Doanh nghiệp dệt may "cạn" đơn hàng cuối năm

17/11/2022, 08:01
báo nói -

TCDN - Đơn hàng của doanh nghiệp dệt may những tháng cuối năm đang rất hạn chế và giảm mạnh so với năng lực sản xuất. Tuy vậy, ngành dệt may vẫn có thể đạt mục tiêu tổng trị giá xuất khẩu cả năm đạt 42 - 43 tỷ USD.

Bứt phá mạnh mẽ

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Tổng cục Hải quan thống kê lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của ngành dệt đạt 35 tỷ USD, tăng trưởng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trung bình mỗi tháng xuất khẩu 3,8-3,9 tỷ USD. Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê công bố xuất khẩu dệt may, xơ sợi, nguyên phụ liệu đã đạt 37,8 tỷ USD.

Tuy quý 4 tình xuất khẩu chững lại nhưng ngành dệt may vẫn có thể đạt chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2022. Ảnh minh họa

Tuy quý 4 tình xuất khẩu chững lại nhưng ngành dệt may vẫn có thể đạt chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2022. Ảnh minh họa

Theo VietstockFinance, kết quả kinh doanh quý 3 năm 2022 của 19 doanh nghiệp dệt may trên cả ba sàn chứng khoán Việt Nam cho thấy có 13 doanh nghiệp báo lãi sau thuế tăng trưởng, 4 doanh nghiệp giảm lãi và 2 doanh nghiệp báo lỗ. 

Tổng Công ty May Nhà Bè (UPCoM: MNB) với lãi sau thuế đạt hơn 49 tỷ đồng, gấp 22 lần cùng kỳ, đứng đầu ngành dệt may về tăng trưởng trong quý 3 năm 2022. Tiếp theo đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Sài Gòn 3 Group (UPCoM: SGI) với lãi sau thuế đạt gần 50 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số chỉ ở mức 2,6 tỷ đồng, tương ứng cao gấp 19 lần cùng kỳ. 

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) cũng ghi nhận kết quả khả quan với lãi sau thuế đạt 92,5 tỷ đồng, cải thiện vượt bậc so với mức lỗ 2,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. 

Các công ty như Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL), Công ty Cổ phần Everpia (HOSE: EVE), May mặc Bình Dương (UPCoM: BDG) cũng đồng loạt báo lãi tăng rất mạnh. Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến (UPCoM: VGG) cũng có kết quả tăng trưởng tốt với doanh thu hơn 60 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý 3 (cùng kỳ năm ngoái công ty này lỗ gần 32 tỷ đồng).

Tổng kết 9 tháng đầu năm 2022 đã có 9/19 doanh nghiệp dệt may công bố vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm. Cụ thể, SGI dẫn đầu danh sách sau khi vượt 200% kế hoạch lợi nhuận năm. Ngoài ra, góp mặt trong danh sách còn có những "ông lớn" như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Mã UpCom: VGT), Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Mã HSX: GIL)… 

Tổng doanh thu và lãi sau thuế của doanh nghiệp dệt may đạt được trong quý 3 là 17.256 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và 956 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2021.

Gian nan 3 tháng cuối năm

Nhìn chung, một năm sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 dần ổn định, quý 3 năm nay các doanh nghiệp dệt may đều có lãi và hoạt động sản xuất tăng trưởng khả quan. 

Tuy nhiên, tốc độ xuất khẩu đang giảm nhanh chóng khi nửa đầu tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc chỉ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 48% so với nửa đầu tháng 8 năm nay. Thậm chí, tại một số thị trường xuất khẩu lớn của ngành, dấu hiệu giảm đã xuất hiện từ tháng 8, như Mỹ giảm 3%, EU giảm 3,2% và đà suy giảm chưa dừng lại.

Hầu hết các doanh nghiệp may mới nhận kế hoạch sản xuất đến giữa tháng 10, đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35% đến 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá…

Dự kiến 3 tháng cuối năm 2022, ngành dệt may bình quân chỉ xuất khẩu được khoảng 3,1-3,2 tỷ USD/tháng do lo ngại lạm phát, tồn kho tăng cao tại nhiều thị trường lớn. Thị trường dệt may được dự báo sẽ trầm lắng hết quý 4 và kéo dài sang năm 2023.

Dù vậy, với số liệu ước tính như trên, ngành dệt may vẫn có cơ hội cán đích mục tiêu xuất khẩu 43-44 tỷ USD trong cả năm. 

Trong báo cáo ngành dệt may quý 4/2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, nhu cầu giảm và chu kỳ tồn kho kéo dài sẽ làm lu mờ triển vọng đơn đặt hàng may mặc trong năm 2023 hoặc sẽ có ảnh hưởng từ quý 4/2022. 

Theo VDSC, đơn đặt hàng may mặc đã chậm lại trong quý 3/2022 do tác động tiêu cực vì lạm phát cao ở các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ và EU, cùng với đó là lượng hàng tồn kho cao phía khách hàng đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may.

Cùng đưa ra nhận định tương tự, tại báo cáo cập nhật về ngành dệt may tháng 10/2022, Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá bức tranh trong quý 4/2022 của ngành dệt may không mấy tươi sáng. Thậm chí, tình hình không mấy khả quan cho 6 tháng đầu năm 2023. 

SSI Research dẫn số liệu cập nhật từ các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước, số lượng đơn đặt hàng trong quý 4/2022 thấp hơn 25-50% so với quý 2/2022 tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ theo ước tính. Nguyên nhân là lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao. 

Đồng thời, SSI còn dự báo các đơn đặt hàng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế. Các đơn đặt hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện vào cuối quý 2 hoặc quý 3/2023 nếu lạm phát giảm bớt.  

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp dệt may "cạn" đơn hàng cuối năm tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Xuất khẩu dệt may đạt gần 11 tỷ USD
Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021.