Khoảng 68 tỷ USD bị rút khỏi ngân hàng Credit Suisse
TCDN - Trong quý 1/2023, có 61 tỷ franc Thụy Sĩ, tương đương 68 tỷ USD đã được rút khỏi ngân hàng Credit Suisse.
Theo báo cáo công bố hôm 24/4 của Credit Suisse, trong quý 1/2023, có 61 tỷ franc Thụy Sĩ, tương đương 68 tỷ USD đã được rút khỏi ngân hàng này, phản ánh quy mô của cuộc “tháo chạy”, dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng 167 năm tuổi.
Đây có thể được coi là lần báo cáo cuối cùng của ngân hàng này khi cuộc sáp nhập chóng vánh với ngân hàng UBS sẽ sớm hoàn tất. Khách hàng của Credit Suisse đã nhanh chóng rút tiền khỏi ngân hàng này sau khi ngân hàng này rơi vào cuộc khủng hoảng.
Báo cáo cho hay, tài sản do bộ phận quản lý tài sản quan trọng nhất của Credit Suisse quản lý đã giảm xuống 502,5 tỷ franc vào cuối tháng 3 năm nay, so với 707 tỷ franc cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, báo cáo nhấn mạnh, dòng tiền chảy ra vẫn tiếp tục. Điều này cho thấy những thách thức mà Ngân hàng hàng đầu Thuỵ Sĩ UBS phải đối mặt trong cuộc giải cứu đối thủ Credit Suisse.
Các nhà chức trách Thụy Sĩ trong bối cảnh đó đã phải đưa ra biện pháp giải cứu, trong đó có gói bảo lãnh tài chính gần 225 tỷ USD. Đồng thời để UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ tiếp quản Credit Suisse với giá 3,4 tỷ USD bằng cổ phiếu và tiếp nhận khoản lỗ lên đến 5,6 tỷUSD.
Tháng 3 vừa qua, ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ đã đồng ý mua lại đối thủ Credit Suisse với giá 3 tỷ Franc Thụy Sỹ (khoảng 3,34 tỷ USD) bằng cổ phiếu và tiếp nhận khoản lỗ lên đến 5 tỷ Franc, trong một thương vụ sáp nhập do Chính phủ Thụy Sỹ sắp xếp nhằm tránh gây thêm bất ổn cho lĩnh vực ngân hàng toàn cầu.
UBS cho biết, theo chương trình mua lại cổ phiếu của UBS bắt đầu vào tháng 3/2022 và sẽ kéo dài đến năm 2024, tính đến nay, ngân hàng này đã mua lại 298,5 triệu cổ phiếu, tương đương 8,47% lượng cổ phiếu của UBS.
Theo Reuters, đầu phiên giao dịch ngày 24/4, cổ phiếu của cả UBS và Credit Suisse đều tăng nhẹ khi một số nhà phân tích đánh giá, dòng tiền chảy ra không tệ như lo ngại. Nhà kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ quốc tế Pierre-Olivier Gourinchas cho biết, các rủi ro lây lan của hệ thống ngân hàng đã được kiềm chế nhờ các hành động chính sách mạnh mẽ. Tuy nhiên tình trạng hỗn loạn đã tạo thêm một lớp bất ổn khác bên cạnh lạm phát cao dai dẳng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899