Điều ước trên cổng trời

27/01/2020, 23:45

TCDN -

21

Tiếng ồn ào từ khu chợ ẩm thực quyện lẫn mùi khói không bật lên được đám sương mù dày đặc và những bông tuyết đang rơi mỗi lúc một nhiều. Người qua lại xúng xính trong những chiếc áo bông to sụ. Mí vẫn đang ngồi cùng đám trẻ con dưới thềm đá bên nhà thờ. Váy áo chúng bị tuyết phủ kín, nhìn xa, dưới ánh đèn không khác gì những chú người tuyết tý hon trong cổ tích. Cái khay nhựa đựng dăm ba túi quà lưu niệm, móc chìa khóa, vòng tay, vòng thêu bằng sợi lanh đều ướt nhẹt.

Nhà thờ mở cửa từ sớm, hôm nay là Noel nên khách ở nhiều nơi tìm về chợ tình, nhà thờ và tuyết, những thứ mà năm nào Mí cũng nhìn chán mắt, mỏi chân, và run cầm cập lại là món đặc sản của người ở miền xuôi. Mí thấy một cô gái đưa bàn tay hứng những bông tuyết đầy sung sướng mà nó thì rụt đầu lè lưỡi, hai tay cố thu lại trong chiếc áo mỏng. Dù hôm nay, mẹ có khoác thêm cho Mí một cái áo phao nhưng nó nào có thấm gì khi cả ngày ở ngoài đường và dưới tuyết thế này. Bụng Mí bắt đầu kêu òng ọc. Thường thì trẻ con đi bán hàng chẳng mấy đứa mang theo cơm nắm. Người lớn bảo ở chợ khách đông, người ta sẽ cho ối thứ để ăn, không sợ đói.

Nhưng giờ thì Mí đói lắm, mà mẹ vẫn chưa thấy đến đón. Thế là Mí đành ngồi kiểm lại hàng, cả ngày nay mới bán được dăm cái móc bằng thổ cẩm. Người đông chứ chẳng ai mua mấy. Ở một góc kia, hai ba đứa đã được mẹ đón về. Mí cứ ngóng mãi về phía đường Fansipan, nhà Mí đi về hướng ấy, nhưng giữa dòng người tản bộ không thấy bóng mẹ đâu. Thôi thì đi bán thêm vậy, chứ hôm nay làng có cúng tiễn năm cũ, người làng đi uống rượu, bố Mí chắc cũng đi rồi, mà chẳng phải ngày có cỗ thì bố cũng vẫn uống thôi, uống say mê mệt. Ở nhà Mí còn ba đứa em nữa, chúng nó đều còn nhỏ, con Mai thì ốm hai hôm nay, mẹ phải ở nhà vừa trông nó vừa tước lanh. Cả nhà có mỗi cái xe máy, nếu bố không về chắc chẳng có xe mà đi đón mình. Mí thở ra một hơi, làn khói ấm và mỏng trong lồng ngực tan thật nhanh. Con bé lẩn vào đám đông, nhưng không ai nhìn xuống chiếc khay nhựa trên tay nó, họ còn đang mải dõi mắt vào những thứ ồn ào xung quanh, và cả ánh điện lung linh trên những hàng cây bên nhà thờ. Biết vậy nên hình như cái tiếng mời hàng của Mí cũng chỉ âm âm trong miệng và đủ nó nghe thấy mà thôi. “Mua đi, mua hàng đi.”

Bỗng một tiếng chuông bất ngờ vang lên trên đỉnh tháp nhà thờ, làm một thằng bé giật mình đánh rơi que xúc xích đang cắn dở trên tay. Nó định cúi xuống nhặt nhưng mẹ nó ngăn lại. “Bẩn!”. Rồi gia đình họ bước vào nhà thờ làm lễ thánh cuối năm. Tiếng rì rào cầu nguyện của đám người vang lên. Chỉ còn Mí đứng đấy, nó nhìn gia đình nọ cho đến khi khuất dạng mới dám nhặt que xúc xích lên, cái lạnh xâm lấn thật nhanh vào miếng ăn. Nó đưa lên ngang miệng, rồi thổi phù phù như làm phép của bọn trẻ nhà nghèo sau đó nhồm nhoàm nhai nuốt. Nó liếm mép rồi nhìn quanh. “Giá mà ai đó đánh rơi cái nữa thì thật êm bụng.” Nhưng may mắn chẳng đến nhiều thế. Mí đi thêm một vòng quanh khu chợ tình, và đứng xem mấy anh chị múa khèn cho khách. Èo, lạnh thế mà họ vẫn đi chân trần, nhảy đến bật cả máu vẫn chưa ngưng. Nếu mà Mí lớn, Mí cũng đi múa khèn, được nhiều tiền hơn là bán hàng. Trẻ con ở làng Mí, nhỏ thì đi bán hàng, lớn thì đi dẫn khách, đi múa khèn cả thôi. Nhưng Mí vẫn muốn đi học hơn. Đến lớp được học con chữ, muốn ấm bụng thì phải học chữ. Cô giáo vẫn bảo thế. Nhưng Mí ngày học ngày không, vì đường xa quá, rồi mưa lũ. Mí rất quý cô giáo Quyên, cô giáo của Mí, cứ dăm ba hôm lại vào bản khuyên trẻ con đi học. Người làng hỏi.

- Ô, thế học chữ có no bụng đâu. Để nó đi bán hàng thôi. Nhà nghèo phải lo ăn từng bữa chứ - Người lớn lắc đầu.

Nhưng cô giáo kiên trì lắm, nói mãi rồi cũng có người hiểu, họ cho con đi học, tất nhiên vẫn có điều kiện.

- Hôm nào nhà bận quá thì nghỉ nhé.

Lớp Mí được nghỉ hơn một tháng nay rồi vì bão làm sập lớp, đường qua suối vẫn chưa đi được. Đoàn thanh niên còn đang dựng lại lớp. Cô giáo bảo ăn tết xong là đi học lại. Mí cũng mong lắm, nhưng lo nữa. Mí đi học rồi sẽ không có ai phụ mẹ bán hàng. Bố thì hư lắm, đi nương nửa buổi, nửa buổi uống rượu. Bố bảo:

- Cho nó đi học làm gì? Con gái mấy năm nữa lại về làm dâu người ta thôi. Để nó ở nhà làm có hơn không.

Mẹ lắc đầu.

- Không. Đời tôi đã khổ, đời nó phải khá hơn. 

Bây giờ không còn tục cướp vợ như ngày xưa nữa, muốn cướp cũng phải ưng nhau. Không ưng lấy về khổ lắm.

Bố nốc một chén rượu:

- Là mày không ưng tao hả?

Mẹ lặng im quay đi, địu con Mai vào góc bếp ngồi tước lanh.

Cô giáo Quyên ở dưới xuôi lên, cô có mái tóc dài tết phía sau, cô ở ngôi nhà tạm trú cho giáo viên ngay sát lớp học. Mí thấy thỉnh thoảng cô hay viết thư rồi lội bộ xuống dưới huyện gửi, chắc là gửi về cho gia đình. Những lúc cô ngồi tết tóc cho Mí, cô bảo con cô cũng có mái tóc dày và đẹp thế này.

- Thế em ấy ở đâu ạ? - Mí ngây ngô hỏi.

- Ở quê với bố.

Mắt cô giáo chợt buồn, cô nhìn về phía xa xa, nơi ấy chỉ thấy những ngọn núi nối tiếp nhau, những ngày nắng và mưa cũng đều thăm thẳm.

- Sao cô không đón em ấy lên đây?

- Ừ, cô cũng muốn lắm, nhưng không được.

Rồi cô giáo đánh lạc hướng sang chuyện khác bằng cách kể những câu chuyện cổ tích mà lũ trẻ rất thích nghe. Mỗi ngày một chuyện mà không bao giờ hết cũng không trùng lặp. Lũ trẻ đứa nào cũng mắt tròn xoe ngạc nhiên. Trong đầu chúng tưởng tượng ra những hoàng tử, công chúa ở lâu đài, nơi chỉ có trong sách vở chứ xung quanh chỉ là rừng núi, là con đường mòn đi quen chân, là đôi chân trần mùa mưa phải bấm ngón đến nhức nhối. Cô giáo nói, nếu biết nỗ lực và chăm chỉ học hành, giúp đỡ bố mẹ rồi sẽ có ngày các em có được ước mơ của mình. Mí cũng mong như vậy, và Mí thích học lắm, thích học hơn đi bán hàng ngoài chợ. Mí cũng mơ đến một ngày có thể vượt qua những ngọn núi cao kia để đến chân trời mới, ở đó có đẹp hơn ở bản mình không nhỉ?

- Em ước gì đi?

Một thanh niên có chiếc khăn màu đỏ đứng bên người yêu ngay trước cửa nhà thờ. Cô gái nhắm mắt lại, đôi bàn tay thật đẹp chắp ngang mặt.

- Em ước mình mãi yêu nhau.

Cô gái cúi đầu vào ngực chàng trai.

