Đề xuất giảm thuế GTGT giúp kích cầu tiêu dùng, sản xuất

27/04/2023, 20:02
báo nói -

TCDN - Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế - Deloitte Việt Nam, việc tiếp tục ban hành chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT rất cần thiết, vừa tạo động lực mạnh mẽ, kích cầu sản xuất và tiêu dùng vừa giải phóng các rào cản cho sự phát triển của nền kinh tế.

Tại cuộc họp với Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới vừa diễn ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, phương án giảm 2% thuế GTGT, giảm tiền thuê đất… để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Dự thảo, năm 2023 Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. Về thời gian áp dụng: kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế-Deloitte Việt Nam.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế-Deloitte Việt Nam.

Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, đây là một đề xuất rất đúng đắn của Bộ Tài chính trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực hiện chính sách của năm 2022 cũng như phù hợp với mục tiêu và tình hình thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế năm 2023.

Ông Tuấn phân tích, Nghị quyết số 43/2022/QH15 năm 2022 nêu ra giải pháp giảm thuế suất thuế GTGT 2% trong bối cảnh dịch Covid-19 và biến động tiêu cực của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Giảm thuế GTGT đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng cũng như thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Từ đó đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế duy trì đà phục hồi sau đại dịch.

Kết quả thực tế cho thấy việc giảm thuế suất thuế GTGT 2% cùng với những chính sách hỗ trợ khác của Quốc hội và Chính phủ đã góp phần mang lại những kết quả phát triển kinh tế rất tích cực trong năm 2022. Cụ thể, GDP năm 2022 có mục tiêu tăng từ 6 đến 6,5% nhưng thực tế đã có tốc độ tăng rất cao, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đã vượt qua 8%. Trong khi đó, tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý cũng đạt 124,3% dự toán pháp lệnh.

giam-thue

Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính còn chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó, quy định loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gây khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc hay không thuộc đối tượng được giảm thuế hoặc việc lập hóa đơn riêng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ được và không được giảm thuế giá trị GTGT. Điều này làm tăng chi phí tuân thủ của người nộp thuế và chi phí hành thu của cơ quan thuế. Đồng thời, gián tiếp giảm đi phần nào tác dụng của chính sách này đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

“Đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% mà không tiếp tục áp dụng hạn chế đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nhất định được kỳ vọng sẽ giải quyết được hầu hết những bất cập phát sinh nêu trên”, ông Bùi Ngọc Tuấn khẳng định.

Thứ nhất, doanh nghiệp và cơ quan thuế sẽ không phải phát sinh thêm chi phí, thời gian để xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc hay không thuộc đối tượng được giảm thuế.

Thứ hai, doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn chung cho tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (được giảm còn 8%) thay vì phải tốn chi phí, thời gian để sửa đổi hệ thống quản lý để xuất riêng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT này.

Do đó, theo Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế-Deloitte Việt Nam, việc tiếp tục ban hành chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%, dự kiến áp dụng từ tháng 7 đến hết năm 2023, là rất cần thiết để vừa tạo động lực mạnh mẽ, kích cầu sản xuất và tiêu dùng đối với tất cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế vừa giải phóng các rào cản cho sự phát triển của nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất giảm thuế GTGT giúp kích cầu tiêu dùng, sản xuất tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Tài chính nói về hoàn thuế GTGT đối với ngành gỗ
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn khẳng định, không coi ngành chế biến gỗ là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế GTGT. Từ năm 2022 đến nay, mức hoàn thuế của ngành gỗ là 17.400 tỷ đồng (chiếm 95%) và chỉ còn 5% cơ quan thuế đang kiểm tra hồ sơ thuế.