành là không phù hợp và không còn có tác dụng trên thực tế, trong khi chi phí về miễn giảm thuế làm giảm thu ngân sách nhà nước hàng năm hàng chục nghìn tỷ đồng.

Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ đã tính toán dựa trên số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022 và dự kiến có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết với tổng số thuế TNDN nộp bổ sung (QDMTT) là 14.600 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đối với các tập đoàn trong nước, Báo cáo của Chính phủ dự kiến có 6 tập đoàn sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết và dự kiến số thuế TNDN bổ sung (IIR) có thể thu từ các khoản đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn này là khoảng 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu).

Tuy nhiên, theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, ngay cả đối với phần thu nhập trong nước của các tập đoàn này đang có thuế suất thực tế dưới 15% cũng sẽ phải nộp thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa (QDMTT) để tránh việc các nước thứ 3 sẽ được quyền thu khoản thuế này của Việt Nam từ năm 2025. Đây sẽ có thể là ảnh hưởng đáng kể đối với các tập đoàn trong nước. Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ hiện còn chưa đánh giá hết những tác động này, bao gồm cả khả năng số tập đoàn trong nước bị ảnh hưởng sẽ thay đổi hàng năm và có thể là nhiều hơn số lượng đang dự kiến. Vì vậy, Chính phủ cần tính đến các tác động này để chuẩn bị phương án, quan điểm xử lý phù hợp.

Về phạm vi thu thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, dự thảo Nghị quyết đã có các quy định: về thu thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để giữ quyền ưu tiên được thu thuế tại Việt Nam đối với các khoản thu nhập của các Tập đoàn đầu tư nước ngoài có công ty con tại Việt Nam; về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) để giữ quyền thu  thuế bổ sung đối với các khoản thu nhập của các Tập đoàn Việt Nam đầu tư ra nước ngoài mà nước nhận đầu tư chưa có quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo Ủy ban Kinh tế, Ngân sách, so sánh với Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, dự thảo Nghị quyết còn thiếu quy định về việc thu thuế đối với các Khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR) để giữ quyền được thu thuế tại Việt Nam đối với trường hợp công ty con tại Việt Nam của tập đoàn đầu tư nước ngoài được phân chia quyền đánh thuế và nộp thuế đối với những khoản thu nhập chưa bị đánh thuế tối thiểu toàn cầu tại nước mẹ và tại các nước thứ 3, nơi tập đoàn cũng có công ty con. Theo quy định của OECD, quy định về thu thuế UTPR này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2025.

Vì vậy, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết để có cơ sở áp dụng kịp thời, tránh  sớm phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết; trong trường hợp dự thảo Nghị quyết không bổ sung nội dung này thì đề nghị Chính phủ đưa các quy định này vào Luật Thuế TNDN sửa đổi, bảo đảm kịp thời hiệu lực áp dụng từ năm tài chính 2025.  

Nguyễn Thị Hồng Ngọc
Bạn đang đọc bài viết Thuế tối thiểu toàn cầu: Áp dụng quy định thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tổng cục Thuế mong doanh nghiệp trao đổi, cung cấp thông tin để triển khai thuế tối thiểu toàn cầu
Tổng cục Thuế vừa có thư ngỏ gửi doanh nghiệp về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để đề nghị trao đổi, làm việc với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cung cấp thông tin để đảm bảo triển khai hiệu quả quy định thuế tối thiểu toàn cầu.