Đề xuất lộ trình điều chỉnh thời gian và mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá

09/08/2022, 10:36

TCDN - Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu tính toán có lộ trình điều chỉnh cả thời gian tăng và mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhằm hạn chế sử dụng thuốc lá.

Sáng 9/8, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức Hội thảo Chính sách Thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh.

IMG_2042

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội; điều tiết thu nhập của người tiêu dùng; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thuế TTĐB cần đáp ứng yêu cầu cao hơn như cần đả bảo được một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn, một sắc thuế TTĐB tốt thì ngoài các mục tiêu như định hướng hành vi tiêu dùng, tăng thu ngân sách thì cần tính tới các yếu tố: tính khả thi, tính tuân thủ; cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Ông Đậu Anh Tuấn Phó Tổng thư ký VCCI.

Ông Đậu Anh Tuấn Phó Tổng thư ký VCCI.

Chia sẻ về chính sách TTĐB hiện hành, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA cho biết, thuế TTĐB là thuế gián thu, thuế chỉ đánh ở khâu nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh dịch vụ, không đánh thuế ở khâu lưu thông, kinh doanh thương mại.

Ở Việt Nam, thuế chỉ đánh vào một số nhóm hàng hóa và dịch vụ. Hàng hóa chịu thuế TTĐB không thuộc hàng hóa dịch vụ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, mà thuộc đối tượng cao cấp, xa xỉ; không khuyến khích hạn chế tiêu dùng hoặc thuộc nhóm sản phẩm ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội… cần có mức điều tiết đặc biệt, nên ngoài áp dụng thuế suất thuế GTGT ở mức 10% không được miễn giảm thuế, hàng hóa dịch vụ chịu thuế TTĐB thường có thuế suất cao.

Thuế TTĐB chiếm tỷ trọng khá lớn trong số thu thuế của ngân sách nhà nước (NSNN), khoảng 10 - 11% tổng thu NSNN về thuế hàng năm. Cụ thể, năm 2019 thuế TTĐB là 116.599 tỷ đồng chiếm 10,79%; năm 2020 là 150.228 tỷ đồng chiếm 11,5%; năm 2021 số thuê là 118.404 tỷ đồng chiếm 9,94%.

Số thuế TTĐB chủ yếu tập trung vào một số sản phẩm: ô tô dưới 24 chỗ ngồi trở xuống, đặc biệt loại có dung tích xi lanh lớn; rượu, bia; thuốc lá.

Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá chiếm tỷ trọng tương đối lớn so với tổng thu nộp NSNN về thuế TTĐB. Cụ thể, năm 2019 là 14.562 tỷ đồng chiếm 12,5%; năm 2020 là 14.634 tỷ đồng chiếm 9,7%; năm 2021 là 16.840 tỷ đồng chiếm 14,2%.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Liên quan đến đề xuất tăng thuế TTĐB với thuốc lá nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm, theo bà Cúc, việc hạn chế sử dụng sản phẩm thuốc lá cũng như rượu bia có tác động một phần bởi chính sách điều tiết tăng thuế chứ không phải tất cả.

Dẫn chứng về việc này, bà Cúc cho hay, từ năm 1990 thuế TTĐB của thuốc lá là 50%, năm 2021 là 75% là mức tăng tương đối nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá của Việt Nam vẫn cao gần nhất thế giới.

Theo bà Cúc, để hạn chế sử dụng thuốc lá cần phải thực hiện hàng loạt việc như tuyên truyền tác hại của thuốc lá; kiểm soát và hạn chế thuốc lá nhập lậu; thực hiện các biện pháp tài chính trực tiếp vào hành vi hút thuốc lá; điều chỉnh tăng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.

Theo đó, đối với việc điều chỉnh tăng thuế TTĐB với thuốc lá, Chủ tịch VTCA cho rằng cần nghiên cứu tính toán có lộ trình điều chỉnh cả thời gian tăng và mức thuế tăng.

Cụ thể, hai năm đầu thực hiện phương pháp thuế hỗn hợp tương đối và tuyệt đối thì ngoài thuế suất tương đối 75% có thể tính thêm thuế tuyệt đối 1.000đ/bao. Hai năm tiếp theo sẽ nâng dần thuế tuyệt đối lên 1.500 đ/bao. Từ năm thứ 5 nâng lên 2.000 đồng/bao.

Theo tính toán của VTCA, nếu thêm số thuế tuyệt đối 2.000 đồng/bao tiền thuốc thuế TTĐB đối với thuốc lá bình dân, thấp cấp phân khúc 1 (giá bán 10.000 đ) tăng 46%, thuốc lá ở phân khúc 2 (giá bán 20.000 đ) tăng trên 23,3%, thuốc lá cao cấp ở phân khúc 3 (giá bán 30.000 đ) tăng 16%.

Cũng đồng tình với Chủ tịch VTCA, bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính kiến nghị nên lựa chọn áp dụng phương pháp thu thuế hỗn hợp đang được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia. Theo đó, Việt Nam cần bổ sung thuế suất tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong việc phòng ngừa và sử dụng thuốc lá, từ đó giúp giảm thiểu khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuộc lá hiện nay đang cung cấp trên thị trường nội địa. Đồng thời giúp hạn chế việc di chuyển giá giữa các nhà sản suất thuốc lá và các công ty phân phối thuốc lá.

Cùng với đó, nên tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá và tăng theo lộ trình; quy định rõ các sản phẩm thuốc lá mới phát sinh là đối tượng chịu thuế TTĐB như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất lộ trình điều chỉnh thời gian và mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, rượu, bia như thế nào?
Trong giai đoạn tới ngành Thuế phải xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.