Bộ Tài chính nói về hoàn thuế GTGT đối với ngành gỗ
TCDN - Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn khẳng định, không coi ngành chế biến gỗ là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế GTGT. Từ năm 2022 đến nay, mức hoàn thuế của ngành gỗ là 17.400 tỷ đồng (chiếm 95%) và chỉ còn 5% cơ quan thuế đang kiểm tra hồ sơ thuế.
Tại Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, các thị trường chính ngành gỗ (chủ yếu là sản phẩm chế biến sâu, như đồ nội thất) đang bị giảm sút là Mỹ và Châu Âu. Còn các sản phẩm trung gian của ngành gỗ, như ván, dăm, viên nén đang có thị trường rất tốt, tập trung chủ yếu ở thị trường Đông Bắc Á (chủ yếu là đồ nội thất) và Trung Bắc Á.
Nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này đang bị hoàn thuế chậm. "Chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành gỗ để khai thông vấn đề hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp sử dụng nguồn gỗ rừng trồng trong nước", ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị.
Một nội dung khác về thuế, đó là việc áp mức thuế suất 5% lên sản phẩm viên nén đen (mã HS 4401.31). Đây là sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, suất đầu tư lớn, đang có sức hút trên thế giới, đặc biệt là Châu Âu, nhất là viên nén này được sản xuất từ nguồn gỗ có chứng chỉ. Do đó, Hiệp hội đề nghị xem xét vấn đề thuế để thúc đẩy ngành này phát triển, vì đây là bệ đỡ cho việc tiêu thụ gỗ rừng trồng trong nước, vừa nâng cao xuất khẩu.
Ông Đỗ Xuân Lập cũng cho rằng, cần đẩy mạnh sản xuất đồ gỗ trong nước và có chính sách chi tiêu công, chính sách tiêu dùng trong nước đối với sản phẩm từ gỗ rừng trồng Việt Nam, hạn chế sử dụng các sản phẩm gỗ nhập khẩu, đặc biệt sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên. Đồng thời có chính sách hỗ trợ trồng rừng hiện tại, tiến tới dần dần phải có chứng chỉ.
Trả lời về các kiến nghị trên, theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, Luật Quản lý thuế có phân việc hoàn thuế thành 2 loại "hoàn trước - kiểm sau" và "kiểm trước - hoàn sau". Hiện nay, một năm từ 150.000 - 170.000 tỷ đồng hoàn thuế thì 80% là Cục Thuế thực hiện "hoàn trước - kiểm sau". Riêng đối với ngành gỗ, từ năm 2022 đến nay, mức hoàn thuế là 17.400 tỷ đồng (chiếm 95%) và chỉ còn 5% cơ quan thuế đang kiểm tra hồ sơ thuế.
"Chúng tôi đồng tình với Hiệp hội Gỗ ủng hộ làm ăn chân chính và đấu tranh với doanh nghiệp gian lận. Vừa rồi chúng tôi cũng đã phối hợp với Bộ Công an đấu tranh với một số doanh nghiệp gian lận khai khống đầu vào để giảm thuế xuất khẩu", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn thông tin.
Đối với các hồ sơ chưa hoàn thuế, Thứ trưởng cho biết, chính sách thuế đối với doanh nghiệp gỗ xuất khẩu hiện nay đang là 0% còn thu mua gỗ rừng trồng đang không phải chịu thuế. Các doanh nghiệp trực tiếp thu mua đều không vướng mắc về đầu vào gỗ, chỉ có một số doanh nghiệp thu mua qua nhiều "cầu" thì khi cơ quan chức năng kiểm tra không làm rõ được con số. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có văn bản trả lời về việc này. Trong tuần tới, Bộ chính sẽ tiếp tục họp với các doanh nghiệp đang có vướng mắc.
Về việc giảm thuế suất đối với xuất khẩu sản phẩm viên nén đen (mã HS 4401.31), Hiệp hội Gỗ đề nghị có cùng mức thuế suất là 0%, tương ứng như thuế suất áp dụng đối với các sản phẩm viên nén khác, đại diện Bộ Tài Chính cho hay, Bộ đã có tờ trình về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu có tiếp thu ý kiến này và đa số ý kiến các bộ, ngành đều đã đồng tình. Trong tuần này, Bộ Tài chính sẽ trình lại lên Chính phủ, nếu được thông qua sẽ tháo gỡ được cho ngành gỗ.
Về việc giãn nợ thuế 6-12 tháng, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng trình Chính phủ Nghị định về giãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế đất. Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt về việc này, nếu như được ban hành thì sẽ giải quyết được vấn đề giãn nợ thuế cho các doanh nghiệp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899