Điểm mặt loạt doanh nghiệp "đại gia" đang ngụp lặn trong thua lỗ

10/11/2019, 08:39

TCDN - Một loạt doanh nghiệp vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) với mức lỗ hàng trăm tỷ đồng, thậm chí lỗ luỹ kế cả nghìn tỷ đồng. Trong số này có nhiều doanh nghiệp tên tuổi "một thời vang bóng".

lo-1573293130257

"Bức tranh" kinh doanh quý 3/2019 của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục được công bố. Đáng nói, nhiều doanh nghiệp từng một thời ăn nên làm ra nhưng nay sa lầy với khoản lỗ "khủng".

Lợi nhuận sau thuế âm gần 240 tỷ đồng trong quý cuối cùng niên độ 2018-2019 (từ 1/10/2018 - 30/9/2019), doanh nghiệp từng được mệnh danh “vua cá tra” HVG đang có mức lỗ thuộc top khủng nhất sàn.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất trong kỳ này, Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) đạt 690 tỷ đồng doanh thu, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vốn vượt doanh thu cùng với doanh thu tài chính giảm mạnh do không còn hoạt động thoái vốn như cùng kỳ, trong khi nhiều khoản chi phí tăng mạnh, HVG lỗ đậm.

Với niên độ tài chính bắt đầu từ 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau, niên độ tài chính 2018/2019 của HVG đã khép lại với 3.966 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế âm 496,5 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế tính đến thời điểm này là 891 tỷ đồng.

Nợ phải trả của HVG tính đến 30/9/2019 là 7.213 tỷ đồng; chiếm hơn 82% tổng tài sản.

Một doanh nghiệp khác vốn là công ty con của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cũng đang miệt mài báo lỗ. Cụ thể, tính đến 30/09/2019, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) có lỗ lũy kế lên đến hơn 3.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 300 tỷ đồng.

Tính riêng trong quý 3/2019, DHB có doanh thu là 547 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 200 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng của năm 2019, công ty này lỗ hơn 421 tỷ đồng.

Theo giải trình ban lãnh đạo, công ty gặp rất nhiều khó khăn do chi phí tài chính rất lớn, đặc biệt từ tháng 1/2019 do không được kéo dài thời gian trả nợ, công ty không thể cân đối được tài chính để trả đủ nợ gốc cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam nên phải chịu lãi phạt trên nợ gốc quá hạn với lãi suất 18%/năm.

Báo cáo tài chính quý 3/2019 vừa công bố của Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) cũng cho thấy, doanh nghiệp từng vang bóng một thời này đang lỗ đậm.

Cụ thể trong quý 3, TTF của “đại gia” Mai Hữu Tín đạt doanh thu 122,6 tỷ đồng, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế âm 177 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này “ôm” khoản lỗ gần 500 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái số lỗ được ghi nhận lên tới 764 tỷ đồng.

Theo TTF, doanh thu bán hàng giảm mạnh do doanh thu từ hoạt động thi công lắp đặt các công trình của Tập đoàn Vingroup và các công ty con của Vingroup đi vào giai đoạn hoàn tất.

Bên cạnh giá vốn kỳ này giảm tương ứng với sản lượng tiêu thị giảm, công ty trích lập thêm dự phòng hàng tồn kho với nguyên liệu là gần 100 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2019, nợ phải trả của Gỗ Trường Thành là 2.659 tỷ đồng, lớn hơn tổng tài sản đang có là 2.532 tỷ đồng.

Trong quý 3, Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (YEG) - doanh nghiệp được mệnh danh là "ông trùm" giải trí - cũng báo lỗ sau thuế là 127,9 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tống số lỗ 230 tỷ đồng.

Tại văn bản giải trình, lãnh đạo Yeah1 cho biết, nguyên nhân khiến lãi hợp nhất 9 tháng giảm 275% tương đương giảm 361 tỷ đồng đến từ việc 9 tháng đầu năm nay, tập đoàn này đã tiến hành trích lập dự phòng một số khoản liên quan đến chuyển nhượng vốn đầu tư tại ScaleLab LLC, trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Nguyên nhân còn lại đến từ việc tăng chi phí hoạt động do mở rộng kinh doanh như chuyển đổi trụ sở chính, tuyển dụng thêm nhân sự và hoạt động kinh doanh một số mảng bị ảnh hưởng sau sự cố YouTube.

Không niêm yết trên sàn, tuy nhiên bản thông báo tài chính tóm tắt của Công ty CP Du lịch Hòn Một lại trên HNX mới đây đã tiết lộ tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa của doanh nghiệp này.

Theo báo cáo, đến hết tháng 6/2019, vốn chủ sở hữu Công ty CP Du lịch Hòn Một đạt 2.375 tỷ đồng. Doanh nghiệp ghi nhận lỗ lên tới 324 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 2,64 lần.

Công ty Du lịch Hòn Một được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu du lịch Hòn Một tại đảo Hòn Một, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang. Năm ngoái doanh nghiệp này thực hiện 2 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 6.300 tỷ đồng.

Theo Dân Trí
Bạn đang đọc bài viết Điểm mặt loạt doanh nghiệp "đại gia" đang ngụp lặn trong thua lỗ tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Doanh nghiệp nhà nước ở địa phương thua lỗ hơn 97,722 tỷ đồng
Qua giám sát tài chính khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở địa phương, Bộ Tài chính cho biết rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ, làm ăn bết bát kể cả doanh nghiệp đã cổ phần nhà nước còn giữ vốn. Tổng thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng và có trường hợp càng để lâu càng mất vốn.