Chuyện khó tin về ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ

27/04/2023, 10:52
báo nói -

TCDN - Ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ không có máy ATM, website, không thu phí và luôn đối mặt với mối lo phá sản bởi sức ép cạnh tranh.

Với tổng tài sản 3 triệu USD, Kentland Federal Savings and Loan là thành viên có quy mô nhỏ nhất trong Hiệp hội Ngân hàng Độc lập Mỹ (ICBA). Công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) xác nhận Kentland có số tài sản nhỏ nhất trong các nhà băng mà FDIC bảo hiểm.

Ngoài quy mô, Kentland Federal Savings and Loan cũng có nhiều điểm đặc biệt khác. Họ chỉ có một chi nhánh ở Kentland (bang Indiana), không ATM và không website. Ngân hàng chỉ cung cấp 2 dịch vụ: cho vay mua nhà và gửi tiết kiệm. Mọi giao dịch giữa ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ và khách hàng đều diễn ra trên giấy tờ, theo nghĩa đen.

James A. Sammons là giám đốc của Kentland Federal Savings and Loan. Ông là thế hệ thứ 4 trong gia đình điều hành ngân hàng hơn 100 tuổi và nhỏ nhất nước Mỹ. Sammons cũng là nhân sự toàn thời gian duy nhất ở đây. Vị giám đốc 55 tuổi thừa nhận bản thân không rành công nghệ. "Máy tính rất tuyệt vời. Nhưng tôi không có đủ kiên nhẫn với chúng", ông thổ lộ.

Ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ thành lập năm 1920 bởi cụ của Sammons. Cũng như đời cha và ông, Sammons làm việc trong hội đồng thành phố. Quyền lực và độ tin cậy từ việc này là bí quyết giúp ngân hàng tồn tại lâu. "Chúng tôi là nhà băng duy nhất không đóng cửa trong đợt sụp đổ trên thị trường chứng khoán cuối thập niên 20. Mọi người cảm thấy an toàn vì biết tiền của họ sẽ không biến mất", ông nói với Bloomberg.

Kentland Savings có thể tiếp tục hoạt động độc lập nhờ ra đời trong thời kỳ mà quy định khác hoàn toàn hiện tại. Roger Lowenstein - một nhà báo tài chính - nhấn mạnh hồi thập niên 30, các quy định rất chú trọng đến việc bảo vệ nhà băng nhỏ. Thời đó, giới chức cấm có nhiều hơn một chi nhánh hoặc mở rộng sang bang khác.

James A. Sammons, giám đốc điều hành Kentland Federal Savings and Loan, là người duy nhất làm việc toàn thời gian ở văn phòng. Ảnh: Bloomberg

James A. Sammons, giám đốc điều hành Kentland Federal Savings and Loan, là người duy nhất làm việc toàn thời gian ở văn phòng. Ảnh: Bloomberg

Sau khi giới chức nới lỏng dần các quy định, trào lưu sáp nhập hoặc rao bán ngân hàng đã bùng nổ. "Các ngân hàng dần trở nên lớn hơn. Sau mỗi đợt khủng hoảng trong ngành, như hiện tại, làn sóng sáp nhập lại xuất hiện", Lowenstein giải thích.

Tháng trước, Silicon Valley Bank sụp đổ. Một trong các nguyên nhân là ngân hàng không thường xuyên được giới chức thực hiện kiểm tra áp lực (stress test). "Ở đây, chúng tôi vừa được kiểm tra. Giới chức lo ngại về mức vốn. Họ cho rằng chúng tôi quá nhỏ để tồn tại", Sammons nói.

Bloomberg cho rằng có vẻ giới chức lo lắng về việc nguồn tài sản của Kentland Federal Savings and Loan đang co lại. Hiện tại, họ chỉ cho vay mua nhà với khoảng 40 khách hàng. Khi khách hàng của họ qua đời, ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ cũng không có thêm khách mới thuộc thế hệ trẻ. Những người này không hứng thú với một ngân hàng phải làm việc hoàn toàn trực tiếp.

Sammons dự báo có lẽ việc kinh doanh của gia đình sẽ chấm dứt ở thế hệ của ông. Cả 4 người con trai của Sammons đều không hứng thú với chuyện kế nghiệp. "Có thể tôi sẽ dừng công việc ở đây vì giới chức thúc giục, hoặc tôi tự rời đi vì ngân hàng khác mua lại", ông nói.

Một phần lý do là ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ có biên lợi nhuận rất nhỏ. Trong thị trấn còn 2 ngân hàng khác. Sammons nói rằng dù có thể thu hút khách địa phương bằng việc đưa ra mức lãi suất tốt hơn, họ lại không còn nguồn thu nào khác. Kentland không thu bất kỳ khoản phí nào. Họ không có phí ATM, không phí giao dịch trực tuyến và không phí chuyển khoản. "Chúng tôi không muốn thu phí vì nó trái với niềm tin của chúng tôi", Sammons nói.

Các ngân hàng nhỏ thường bị cho là kém an toàn hơn. Thực tế cũng cho thấy trong biến động ngân hàng sau vụ SVB sụp đổ, người dân đua  nhau rút tiền khỏi các ngân hàng nhỏ. Dù vậy, Kentland đến nay vẫn chưa chịu ảnh hưởng. Toàn bộ tiền gửi tại đây được bảo hiểm, nên khách hàng không có lý do để lo lắng.

Sammons xác nhận nửa số khách hàng của ông đến trả tiền hàng tháng chỉ với mục đích "có việc để làm". Ông cho rằng đây là mối quan hệ giữa người và người, được củng cố bởi một tổ chức tài chính luôn nỗ lực làm việc trực tiếp nhiều nhất có thể. "Chúng tôi tự hào rằng mỗi khi ai đó gọi đến đây, họ sẽ gặp tôi hoặc một nhân viên bán thời gian, chứ không phải nghe trả lời tự động", ông nói.

Không như những chủ ngân hàng khác, Sammons không quá quan tâm đến tiền bạc, dù thu nhập của ông phụ thuộc vào một nhóm nhỏ khách hàng và con số này đang giảm dần. Ông sẽ không thể tiếp tục duy trì việc kinh doanh khi ngân hàng không phát triển. Nhưng đó là sự đánh đổi mà ông chấp nhận.

"Với một người ở một thị trấn an toàn, sống với các cư dân nông thôn, đó là chi phí cơ hội mà anh phải trả", ông nói.

Nhã Vy/Bloomberg
Bạn đang đọc bài viết Chuyện khó tin về ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan