Về thương củ niễng sau vườn

26/01/2020, 15:21

TCDN -

Khi những cơn gió cuối thu mang theo cái lạnh se sắt lùa vào thành phố, khoảnh khắc của những ngày thấy mình cần chậm lại, tĩnh tâm hơn. Hai đứa ở hai đầu thành phố, cuối ngày băng qua bao ngã tư, ùn tắc để đến được với nhau, kịp ăn chung một bữa, nói dăm ba câu chuyện rồi lại vội vã về. Hôm nay anh thật khác, lặng lẽ nắm tay tôi. “Cuối tuần này về quê anh nhé. Mẹ giục bảo đưa em về chơi. Mình thương nhau lâu rồi, anh muốn gần hơn để chăm sóc em.”

Ai cũng nói tôi cầm tinh con ngựa vía, khó kìm chân nên cứ đi hoài đi mãi, sắp ba mươi nhưng vẫn lông bông. Anh chưa bao giờ thắc mắc hay không bằng lòng về công việc của tôi. Anh bảo “em cứ làm gì em thích, ai cũng có công việc và đam mê của mình.” Nhưng có lẽ rồi ai cũng hướng đến một bến đỗ bình yên, nơi mà sau cánh cửa không có bão giông, chỉ còn ấm áp. Vậy là tôi theo anh về, cảm giác rời xa phố phường thật dễ chịu. Quê anh ở một làng quê Nam Định, xung quanh là đồng lúa, xa xa hiện lên giữa thăm thẳm xanh là những tháp chùa cổ kính. Ngôi nhà nơi anh sinh ra nằm sâu trong ngõ nhỏ, trước sân là mảnh vườn trồng rau và những luống hồng.

Mẹ anh đứng chờ hai đứa, bà nở nụ cười thật hiền như để xóa tan những ngại ngùng, lo lắng của đứa con gái lần đầu về ra mắt. Về được một lúc thì trời đổ mưa, cơn mưa làm lạnh bao giờ cũng ồn ào và dai dẳng, vì thế hai đứa không đi đâu được cho đến lúc xế chiều. Mẹ anh gọi tôi ra vườn, mùa này mưa nhiều làm những khóm cỏ xanh ồn ào đến lưng tường. Hai mẹ con đi ra bờ ao, những búi cỏ rậm rạp. “Không phải cỏ đâu, là cây niễng đấy. Con đã ăn niễng bao giờ chưa?”. Quả thật đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy tên loài cây này, vì ở quê tôi không có, Hà Nội cũng không. Loài cây niễng này được người quê anh gọi là nhân sâm sau vườn, chỉ rộ lên vào cuối tháng Mười một đầu tháng Mười hai, nhìn qua thì nó giống như cây sả, cũng tầng lớp vỏ và lá dài xanh ngắt, nhưng phần dưới thân màu tím hơn và mập mạp hơn. Khi bóc hết lớp vỏ bên ngoài sẽ trơ ra phần lõi củ màu trắng đục. “Củ niễng xào với trứng là ngon nhất đấy. Món ăn của người nghèo.” Mẹ cười hiền. “Đứng ở đây để bác xuống chứ không quen ngã thì khổ.” Rồi mẹ anh lội hẳn xuống nước, bóc những lớp lá niễng già sắc như lá mía bên ngoài để bẻ củ niễng nằm sát tận trong lõi gốc. Dù mọc trong lớp bùn đen, nhưng cũng giống như ngó sen, sau lớp vỏ bọc nâu tím, những củ niễng cứ trắng nõn, trắng nà, trông thật bắt mắt. Ngày xưa niễng thường mọc hoang chỗ nhiều bùn nước nhưng giờ thì người ta trồng nhiều. “Hồi mang thai thằng Thanh bác nghén món này lắm, nửa đêm bố thằng Thanh phải lội xuống ao nhổ niễng mang về xào, ngày nào cũng vậy. Có lẽ vì thế mà nước da của nó trắng lại sáng dạ nữa. Bây giờ ao hồ ở làng bị san lấp nhiều, chẳng mấy nhà trồng nữa nên nó thành đặc sản đối với người sành ăn. Đã ăn rồi là nghiện, mấy người bác họ trên phố thỉnh thoảng vẫn về xin mấy bó niễng mang đi ăn dần.”

Bữa cơm hôm ấy thật đặc biệt, giữa tiết trời se lạnh, trong căn nhà hai gian nhỏ cả gia đình quây quần bên mâm cơm. Mẹ bảo từ ngày thằng Thanh đi học, nhà có một mình ăn cơm buồn lắm. Lâu rồi mới vui thế. Thỉnh thoảng về chơi với bác nhé. Tôi vâng một tiếng thật nhẹ. Mẹ gắp cho tôi miếng niễng xào trứng, vị bùi ngậy và thơm thoang thoảng. Chưa bao giờ tôi thấy món ăn nào đặc biệt như thế. Hôm sau trước lúc haiđứavềHàNội,mẹanhđưachotôimộtbó củ niễng và ân cần dặn. “Các con mang lên ấy mà ăn. Mấy ngày nữa là hết mùa có thèm cũng không có đâu.” Tôi mỉm cười. Có lẽ vì suốt bữa cơm hôm qua tôi cứ tấm tắc khen mãi, mà là khen thật chứ không phải để lấy lòng. Củ niễng xào trứng mà ăn với cơm nóng là nhất. Ôm bọc củ niễng trong lòng, chúng tôi chào mẹ rồi lên đường. Suốt quãng đường đi bộ ra bắt xe, thấy tôi im lặng anh huých nhẹ vào tay. “Sao thế? Tự dưng em im lặng?” Tôi bật cười. “Tại em bị bỏ bùa.” Anh tròn mắt nhìn tôi. “Bị củ niễng bỏ bùa rồi, em thích quê anh lắm. Thích cả món niễng xào trứng nữa.” Anh nắm lấy bàn tay tôi. 

Sau này về làm dâu Nam Định rồi tôi vẫn si mê món ăn ấy. Bao năm cố gắng, chúng tôi mua được nhà và ý định đón mẹ lên ở cùng để chăm sóc vì mẹ ngày càng yếu, ở một mình chúng tôi không yên tâm. Nhưng mẹ nhất quyết không lên, thành phố với mẹ thật chật chội và ngột ngạt. Mẹ thích ở quê, nơi có mảnh vườn nhỏ để ngày ngày cuốc xới, nơi có cái ao nhỏ để trồng thêm những cây niễng dành cho cuối thu. Mẹ bảo ở đây mẹ được gần bố hơn, biết bao kỷ niệm. Ngày xưa mới lấy nhau, hai người cũng từ hai bàn tay trắng, mùa đói ăn bố vẫn đi ra đầm hồ lặn xuống bùn lấy củ niễng về ăn thay cơm. 

Tôi chợt hiểu ra rằng, thương một mảnh đất cũng là thương những kỷ niệm, những điều nhỏ bé nhất mà cả đời không quên. Đó là nơi mỗi khi nhớ về đều khiến lòng ta ấm lại, trút bỏ những tiếng thở dài và thấy nhẹ nhàng hơn. Cũng giống như tôi, thương vùng quê Nam Định cũng từ món niễng xào mộc mạc, đơn giản nhưng đầy tình cảm. Tôi cứ nhớ mãi câu nói “dù niễng mọc dưới bùn đen nhưng sau lớp vỏ những củ niễng vẫn trắng nõn nà.”...

Cao Nguyệt Nguyên

Tạp chí số Xuân 2020
Bạn đang đọc bài viết Về thương củ niễng sau vườn tại chuyên mục Báo In của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan