Đề xuất làm rõ trách nhiệm điều động, miễn nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh
TCDN - Tại phiên thảo luận Dự thảo Nghị quyết về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm đến trách nhiệm của Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng như việc bầu, miễn nhiệm, điều động các vị trí này.
Sáng 14/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất), và thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Góp ý Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã tại khoản 4 Điều 11.
Đại biểu cho rằng cần thiết phải bổ sung vào Điều 11 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã như khoản 4 Điều 11 đã thể hiện.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương).
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy việc quy định rất chung chung thẩm quyền này của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh “trong trường hợp cần thiết” là chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh và có thể dẫn đến những vướng mắc, bất cập, thiếu thống nhất trong tổ chức thi hành; do đó đề nghị có quy định chặt chẽ hơn ngay trong Luật này hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã.
Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cũng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Luật có liên quan về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tổ chức thực hiện.
Theo đại biểu tỉnh Bắc Giang, Chương 3 dự thảo Luật đã quy định về khái niệm, quy tắc, điều kiện, cách thức thực hiện, trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện phân công, phân cấp, ủy quyền. Để đẩy mạnh và bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, rất cần thiết phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật chuyên ngành, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phân công, phân cấp, ủy quyền cho phù hợp.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đặt vấn đề về bầu, miễn nhiệm, điều động Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh. Theo đại biểu, để xây dựng thể chế sẽ phải trao quyền nhiều hơn cho địa phương, nhưng cũng cần trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, theo đúng tinh thần Hiến pháp về điều hành linh hoạt, thống nhất trong toàn quốc về hành chính quốc gia.
Tại Khoản 2, Điều 36 của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương đang quy định, HĐND bầu Chủ tịch UBND theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND và bầu Phó chủ tịch UBND, Ủy viên UBND theo giới thiệu của Chủ tịch UBND, nội dung này đúng theo tinh thần điều 114 Hiến pháp hiện nay. Tuy nhiên thì khoản 4 điều 37, quy định HĐND cũng bãi nhiệm các chức vụ do HĐND bầu, nhưng theo Điều 41 thì khi Thủ tướng quyết định cách chức Chủ tịch HĐND, điều động Chủ tịch UBND thì không cần HĐND miễn nhiệm, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, về mặt quy định thì đúng với Hiến pháp, nhưng về mặt logic thì không đảm bảo, vì HĐND bầu thì HĐND phải miễn nhiệm, nếu làm đúng như điều 41 sẽ không hợp lý.
Nếu giữ nguyên Khoản 2 điều 41, đại biểu cho rằng nên sửa điều 56, HĐND không phải bầu chức danh chủ tịch mà giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn. Nếu thực hiện điều này thì Điều 114 Hiến pháp sẽ phải sửa thêm, đặc biệt là nội dung HĐND bầu UBND cùng cấp đang chưa sửa. Do đó, đại biểu đề nghị, để thống nhất giữa điều 36 và điều 41 của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương thì sửa thêm điều 114 Hiến pháp.
Để phù hợp với quy mô dân số và diện tích cấp tỉnh mới cùng với nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành lớn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị tăng số lượng Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Về việc cho phép UBND cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị không cho phép cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công, mà là Trung tâm hành chính công liên khu vực trực thuộc UBND tỉnh. Đại biểu nêu ví dụ mô hình tại Hà Nội đang triển khai rất tốt, nếu mỗi xã đều thành lập là không cần thiết, bởi có xã không sáp nhập, quy mô nhỏ sẽ gây lãng phí.
Đại biểu thống nhất với quy định giao quyền cho UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã, tuy nhiên không nên quy định Chủ tịch UBND cấp xã ủy quyền cho phòng, ban cấp xã. Bởi cấp xã là cấp thấp nhất, không nên giao quyền mà có thể ủy quyền cho các phòng chuyên môn. Ngoài các phòng chuyên môn cấp xã, đề nghị thành lập các văn phòng chung như văn phòng đảng ủy, văn phòng HĐND, văn phòng UBND…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899