Thu ngân sách khó khăn, ngành thuế bàn giải pháp tìm nguồn thu bù đắp

27/04/2023, 13:42
báo nói -

TCDN - Số thu ngân sách do ngành thuế quản lý trong các tháng đang có dấu hiệu suy giảm. Ngành thuế yêu cầu đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường thanh tra, kiểm tra tại bàn, kiên quyết thu hồi nợ thuế, tìm kiếm các nguồn thu bù đắp... để hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2023.

Sáng nay (27/4), Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2023. Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn nhấn mạnh, tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách quý 1 năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tổng thu ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm 2023 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 430.535 tỷ đồng, bằng 31,4% dự toán, bằng 105,5% so với thực hiện năm 2021.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn.

Trong đó thu dầu thô ước đạt 15.883 tỷ đồng bằng 37,8% dự toán, bằng 90,8% so cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 414.653 tỷ đồng, bằng 31,1% dự toán, bằng 106,1% so cùng kỳ, trong đó thu thuế phí nội địa ước đạt 332.234 tỷ đồng bằng 31,1% dự toán, bằng 107,1% so cùng kỳ.

Các giải pháp về chính sách giảm thuế được ban hành quyết liệt từ rất sớm với quy mô lớn như chính sách về giảm thu thuế BVMT được ban hành ngay từ đầu năm; chính sách về giảm thu tiền thuê đất được ban hành cho năm 2022 và hiện nay đang trình giảm tiền thuế đất cho năm 2023 và giảm 2% thuế GTGT đối với tất cả các mặt hàng chịu thuế 10%, theo như tính toán tổng số tiền giảm, gia hạn năm 2023 ước tính lên đến trên 194 ngàn tỷ đồng, trong đó: Tổng số giảm khoảng 69 ngàn tỷ đồng thêm ngoài dự toán đã tính (gồm: giảm thuế BVMT khoảng 38 ngàn tỷ; giảm tiền thuê đất cho năm 02 năm khoảng 7 ngàn tỷ; dự kiến giảm 2% thuế suất thuế GTGT khoảng 22,2 ngàn tỷ;… Gia hạn thuế GTGT, TNDN, TNCN, tiền thuế, tiền thuê đất khoảng 125 ngàn tỷ đồng).

Mặc dù thu quý 1/2023 đạt 31,4% dự toán, tăng 5,5% so cùng kỳ, nhưng tiến độ thu ngân sách quí 1 thấp hơn 2 năm liền kề trước đó. Số thu qua các tháng có dấu hiệu suy giảm nhanh, tính chung 3 tháng, nếu loại trừ các khoản thu sau quyết toán và đột biến phát sinh năm 2022 nộp trong năm 2023 thì thu nội địa quý 1/2023 của toàn quốc chỉ bằng bằng 19,1% dự toán, bằng 84,6% so cùng kỳ.

Nhiều khoản thu trọng yếu thu trong quí 1 đều thấp hơn cùng kỳ năm trước như: thuế GTGT bằng 95,5%, TTĐB bằng 92,9%, TNCN bằng 97,3% … Mức giảm thu diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa phương như: bất động sản bằng 54,9%; ô tô bằng 73%; chứng khoán bằng 42,6%; dầu khí bằng 88,1% so cùng kỳ…

Bà Đỗ Thị Hồng Minh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cho biết, nợ thuế đang có xu hướng tăng cao, tỷ lệ nợ thuế đang ở mức 10,6% tăng, 2,6% so với chỉ tiêu Tổng cục giao tập trung nhiều vào nhóm doanh nghiệp xăng dầu và bất động sản. Vì vậy, bà Minh đề nghị các Cục Thuế quyết liệt thực hiện các biện pháp thu hồi, cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin người nộp thuế.

Trước khó khăn thách thức kinh tế cả nước cũng như Tp.HCM, Phó cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM Thái Minh Giao cho biết, Cục Thuế Tp.HCM đặt mục tiêu tăng cường hỗ trợ để người nộp thuế hồi phục phát tiển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó thực hiện hàng loạt các biện pháp như kê khai, đôn đốc số thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước, đôn đốc doanh nghiệp nộp khi đến hạn, thu thuế bất động sản. Đẩy nhanh tiến độ giảm 30% tiền thuê đất, ưu tiên nguồn lực hoàn thuế GTGT giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh; phối hợp tham mưu, rà soát tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản để tăng nguồn thu từ đất...

Theo ông Nguyễn Tiến Trường, Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, xác định quản lý đối tượng là cơ sở quan trọng hàng đầu của công tác quản lý thuế. Do đó, Cục Thuế Hà Nội thực hiện rà soát, phân loại từng đối tượng như doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng số, các sàn thương mại điện tử... để có các giải pháp quản lý, thu ngân sách phù hợp.

Bên cạnh đó, Cục Thuế Hà Nội đẩy mạnh thanh kiểm tra theo chuyên để, tập trung vào một số ngành nghề - hoạt động có rủi ro, có nguy cơ vi phạm cao như: tài chính, bất động sản, thương mại điện tử, chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp hoàn thuế... và sẽ tập trung thanh kiểm tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết lớn - nhóm đối tượng có nhiều dư địa khai thác thu.

Kết luận cuộc họp, Phó tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tốt các gói hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tạo đà khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian ngắn nhất, từ đó tạo ra nguồn thu cho ngân sách.

Bên cạnh đó, Phó tổng cục trưởng cũng đề nghị tập trung tìm kiếm các nguồn thu, bù đắp một số khoản thu, sắc thuế có thể giảm như khoáng sản, thuê nhà ở các đô thị lớn, kinh doanh chuỗi, nhà hàng, coffee, khách sạn, giáo dục, y tế, thể dục thể thao…

Đối với việc hoàn thuế GTGT, ông Phi Vân Tuấn yêu cầu Cục trưởng các Cục Thuế chỉ đạo sát sao, phân loại hoàn thuế theo ngành nghề. “Đây là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo dòng tiền để phục hồi sản xuất kinh doanh. Qua quá trình phân loại khi phát hiện rủi ro thì đặt sang 1 bên. Những trường hợp không rủi ro và rủi ro thấp thì thực hiện hoàn thuế theo quy định của pháp luật”, Phó tổng cục trưởng nhấn mạnh.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Thu ngân sách khó khăn, ngành thuế bàn giải pháp tìm nguồn thu bù đắp tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tiến độ thu ngân sách nhà nước đang có dấu hiệu suy giảm
Theo Bộ Tài chính, trong quý 1, thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu chỉ đạt 27% dự toán, giảm 16,4%; tiến độ thu nội địa các tháng 2, 3 có dấu hiệu suy giảm, nhiều khoản thu thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ như khoản thu về nhà, đất, thuế bảo vệ môi trường...