Đề nghị xem xét ưu đãi giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp đào tạo nội bộ

20/08/2022, 18:49

TCDN - Tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét ưu đãi giảm thuế TNDN cho các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nội bộ, đào tạo lại nguồn lao động.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công dẫn chứng, báo cáo PCI 2021 do VCCI thực hiện phản ánh, đánh giá về chất lượng lao động tại các địa phương từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI. Đó là khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).

“Thách thức nói trên cũng là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như là nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch Covid-19 và các biến động của chính trị quốc tế”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân.

Tuy nhiên, theo ông Công, trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng". Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường. Việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên trị trường lao động. Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại.

Để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xã hội, ông Phạm Tấn Công kiến nghị, chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động khi gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cần linh hoạt hơn trong cơ chế phối hợp giữa đơn vị sử dụng lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm các phương án phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp.

Ông Công cho rằng cần kéo dài thời gian thực hiện chính sách và điều chỉnh các điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp và người lao động được tham gia. Tổng kinh phí dự kiến chi cho chính sách này là 4.500 tỷ đồng được trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù được triển khai từ 1/7/2021, hạn cuối để các doanh nghiệp nộp hồ sơ là 30/6/2022, nhưng qua 1 năm, rất ít doanh nghiệp đăng ký tham gia và mới chỉ 17 tỉnh, thành phố phê duyệt cho 57 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 12.000 lao động. Một con số rất khiêm tốn so với mục tiêu 4.500 tỷ đồng đề ra để thực hiện chính sách.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI đề xuất Chính phủ xem xét có những quy định hướng dẫn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp, có cơ chế hợp tác giữa nhà trường-cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo tại doanh nghiệp cũng như ban hành cơ chế công nhận về mặt văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận cho người lao động được đào tạo tại doanh nghiệp.

“Quốc hội, Chính phủ xem xét có ưu đãi giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ tại doanh nghiệp đáp ứng đúng tiêu chuẩn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp. Hiện tại, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp có thành lập trung tâm/trường/cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp. Điều này hạn chế và bỏ sót một hình thức đào tạo phổ biến của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay là chương trình đào tạo nội bộ cho người lao động của doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI kiến nghị.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân ủng hộ ý kiến của VCCI là xem xét, nghiên cứu giảm thuế TNDN cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu chứng minh được việc thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động (thay vì chứng minh chi phí bằng hóa đơn chứng từ phức tạp như hiện nay thì nên nghiên cứu cho doanh nghiệp được giảm thuế tương tự như trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật…). 

Tổng Giám đốc Trường Hải THACO Phạm Văn Tài.

Tổng Giám đốc Trường Hải THACO Phạm Văn Tài.

Theo ông Thân, hiện tại, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp có thành lập trung tâm/trường/cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp.

Cùng với đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất có giải pháp tạo thuận lợi cho dịch chuyển lao động trong nước và ngoài nước, khuyến khích lao động học nghề, đào tạo, xuất khẩu lao động ở nước ngoài về nước làm việc, phát triển nhà ở xã hội cho họ về nước an cư lạc nghiệp.

Nghiên cứu mô hình trả lương linh hoạt, ví dụ có thể người lao động ứng trước một khoản lương khi cần để tránh tình trạng vay nặng lãi, tín dụng đen; nghiên cứu phát triển các đô thị công nghiệp như nhiều nước đã làm để tạo thuận lợi cho người lao động sinh sống, làm việc.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Trường Hải Thaco Phạm Văn Tài chia sẻ từ năm 2010, Thaco đã thành lập trường Cao đẳng nghề để chủ động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đào tạo từ trung cấp đến cao đẳng các ngành nghề: Công nghệ ô tô, điện cơ khí, điện công nghiệp, bảo trì thiết bị cơ điện, công nghệ thực phẩm… với quy mô đào tạo 2.000 sinh viên/năm.

Tại hội nghị, Thaco đề xuất các giải phát phát triển thị trường lao động, đó là: Ban hành hệ thống chính sách đồng bộ trong phát triển nguồn nhân lực theo quy hoạch phát triển kinh tế vùng; chú trọng tổ chức hệ thống giáo dục và đào tạo từ trường phổ thông đến đại học và các trường đào tạo nghề theo hướng tiếp cận ngành giáo dục uy tín của khu vực và thế giới; tập trung phát triển nhân lực có trình độ cao để tập trung các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thaco đề nghị ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để có thể thu hút ngày càng nhiều chuyên gia nước ngoài, chuyên gia cao cấp đến làm việc, nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ và tham gia phục vụ sản xuất nhằm tăng cường khả năng hội nhập quốc tế cho nhân lực Việt Nam.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Đề nghị xem xét ưu đãi giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp đào tạo nội bộ tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Tài chính tính giảm thuế TNDN, thuế GTGT từ 30 - 50%
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đó giảm thuế TNDN, thuế GTGT... từ 30% - 50% đối với người dân, doanh nghiệp.