“Hay mình cũng ước điều gì nhỉ?” Mí tự hỏi mình. Rồi nó suy nghĩ một lát, nhưng bỗng ngẩn tò te. Nhiều thứ quá, cứ rối beng trong đầu, cái nọ tranh cái kia... ước áo ấm, ước về nhà, ước ăn nó, ước bố không uống rượu... Nó cứ ngồi đấy, thật sâu trong đám đông, rồi cơn đói gà gật đưa nó vào giấc ngủ. Lúc ấy nó thấy mình băng qua con dốc nhiều hoa cải trắng, nó cúi xuống bứt một bó chạy về phía cô Quyên, nơi các bạn đang đứng chờ. Rồi những tiếng đánh vần ê a vang lên từ lớp học. Mí đã thuộc và đọc đánh vần thạo lắm, dù chữ viết còn chưa đẹp. Cô giáo khen Mí sáng dạ, học nhanh, Mí cười.

- Này, dậy đi em!

Mí giật mình tỉnh dậy, một cô gái lay nó dậy, người trong nhà thờ đã tản mát ra về, trời khuya, chợ tình vãn. Những tiếng ồn ào thưa dần. Mí đưa tay dụi mắt.

- Sao em không về nhà? - cô gái nán lại và nhìn nó với ánh mắt lo lắng.

- Em chờ mẹ.

Cô gái trẻ không nói gì, lặng lẽ cởi chiếc khăn quàng cổ bằng len đỏ, quấn lên cổ Mí. Cảm giác thật dễ chịu và ấm áp.

- Em không dám nhận đâu.

Cô gái trẻ mỉm cười.

- Đây là quà chị tặng em, nhân ngày Giáng sinh, chị phải về đây.

Cô gái trẻ chạy theo đám bạn rồi khuất sau con dốc mù sương của khu nghỉ dưỡng. Mí cúi xuống nhìn chiếc khăn trên cổ mình. Giấc mơ, không giống như câu chuyện cổ tích mà cô giáo từng kể. Câu chuyện rất buồn, và đã có lúc Mí thấy mình từng giống cô bé ấy. Thật cô độc và đói lạnh. Rằng một cô gái nhỏ đi bán diêm, cô đã quẹt những cây diêm cuối cùng để ước, để mơ và chết đi trong giá lạnh mà không ai quan tâm. Nhưng Mí thì khác, Mí biết mẹ rất thương mình, và hôm nay Mí còn được tặng một chiếc khăn thật đẹp và ấm áp nữa.

- Mí, Mí ơi.

Tiếng gọi của mẹ làm Mí giật mình, mẹ đến từ lúc nào không biết. Mẹ cũng mặc mỏng manh trong bộ váy cũ hằng ngày, để chắn gió, bên ngoài mẹ mặc thêm một cái áo mưa. Mẹ dựng xe, ôm lấy Mí, chạm tay vào má mẹ lạnh như băng. Trên mi mắt mẹ hình như có nước.

- Lên đi con, nhanh về không lạnh chết mất. Tại bố mày mãi không về nên không có xe. Đói không? Mẹ để phần cháo nóng ở nhà.

Ngồi sau xe, Mí ôm chặt lấy thắt lưng mẹ, để gió, tuyết không cuốn xuống vực. Hai mẹ con lao vun vút qua những con đường mòn. Tiếng Mí phải hét lên thật to để mẹ nghe thấy.

- Em Mai đỡ chưa mẹ?

- Rồi, mai mẹ đi chợ, bán ngô. Được giá, mẹ sẽ mua cho mỗi đứa một đôi dép mới.

- Hôm nay con được một chị cho cái khăn. Ấm lắm mẹ ạ.

- Ừ. Bám chặt vào đường trơn quá. Tuyết năm nay nhiều.

Tiếng mẹ ù ù bay xẹt lại phía sau.

- Ăn tết xong mẹ sẽ đưa con đến trường, hôm nay cô giáo thông báo lớp đã dựng xong xong rồi.

Mí mỉm cười, rụt đầu thật sâu vào chiếc khăn ấm. Gió, tuyết đang bao phủ xung quanh nhưng Mí thấy lòng mình ấm áp quá, cứ như có một ngọn lửa đang nhen trong bụngvà dần lớn lên.

Cao Nguyệt Nguyên

Tạp chí số Xuân 2020
Bạn đang đọc bài viết Điều ước trên cổng trời tại chuyên mục Báo In của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tuổi nào sẽ gặp nhiều may mắn về tài chính trong năm Canh Tý?
Một số tuổi trong năm Canh Tý sẽ có nhiều may mắn về tài chính là tuổi có chữ Quý ví dụ Quý Mùi, Quý Sửu. Tuy nhiên, tốt nhất lại chính là tuổi Canh Tý (1960), một số người sinh vào giờ Hợi hoặc giờ Sửu nên đề phòng họa về tài chính - chuyên gia phong thủy Phạm Cương nhận định.