Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục kiến nghị chính sách thuế, phí và tiền thuê đất
TCDN - Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị chính sách ưu đãi thuế, tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Xem xét cơ cấu lại chính sách thuế đối với tài nguyên
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho biết: Petrovietnam chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ xu hướng công nghệ, dịch chuyển năng lượng và đặc biệt là rất nhạy cảm với các vấn đề về địa chính trị như thách thức từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, tỷ giá, lãi suất…
Trong bối cảnh đó, Petrovietnam vẫn đặt ra mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng, và của Bộ Tài chính là tăng trưởng ít nhất là 8% và tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn.

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam.
Thứ nhất, về quản trị, Petrovietnam đã xây dựng, kể cả những kịch bản xấu nhất khi giá dầu xu hướng tới 55 USD và phân bổ cấu trúc lại các nguồn lực cho các lĩnh vực, đồng thời đưa ra chính sách quản trị linh hoạt trong kinh doanh và cho nhà đầu tư và quản trị rủi ro.
Thứ 2 là tập trung vào đa dạng và mở rộng, cơ cấu lại thị trường, tập trung vào thị trường trong nước, liên kết chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế trong nước. Petrovietnam cũng đang chốt các điều khoản cuối cùng và dự kiến tháng 6 tới sẽ ký được 2 hợp đồng xuất khẩu sang Đông Bắc Á và sang châu Âu khoảng 1 tỷ USD liên quan đến công nghiệp năng lượng.
Thứ ba là tập trung vào quản trị danh mục đầu tư gắn với quản trị vốn, tài chính và dòng tiền, kiểm soát các biến động liên quan đến tỷ giá và lãi suất, đặc biệt là các cái dự án lớn trong danh mục đầu tư của Petrovietnam.
Tính từ nay đến cuối năm, gần như tháng nào Petrovietnam cũng sẽ đưa 1 công trình vào vận hành thương mại, như tháng 5 có dự án Đại Hùng 3 vào vận hành, sẽ có thêm khoảng10 ngàn thùng dầu một ngày. Tháng 6 là dự án Nhân Trạch 3, tháng 7 là Kình Ngư Trắng, tháng 8 là Nhân Trạch 4…
Cũng theo ông Hùng, ngay từ năm 2022, Petrovietnam rất quyết liệt, triển khai mạnh mẽ, bài bản về chuyển đổi số như kết hợp với các tập đoàn công nghệ trong nước như là Viettel, VNPT, FPT để triển khai các sáng kiến số; tập trung đào tạo, cập nhật kiến thức chuyển đổi số cho lãnh đạo và toàn thể người lao động của Petrovietnam thông qua các nền tảng số nội bộ, xây dựng văn hóa số; tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam và toàn ngành. Đến nay, dữ liệu lớn cho lĩnh vực cốt lõi như thăm dò, khai thác… đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác.
Petrovietnam đã triển khai và đưa vào vận hành các sản phẩm số, đặc biệt là đưa vào hoạt động hệ thống quản trị tổng thể các nguồn lực doanh nghiệp ở công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Các cái nhà máy thông minh của Petrovietnam cũng đưa vào hoạt động, qua đó nâng công suất bình quân lên trên 120%.
Các giải pháp về công nghệ số như trên đã góp phần giúp cho Petrovietnam đảm bảo được tốc độ tăng trưởng về doanh thu. khoảng 16,7%/ năm, nộp ngân sách khoảng 21,3%/năm cho giai đoạn 2021 - 2024 vừa qua.
Tập đoàn cũng nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ để nâng mức chuyển đổi số của công ty mẹ đến mức 5, tức là mức dẫn dắt và của toàn tập đoàn lên mức 4 vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030, Petrovietnam lọt vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
Để thúc đẩy tăng trưởng 2 con số, Petrovietnam kiến nghị Chính phủ xem xét cơ cấu lại chính sách thuế đối với tài nguyên, đặc biệt là đối với tài nguyên khí, để có thể thúc đẩy các dự án lớn đưa vào khai thác.
Mô hình hoạt động Petrovietnam theo chuỗi giá trị về hệ sinh thái, do đó, kiến nghị Chính phủ cho phép tập đoàn được chỉ định cho các đơn vị trong tập đoàn thực hiện các công việc của tập đoàn. Hiện nay, các công việc này đều phải đấu thầu, tốn rất nhiều thời gian.
Để tận dụng năng lực của các ngân hàng thương mại trong nước, đặc biệt là đối với dự án lớn và sử dụng công nghệ nước ngoài, Petrovietnam kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại trong nước được tài trợ tài chính cho các dự án Petrocombank đang triển khai.
Giảm thuế, phí và tiền thuê đất
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Tổng công ty đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt đã triển khai các hệ thống mạng diện rộng: Mạng giao dịch điện tử, sàn giao dịch vận tải hàng hóa, điều hành giao thông vận tải đường sắt, cơ quan điện tử hỗ trợ điều hành vận tải đường sắt; ứng dụng AI vào công tác chăm sóc khách hàng và quản trị thương nghiệp.

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Tổng công ty đã chủ động tăng cường chạy tàu ở các tuyến mới, đặc biệt các tuyến ngắn như Hà Nội - Thái Nguyên, tàu du lịch Hoa Phượng Đỏ, Hà Nội - Quy Nhơn - Sài Gòn - Quy Nhơn, tàu du lịch quanh Hà Nội và ga Hải Phòng đi cảng Hải Phòng, Quy Nhơn và nhiều tuyến khác. Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của hành khách trên tàu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Chủ động phối hợp với phía Trung Quốc để đưa ra các cái giải pháp khôi phục lại chạy tàu liên vận quốc tế, Nam Ninh - Gia Lâm để phục vụ khách du lịch.
Riêng trong quý 1 thì hoạt động vận tải liên vận quốc tế của ngành đường sắt đã tăng 20%.
Tổng công ty kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND các tỉnh áp dụng các chính sách ưu đãi cho ngành đường sắt và tiếp tục giải quyết các thủ tục về đất và miễn tiền thuế sử dụng đất đối với diện tích lô đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội. Hiện nay, Tổng công ty đang tích cực phối hợp với thành phố Hà Nội để giải quyết nhưng tiến độ tương đối chậm.
Ông Hoàng Gia Khánh cũng đề nghị ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn vốn cho các dự án đầu tư công khẩn cấp hàng năm để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình xung yếu trên mạng lưới đường sắt quốc gia. Đề nghị các địa phương có đường sắt đi qua bố trí kinh phí để triển khai quyết định 358 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn chính sách giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Tại Hội nghị, Thủ tướng lưu ý phải ổn định tỷ giá, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất, có các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực và khoanh nợ, giãn hoãn nợ khi doanh nghiệp khó khăn. Chính sách tài khóa cần tập trung giải ngân đầu tư công; miễn giảm, giãn hoãn thuế, lệ phí, tiền thuê đất; hoàn thuế VAT nhanh chóng, thuận tiện.
Thủ tướng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể với các bộ ngành để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể cho các doanh nghiệp như giảm thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker xi măng, tái sử dụng chất thải trong khai thác than…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899