Doanh nghiệp hồ tiêu kêu thuế cao, Bộ Tài chính nói gì?

26/05/2021, 17:06

TCDN - Bộ Tài chính cho biết, theo quy định pháp luật thuế TNDN, hoạt động trồng cây hồ tiêu của doanh nghiệp được ưu đãi thuế theo quy định: miễn thuế, áp thuế 10 - 15%.

Bộ Tài chính vừa trả lời Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân về chính sách thuế đối với doanh nghiệp hồ tiêu.

Theo báo cáo tổng hợp kiến nghị của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến hồ tiêu chất lượng cao đang bị áp mức thuế TNDN là 20%, áp dụng cho hình thức sơ chế sản phẩm tương tự các xưởng sản xuất thủ công.

Doanh nghiệp hồ tiêu kêu thuế TNDN hiện đang cao.

Doanh nghiệp hồ tiêu kêu thuế TNDN hiện đang cao.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam kiến nghị áp dụng mức thuế TNDN theo hình thức chế biến là 15% cho các doanh nghiệp có nhà máy chế biến hồ tiêu đạt tiêu chuẩn, góp phần giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế đồng thời khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn cho hoạt động R&D và chế biến sâu.

Bên cạnh đó, cần có định nghĩa rõ ràng về các thuật ngữ “sơ chế” và “chế biến” vì hiện nay không có quy định cụ thể nào khiến các cơ quan thuế cũng gặp khó khăn trong việc xác định hình thức sản phẩm và mức thuế áp dụng.

Bộ Tài chính cho biết, thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản: phát sinh tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được miễn thuế TNDN; phát sinh tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10%. Thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được áp dụng thuế suất 15%.

Đối với hoạt động chế biến nông sản, thủy sản thì thu nhập được ưu đãi thuế TNDN phải là thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản và đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thông tư 96/2015/TT-BTC.

Cụ thể, thu nhập từ trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của doanh nghiệp được ưu đãi thuế (bao gồm ưu đãi về thuế suất, miễn giảm thuế) quy định tại thông tư này là thu nhập từ sản phẩm do doanh nghiệp, hợp tác xã tự trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản (bao gồm cả trường hợp hợp tác xã, doanh nghiệp mua sản phẩm nông sản, thủy sản về chế biến).

Thu nhập của sản phẩm, hàng hóa chế biến từ nông sản, thủy sản được ưu đãi thuế (bao gồm ưu đãi về thuế suất, miễn giảm thuế) quy định tại thông tư này phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm (giá thành sản xuất hàng hóa, sản phẩm) từ 30% trở lên; Sản phẩm, hàng hóa từ chế biến nông sản, thủy sản không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải xác định riêng thu nhập sản phẩm, hàng hóa chế biến từ nông sản, thủy sản để được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Đối với thu nhập miễn thuế tại khoản này bao gồm cả thu nhập từ thanh lý các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng (trừ thanh lý vườn cây cao su), thu nhập từ việc bán phế liệu phế phẩm liên quan đến các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản.

Tại hê thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2018 quy định: mã ngành cấp 4 (01240) trồng cây hồ tiêu thuộc cấp 1A - nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Cấp 1C - công nghiệp chế biến, chế tạo không có quy định mã ngành cụ thể đối với hoạt động chế biến hồ tiêu.

"Theo quy định pháp luật thuế TNDN nêu trên, hoạt động trồng cây hồ tiêu của doanh nghiệp được ưu đãi thuế TNDN theo quy địn", Bộ Tài chính khẳng định.

Đối với hoạt động chế biến hồ tiêu, Bộ Tài chính đề nghị Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xác định mã ngành kinh tế Việt Nam theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp hồ tiêu kêu thuế cao, Bộ Tài chính nói gì? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giá cà phê giảm, hồ tiêu tiến sát mức 50.000 đồng/kg
Ngày 12/8, giá cà phê tiếp tục giảm nhẹ, dao động từ 32.100 - 32.500 đồng/kg. Còn giá tiêu lại có xu hướng tăng nhẹ theo giá tiêu thế giới, hiện ở một số địa phương đang được thu mua gần mức 50.000 đồng/kg.
Xuất khẩu hồ tiêu: Lượng tăng, kim ngạch giảm, bấp bênh kéo dài?
Trong khi giá hồ tiêu ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng. Do vậy, dù trong 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam dù đã xuất khẩu tiêu tăng 27,9% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch lại giảm 2,1%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Dự báo xuất khẩu hồ tiêu vẫn còn gặp khó.