Định vị du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới

22/01/2023, 08:09

TCDN - Những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo ra dấu ấn rõ nét và định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới.

Địa Trung Hải Phú Quốc (109)

Thách thức lớn, cơ hội lớn

Hình ảnh con người, đất nước hiền hòa, thân thiện, an toàn, môi trường chính trị ổn định của Việt Nam đang dần trở nên quen thuộc, gần gũi đối với du khách năm châu.

Nhìn lại thời điểm trước dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước: Năm 2017 đạt 7,9% và 8,3% trong năm 2018, còn năm 2019 đạt 9,2%.

Sau hơn 2 năm chống dịch Covid-19, đến tháng 3/2022, Việt Nam mở cửa trở lại, hoạt động du lịch có đà tăng trưởng cả lượng khách quốc tế và khách nội địa. Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy, khách du lịch quốc tế trong năm 2022 đạt 3,5 triệu lượt và đang từng bước phục hồi trong bối cảnh khó khăn chung của ngành du lịch châu Á, nhiều thị trường lớn vẫn đóng cửa hoặc mở cửa hạn chế.

Cột cờ đỉnh Fansipan Sa Pa

Nếu như trước dịch, Việt Nam có các thị trường nguồn lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (chiếm khoảng 80% lượng khách quốc tế đến) thì nay, đang mở rộng xúc tiến tập trung các thị trường: Ấn Độ, Trung Đông, châu Âu, Mỹ…

Đối với lượng khách du lịch nội địa, năm 2022 đạt trên 100 triệu lượt, vượt xa mục tiêu cả năm 2022 và cao hơn cả năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Đà tăng trưởng tốt, đặc biệt là khách nội địa, tạo đà cho các doanh nghiệp dần khai thông trở lại, hoạt động bình thường.

Dẫn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có liên quan đến lĩnh vực du lịch có sự gia tăng ấn tượng. Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt hơn 3.000 doanh nghiệp, tăng gần 28% so với cùng kỳ hay dịch vụ việc làm, du lịch đạt gần 4.000 doanh nghiệp, tăng trên 23%.

Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn, khi số doanh nghiệp trong lĩnh vực này quay trở lại hoạt động tăng cao. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2.362 doanh nghiệp (lưu trú và ăn uống), tăng 63,5% so với cùng kỳ. Còn dịch vụ việc làm và du lịch đạt 2.215 doanh nghiệp, tăng trên 50%.

2018.1-Le hoi am thuc Tay Bac (10)

Theo số liệu của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam, thời điểm tháng 10-11/2022, gần 33% số doanh nghiệp du lịch có doanh thu tăng lên trong 9 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. 60% doanh nghiệp ghi nhận số lượng khách phục vụ hiện tại đang ở dưới mức trước đại dịch, tuy nhiên, có đến 44,4% trong số đó kỳ vọng sẽ đạt và vượt mức trước đại dịch vào quý 2/2023.

Định vị thương hiệu trên trường quốc tế

Điểm sáng trong bối cảnh thách thức toàn cầu giúp du lịch Việt Nam có nhiều dấu ấn quan trọng. Các giải thưởng, sự kiện lớn về du lịch đã xướng tên Việt Nam, như tại World Travel Awards 2022, du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục hàng đầu thế giới và 48 hạng mục hàng đầu châu Á. Điển hình, Việt Nam vinh dự được bình chọn là Điểm đến hàng đầu châu Á 2022 (4 năm liền: 2018, 2019, 2021, 2022) và Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2022.

Các địa phương cũng góp chung vào thành tích này, ví như Tp.HCM đoạt giải “Điểm đến du lịch doanh nhân hàng đầu châu Á 2022”. Hội An là “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2022”. Thủ đô Hà Nội được bình chọn “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á 2022”. Đà Nẵng đạt danh hiệu “Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á 2022”. Mộc Châu lần đầu tiên đạt giải “Điểm đến thiên nhiên cấp địa phương hàng đầu châu Á 2022”.

Mặt khác, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam là một trong những quốc gia ít ỏi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Song song đó, báo cáo năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, chỉ số năng lực phát triển của Du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.

Việt Nam luôn nằm trong top những điểm đến được ưa thích và tìm kiếm nhiều nhất trên hệ thống Destination Insights With Google, trong đó các điểm tìm kiếm hàng đầu là Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc… Lượng tìm kiếm nhiều nhất đến từ các quốc gia: Mỹ, Ấn Độ, Úc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức, Malaysia, Thái Lan.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 – 14%/năm và khách nội địa từ 6 – 7%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700-1.800 tỷ đồng (tương đương 77 – 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 – 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 – 14%. Đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực ASEAN và đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Đỉnh núi Bà Đen Tây Ninh

Để duy trì những thành quả đạt được và hướng đến sự phát triển bền vững, cần sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của ngành du lịch nói riêng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, phải tạo ra những chuyển biến tích cực trong cả tư duy và hành động từ Trung ương xuống địa phương, đặc biệt là thực hiện các chủ trương, chính sách lớn về du lịch đã được ban hành.

Điển hình như thực hiện tốt Nghị quyết 08/NQ-TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nới rộng việc miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý vững chắc để mở đường cho du lịch phát triển, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Ths. Dương Thanh Tùng - Ths.Lê Văn Hoài 

Tạp chí in số Xuân Quý Mão 2023
Bạn đang đọc bài viết Định vị du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Quý Mão 2023 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phát động chương trình 'Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam'
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chính thức phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" nhằm kích cầu du lịch nội địa sau mùa dịch. Bộ cũng đề xuất có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các di tích, điểm tham quan, bảo tàng hay điểm du lịch.