Đề xuất 8 mức thu phí sử dụng đường bộ, cao nhất hơn 1,4 triệu đồng/xe mỗi tháng
TCDN - Bộ Tài chính đề xuất, mức thu phí sử dụng đường bộ chia làm 8 nhóm, theo tải trọng và ghế ngồi của xe từ 130.000 đồng đến 1.430.000 đồng/tháng, và có 5 trường hợp miễn phí gồm: Xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe phục vụ tang lễ, xe chuyên dùng phục vụ lực lượng quốc phòng, công an.
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình số 22 gửi Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.
Dự kiến mức thu phí áp dụng cho ôtô (trừ xe ôtô của lực lượng quốc phòng, công an) chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe từ 130.000 đồng/tháng đến 1.430.000 đồng/tháng.
Với xe ôtô của lực lượng quốc phòng, công an chia làm 2 nhóm, gồm: Xe ôtô con mức 1.000.000 đồng/năm; xe tải, xe khách mức 1.500.000 đồng/năm (phí sử dụng đường bộ nộp cho xe ôtô của lực lượng quốc phòng, công an do NSNN đảm bảo).
Về cách tính và thu phí, Bộ Tài chính đề xuất xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an sẽ do Bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nộp phí cho toàn bộ xe ô tô mình quản lý 1 lần/năm. Còn các xe ôtô còn lại nộp theo chu kỳ đăng kiểm; theo năm dương lịch; theo tháng đối với trường hợp doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng trở lên.
Cơ quan Nhà nước quản lý giao thông đường bộ được để lại 1,2% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí.
Các Trung tâm đăng kiểm thu phí nộp về Cục Đăng kiểm Việt Nam (trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày thu phí) để Cục Đăng kiểm Việt Nam tổng hợp và khai, nộp phí vào NSNN.
Các Trung tâm đăng kiểm được để lại 1,32% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Trường hợp Trung tâm đăng kiểm thuộc doanh nghiệp thì tiền phí để lại là doanh thu của Trung tâm. Trung tâm khai, nộp thuế theo quy định.
Dự thảo Nghị định cũng đề xuất 5 trường hợp miễn phí gồm: Xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe phục vụ tang lễ, xe chuyên dùng phục vụ lực lượng quốc phòng, công an.
Các trung tâm đăng kiểm thu phí đối với các loại xe ô tô (trừ xe ôtô của lực lượng quốc phòng, công an) khi thực hiện đăng kiểm xe. Cơ quan nhà nước quản lý giao thông đường bộ được Bộ trưởng GTVT giao thu phí đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an (xe này do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý và kiểm định).
Đáng chú ý, Tờ trình không quy định về in và phát hành vé "phí đường bộ toàn quốc" vì vé này để phục vụ cho mục đích xe ô tô của lực lượng quốc phòng, an ninh khi lưu thông qua các trạm thu phí BOT trên toàn quốc được miễn phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Việc quy định chứng từ miễn phí BOT thuộc Bộ GTVT.
Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh tên một số loại xe chuyên dùng thuộc lực lượng công an, quốc phòng cho phù hợp với thực tế.
Điểm khác nữa so với quy định hiện hành là, đối với ô tô chuyên dùng phục vụ quốc phòng, bổ sung thêm đối tượng thuộc trường hợp miễn phí gồm: Xe kiểm soát, xe kiểm tra quân sự, xe chuyên dùng chở phạm nhân, xe cứu hộ, xe thông tin vệ tinh, xe cứu hộ cứu nạn, và các xe ô tô đặc chủng khác phục vụ quốc phòng.
Theo Bộ Tài chính, kể từ khi áp dụng chính sách thu phí sử dụng đường bộ từ năm 2016 đến nay, tiền phí sử dụng đường bộ thu được hàng năm khoảng 9.000 tỷ đồng, nộp NSNN và dành toàn bộ cho hoạt động bảo trì đường bộ; ngoài số tiền phí thu được, hằng năm, NSNN cấp thêm khoảng 3.000 tỷ đồng cho hoạt động duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, số tiền này mới đảm bảo khoảng 40% nhu cầu chi cho hoạt động bảo trì đường bộ.
Như vậy, việc thu phí sử dụng đường bộ góp phần tạo nguồn thu cho NSNN để đầu tư duy tu, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ; phục vụ cho hoạt động lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899