Đề xuất các giải pháp về tài khóa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

03/06/2021, 19:52

TCDN - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Chiều 3/6 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tiến hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 trong bối cảnh chúng ta vừa tổ chức thành công cuộc Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5), đồng thời trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, Chính phủ thống nhất nhận định, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch lần này nghiêm trọng hơn những lần trước, nhưng tình hình kinh tế xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 9,9%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và vốn đăng ký tăng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm chỉ đạo. An sinh xã hội, đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là: Dịch COVID-19 hết sức phức tạp và nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế xã hội và việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021.
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, chưa phát huy tốt vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng và dẫn dắt đầu tư tư nhân. Giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao, gây sức ép lớn đối với lạm phát và một số ngành, lĩnh vực. Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp tại các địa phương bùng phát dịch…

Từ phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN; đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng dự phòng hợp lý để dành nguồn phòng, chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong bối cảnh giá thế giới tiếp tục xu hướng tăng; đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước.

Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, năng lượng lớn, trọng điểm; khẩn trương có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 bảo đảm an toàn, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.

Tăng cường kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Cương quyết xử lý các trường hợp cư trú bất hợp pháp.

Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh; chú trọng bảo hộ công dân, tài sản và lợi ích kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài…

Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu độc trên mạng, ngăn chặn thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là phải rà soát, cắt giảm số lượng dự án, tập trung cho các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có sức lan tỏa cao; không để tình trạng dàn trải, manh mún, lãng phí nguồn lực. Thực hiện nghiêm túc các quy trình, thủ tục trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn ở tất cả các bộ, ngành, địa phương, chấm dứt tình trạng “chạy” dự án, lợi ích nhóm.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Báo cáo; trên cơ sở đó, làm việc với các cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Về Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2021 và giải pháp trong những tháng cuối năm, Chính phủ cơ bản nhất trí nội dung báo cáo và giao Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu, đánh giá tình hình, nhận định bối cảnh tháng 6 năm 2021 và các tháng cuối năm; xác định các giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện để hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Báo cáo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Về Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, đây là một việc rất khó, nhiệm vụ đặt ra trong 10 năm tới phải làm được 3.800 km. Nhiệm vụ này là một phần quan trọng trong 3 đột phá chiến lược để đất nước đi lên. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã giao nên dù khó nhưng cả hệ thông chính trị và nhân dân phải vào cuộc để thực hiện thành công.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất các giải pháp về tài khóa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chính phủ xem xét giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Chính phủ sẽ quyết nghị nhiều nội dung quan trọng được người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm, trong đó có các giải pháp tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ: Phát triển nông nghiệp đừng làm manh mún
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tập trung nguồn lực cho 3 đột phá chiến lược, “đừng làm manh mún”. Phải khai thác hiệu quả trên đất, nâng cao giá trị gia tăng, chứ không chỉ nghĩ đến trồng lúa, ngô, khoai, sắn.