Đề xuất doanh nghiệp nhà nước được quyết dự án dưới 5.000 tỷ đồng
TCDN - Bộ Tài chính đề xuất mở rộng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước cho phép sử dụng nguồn vốn nội tại để quyết định đầu tư dự án dưới 5.000 tỷ đồng hoặc 50% vốn điều lệ; dự án có vốn đầu tư đến 10.000 tỷ đồng, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ quyết định chủ trương đầu tư.
Bộ Tài chính đang xây dựng 3 dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý và đầu tư vốn, cơ chế giám sát tại doanh nghiệp.
Một trong những nội dung đáng chú ý là Bộ Tài chính đề nghị với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100%, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định đầu tư quy mô dưới 5.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển. Trên mức này, dự án sẽ do Thủ tướng quyết định chủ trương, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư.

Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp nhà nước được quyết dự án dưới 5.000 tỷ đồng.
Trước đó, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước, ông Lê Ngọc Sơn - Tổng giám đốc PVN đề xuất cho doanh nghiệp được quyết định đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng, hoặc 50% vốn điều lệ. Với các dự án có vốn đầu tư đến 10.000 tỷ đồng, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ quyết định chủ trương đầu tư. Còn với các dự án trên 10.000 tỷ đồng, chủ trương đầu tư sẽ do Thủ tướng quyết định.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN kiến nghị về việc sớm hiện thực hóa, đổi mới và cải cách thể chế pháp luật, có cơ chế chính sách, tạo không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp Nhà nước.
Ông Tuấn cho biết hiện các dự án của EVN phần lớn là trên 5.000 tỷ đồng, những dự án dưới 5.000 tỷ đồng rất ít. Từ đó, Tổng giám đốc EVN đề xuất Chính phủ xem xét, tạo điều kiện hợp lý để doanh nghiệp chủ động trong đầu tư sản xuất.
Ngoài đề xuất doanh nghiệp nhà nước được quyết định dự án dưới 5.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính cũng kiến nghị nhiều quy định mới để sửa hạn chế trong giám sát, kiểm tra, đánh giá xếp loại doanh nghiệp. Theo đó, việc giám sát, kiểm tra dự kiến được thực hiện theo 3 cấp gồm Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và giám sát nội bộ của doanh nghiệp.
Cơ quan này cũng đề xuất bổ sung thêm các dấu hiệu xác định khả năng mất an toàn tài chính với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch.
Dự thảo cũng bỏ quy định yêu cầu phương án sử dụng đất phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt và lấy ý kiến các tỉnh, thành. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ tự xây dựng phương án sử dụng nhà, đất sau khi chuyển đổi, trên cơ sở không gắn với mục đích sử dụng đất.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật số 68 về Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dự kiến, Luật số 68 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8, thay vì đầu năm sau như kế hoạch ban đầu. Việc này để khơi thông tối đa nguồn lực trong doanh nghiệp nhà nước, phục vụ mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay và giai đoạn tới.
Năm 2024, tổng tài sản của 671 doanh nghiệp nhà nước đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023. Các doanh nghiệp này có tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%; lợi nhuận trước thuế đạt gần 227.500 tỷ đồng, tăng 8%; nộp ngân sách Nhà nước gần 400.000 tỷ, tăng 9%.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899