Đề nghị xử lý hình sự hơn 300 doanh nghiệp nợ BHXH

11/03/2021, 10:43

TCDN - Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chuyển 302 hồ sơ của nhiều tổ chức sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đóng bảo hiểm.

Theo BHXH, tính đến tháng 12-2020, đã có 29 BHXH tỉnh, thành phố thực hiện chuyển 302 hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự.

Cũng theo cơ quan này, từ năm 2016-2020, thông qua công tác thanh tra chuyên ngành, toàn ngành BHXH Việt Nam đã ban hành và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành 2.103 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm pháp luật trong đóng bảo hiểm. Số tiền xử phạt đến nay khoảng 114,5 tỉ đồng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chuyển 302 hồ sơ của nhiều tổ chức sang cơ quan điều tra.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chuyển 302 hồ sơ của nhiều tổ chức sang cơ quan điều tra.

Theo cơ quan này, từ năm 2016-2020, thông qua công tác thanh tra chuyên ngành, toàn ngành BHXH Việt Nam đã ban hành và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành 2.103 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm pháp luật trong đóng bảo hiểm. Số tiền xử phạt đến nay khoảng 114,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp vi phạm hành chính bị xử phạt vẫn còn thấp so với các đơn vị chậm đóng, nợ tiền đóng bảo hiểm. Số đơn vị chấp hành quyết định xử phạt trong giai đoạn 2016-2020 cũng còn hạn chế. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trốn tránh, cố tình chây ỳ không thực hiện quyết định xử phạt.

Theo ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), hiện chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ sức răn đe. Do đó, nhiều đơn vị sử dụng lao động sau khi bị xử phạt lại tiếp tục có các hành vi vi phạm pháp luật như chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài, tái phạm nhiều lần. BHXH Việt Nam cũng đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ những doanh nghiệp, đơn vị lợi dụng chính sách để trốn đóng, nợ đóng BHXH.

“Khả năng doanh nghiệp lợi dụng các chính sách của Nhà nước để nợ hoặc trốn đóng thì lúc nào cũng có. Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi phải phân công cán bộ chuyên quản nắm từng doanh nghiệp xem lĩnh vực hoạt động, quy mô, quá trình hoạt động kinh doanh như thế nào, tình hình tài chính của doanh nghiệp, có thể đưa vào diện đánh giá xem có phải là đơn vị lợi dụng chính sách để trốn đóng, nợ đóng BHXH” - ông Đinh Duy Hùng cho biết.

Theo Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực ngày 1-1-2016), tổ chức công đoàn được trao quyền khởi kiện ra Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động.

Tuy nhiên, việc khởi kiện của tổ chức công đoàn gặp nhiều khó khăn, không phát huy được hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân, do quy định về việc ủy quyền của người lao động, quyền khởi kiện của các tổ chức công đoàn trong các văn bản pháp luật còn nhiều điểm chưa rõ. Nên đến nay chưa khởi kiện thành công vụ nào.

 Đối với ngành bảo hiểm, thời gian qua đơn vị đã cung cấp hồ sơ kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, đến nay hầu hết chưa thực hiện xử lý hình sự với những lý do vướng mắc trong các văn bản quy định.

“Trong đó có việc cơ quan BHXH chưa có chức năng thanh tra trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, chưa có hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực này để chuyển cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án” - BHXH nêu khó khăn.

Với những khó khăn trên, BHXH Việt Nam cho biết đơn vị đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thanh tra theo hướng Luật hóa việc thành lập cơ quan thanh tra của ngành BHXH Việt Nam. Đồng thời, điều chỉnh quy định về cơ cấu tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra BHXH để phù hợp với chức năng, vị trí pháp lý của BHXH Việt Nam.

Số nợ bảo hiểm giảm dần qua các năm

Theo BHXH Việt Nam, hiện công tác thu hồi, giảm nợ BHXH, BHTN, BHYT có hiệu quả và chuyển biến rõ rệt từ khi có chức năng thanh tra chuyên ngành, số nợ đã giảm dần qua các năm.

Các đơn vị sử dụng lao động tuân thủ, chấp hành luật tốt hơn; tỉ lệ nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHYT trên toàn quốc giảm dần tương ứng với 2,7% năm 2016; 2,2% năm 2017; 1,7% năm 2018; đến năm 2019 con số này chỉ còn là 1,6% so với số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao.

Thanh Tân
Bạn đang đọc bài viết Đề nghị xử lý hình sự hơn 300 doanh nghiệp nợ BHXH tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2020
Năm 2020, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả, tạo dấu ấn rõ nét, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần nâng cao vị thế Ngành. Có thể điểm lại 10 kết quả nổi bật của ngành BHXH Việt Nam trong năm qua.