Dệt may nhận cả đơn nhỏ lẻ để giữ chân lao động

21/06/2023, 07:16
báo nói -

TCDN - Ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Chính vì vậy, thời gian qua Vinatex đã liên tục khắc phục khó khăn, tạo công việc cho người lao động, thậm chí nhận đơn hàng từ 500 - 1.000 áo jacket.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa họp cung cấp thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm và kế hoạch trong năm 2023. 

Thông tin về tình hình, ông Cao Hữu Hiếu - tổng giám đốc Vinatex - nhìn nhận khó khăn là có thật và đã được ngành "lường trước" từ năm 2022 từ những tín hiệu thị trường. 

Đơn cử với ngành sợi sau suốt 18 tháng tăng trưởng tốt, đến tháng 6/2022 đã có những cảnh báo về xu hướng giảm. Lý do là nhu cầu thấp, giá giảm do giá bông nguyên liệu biến động và giảm rất sâu so với cùng kỳ.

Ông Cao Hữu Hiếu - tổng giám đốc Vinatex thông tin về hoạt động của ngành trong nửa đầu năm 2023.

Ông Cao Hữu Hiếu - tổng giám đốc Vinatex thông tin về hoạt động của ngành trong nửa đầu năm 2023.

Ngành dệt may Việt Nam trải qua 4 tháng đầu năm khó khăn với kim ngạch xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong các quốc gia xuất khẩu dệt may. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nhận đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp, thời gian giao hàng nhanh cùng nhiều yêu cầu khắt khe...

Với thị trường Trung Quốc, ngành sợi rất kỳ vọng khi nước này mở cửa. Tuy nhiên, thực tế lại là áp lực rất lớn, đặc biệt là vấn đề sản xuất bông tại Tân Cương, nên sản phẩm của Việt Nam gặp khó khi giá cả xuất sang Trung Quốc không cạnh tranh và nước này ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa. Dẫn tới ngành sợi bị lỗ, tồn kho lớn trong khi vẫn phải duy trì sản xuất.

Với ngành may, ông Hiếu nói doanh nghiệp chủ yếu chỉ nhận được đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún. Dẫn chứng, ông nói chưa bao giờ mà với những doanh nghiệp có quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng 500 - 1.000 áo jacket, song vẫn phải làm. 

Để ứng phó, Vinatex đẩy mạnh dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất... Vượt lên nhiều khó khăn, 62.000 lao động toàn hệ thống Vinatex vẫn duy trì việc làm, với thu nhập bình quân 9,3 triệu đồng/tháng. Quý 1/2023 toàn tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất 4.462 tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm; quý 2 dự kiến doanh thu đạt 4.340 tỷ đồng. Lợi nhuận hai quý tương ứng là 118 tỷ đồng và 58 tỷ đồng. Tính trung bình 4 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 3 tỷ USD/tháng, nhưng sang tháng 5 xuất khẩu đã tăng lên 3,5 tỷ USD, tuy vẫn giảm 10% so với năm 2022 song đã có mức tăng trưởng khả quan.

Trong những tháng còn lại của năm 2023, các cuộc khủng hoảng kinh tế, môi trường, xã hội và địa chính trị đi cùng với chủ nghĩa bảo hộ vẫn sẽ gây ra những yếu tố bất ổn trên quy mô toàn cầu. Theo cập nhật mới nhất trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF, tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống 2,8% năm 2023 và 3% năm 2024.

Theo dự báo, thị trường dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng còn lại của năm 2023 với mức tăng trưởng doanh số dự báo tương đối chậm từ -2% đến 3% do bị thu hẹp tại thị trường Châu Âu (dự kiến chỉ còn 1% đến 4%). Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế…

Ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài.

Trước những thách thức này, Vinatex tập trung vào các giải pháp chính: Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất; Theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính tại các đơn vị, ổn định dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh khoản cho các doanh nghiệp; Ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn lực lượng lao động để sẵn sàng "đón" cơ hội khi thị trường phục hồi;

Tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp. Ngành May linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành Sợi nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng. Phát triển đồng bộ về công nghệ và kỹ thuật cho ngành Dệt nhuộm, nâng cao chất lượng sản phẩm; Tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn…

Hoàng Nhung
Bạn đang đọc bài viết Dệt may nhận cả đơn nhỏ lẻ để giữ chân lao động tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Vinatex lần đầu báo lỗ sau cổ phần hóa
Theo báo cáo tài chính, Vinatex ghi nhận doanh thu thuần quý 4/2022 giảm 15% so với cùng kỳ năm 2021, lỗ ròng 5,2 tỷ đồng. Đây là lần đâu tiền Vinatex báo lỗ quý sau 8 năm cổ phần hóa.
Vinatex ước lãi trên 1.000 tỷ đồng trong 2022
Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh cuối năm 2022 gặp nhiều khó khăn song Vinatex vẫn ước đạt doanh thu 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch.