Doanh nghiệp gia tăng miễn dịch nhờ chuyển đổi số

04/10/2021, 15:53

TCDN - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh, chuyển đổi số không chỉ là liều vaccine gia tăng miễn dịch mà còn giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội để bứt phá.

chuyển đổi số 1

Đây là những nội dung trao đổi tại chương trình đối thoại cùng báo chí với chủ đề “Chuyển đổi số để bứt phá: Giải pháp công nghệ hay tư duy chiến lược của doanh nghiệp” do Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD- VCCI) tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD nhận định: Năm 2021, những tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế- xã hội của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2020.

Theo đại diện VCCI, quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp, mô hình quản lý truyền thống sang doanh nghiệp số, Chính phủ số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) điện toán đám mây (Cloud)… đã thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa quản lý tại các cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh đầy thách thức đó, làn sóng chuyển đổi số lại diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất- kinh doanh theo mô hình kinh tế số đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Chiến lược Công ty Công nghệ - Thông tin VNPT (VNPT-IT): Trên 80% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết, khoảng 65% lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số. Những giải pháp ưu tiên cao hơn trong doanh nghiệp hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, cũng như tự động hóa quy trình.

Ông Kiên cũng cho biết thêm, 3 yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công là con người, thể chế, công nghệ; thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số; nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần đánh giá phân tích rủi ro của riêng mình, trong đó có thể bao gồm những rủi ro như an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính riêng tư…

Ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestle Bông Sen cho biết, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể ứng phó và tiếp tục phát triển lành mạnh dưới sự tác động mạnh mẽ của đại dịch.

Chuyển đổi số thực sự đã tạo ra sự thay đổi tích cực cho toàn bộ chuỗi cung ứng nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng trải nghiệm cho người tiêu dùng, hỗ trợ vận hành sản xuất và canh tác bền vững, đem đến một môi trường làm việc an toàn, hiệu suất và có tính kết nối nhiều hơn cho nhân viên.

Chia sẻ về công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt, Phó tổng Giám đốc Traphaco Đào Thúy Hà cho biết, trong những năm gần đây, Traphaco đã từng bước thành công trong chuyển đổi “tư duy 4.0”, chuyển đổi số, đầu tư nhân sự, cơ sở hạ tầng, xây dựng quy trình phù hợp, bắt nhịp xu hướng, nhu cầu thị trường đặc biệt là nhu cầu mua hàng online.

Bởi vậy, Traphaco đã chủ động đầu tư công nghiệp dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng rô bốt trong sản xuất tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0 tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng (DMS); áp dụng ERP trong quản lý doanh nghiệp; phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua hệ thống BI (Business intelligence), đánh giá năng lực từng đại lý, nhà thuốc để tối ưu hóa các chính sách bán hàng.

“Khi đại dịch xảy ra, Traphaco nhanh chóng thích ứng và thay đổi, đạt được mức tăng trưởng tốt. Năm 2020, tăng trưởng 12% về doanh thu, 27% về lợi nhuận sau thuế. 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng 22% về doanh thu và 38% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ”, đại diện Traphaco chia sẻ.

Chuyển đổi số là con đường duy nhất giúp doanh nghiệp bứt phá

Trong những năm gần đây, lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi số, do đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đã xây dựng được một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số Quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới.

Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã đề ra các mục tiêu khá cụ thể như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn dầu về Chính phủ điện tử, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tối thiểu 8%...

Tại Việt Nam, chuyển đổi số mới bắt đầu và đang gặp nhiều thách thức. Theo thống kê, hiện nay khối lượng dữ liệu đã được số hóa của các tổ chức tại Việt Nam mới chỉ ước đạt 30%. Còn lại chưa triển khai và chưa có biện pháp quản lý khai thác hiệu quả.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương và Chương trình phát triển Liên hợp quốc khảo sát 2.659 doanh nghiệp thuộc 18 ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy có 21% doanh nghiệp mới ở vị trí nhập cuộc và còn đến 61% doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc chơi.

Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện công cuộc chuyển đổi số là bởi họ vẫn chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Cùng với đó tư duy ngại thay đổi, sợ rủi ro; chi phí phục vụ chiến lược chuyển đổi số không hề nhỏ và những vướng mắc trong các quy định về giao dịch điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử… là những rào cản khiến cho các doanh nghiệp “dè chừng” trước lựa chọn có nhập cuộc chuyển đổi số hay không.

Giáo sư Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy năng suất lao động.

Một kết quả nghiên cứu gần đây của Tổ chức Data 61 (Úc) cho thấy, giai đoạn từ 2020 - 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7-16,5% trong cơ cấu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động. Như vậy có thể thấy, đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế.

Đơn cử tại Công ty May 10, từ khi chuyển đổi số thông qua đầu tư công nghệ mới, số hóa tất cả các phần mềm ứng dụng trên những dây chuyền sản xuất, năng suất đã tăng theo cấp số nhân.

Hiện thời gian để sản xuất một sản phẩm của doanh nghiệp này giảm từ 1.980 giây xuống còn 690 giây. Mỗi công nhân giờ điều khiển một lúc 2 máy và năng suất lao động đã tăng lên 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm xuống còn 8%. Thu nhập người lao động tăng 10%.

Theo các chuyên gia kinh tế, đồng thời với việc khắc phục những yếu kém đặc trưng của một nền kinh tế ở giai đoạn thu nhập trung bình thấp, Việt Nam cần triển khai ngay phát triển kinh tế sáng tạo. Muốn đưa đất nước đi vào quỹ đạo của nền kinh tế sáng tạo, trước hết phải tạo ra đột phá về chuyển đổi số. Một nền kinh tế sáng tạo, luôn là sự kết hợp giữa các ứng dụng công nghệ hiện đại với năng suất lao động cao và sự cải tiến, không ngừng đổi mới. Bên cạnh đó, phương tiện kỹ thuật và công nghệ số sẽ góp phần gia tăng cơ hội trong việc phát triển kinh tế sáng tạo.

Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ hiệu quả từ Chính phủ cho công cuộc chuyển đổi số thành công. Các giải pháp mà DN đề xuất đó là: Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực số, nâng cấp hạ tầng Internet và an ninh mạng. Hỗ trợ các DN xây dựng chiến lược chuyển đổi số với kế hoạch hành động cụ thể. Có chế tài khuyến khích chuyển đổi số.

Hoàng Tư

Tạp chí in số tháng 9/2021
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp gia tăng miễn dịch nhờ chuyển đổi số tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan