Doanh nghiệp không nên dồn dập đưa nông sản lên biên giới

12/02/2020, 07:36

TCDN - Mỗi ngày cửa khẩu Hữu Nghị chỉ thông quan khoảng 30 container, các cửa khẩu còn tồn đọng hàng trăm container, trong khi phía nước bạn cũng không có nhân công bốc dỡ.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản và công tác phòng, chống hạn, mặn ngày 11/2, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện vẫn còn hàng trăm container nông sản đang ùn ứ tại các cửa khẩu tiếp giáp giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Theo đó, mỗi ngày, cửa khẩu Hữu Nghị chỉ thông quan được khoảng 30 container và chủ yếu giải quyết số xe tồn đọng. Phía nước bạn cũng đang gặp khó khi thiếu nhân công của bốc dỡ hàng hóa.

“Nếu các địa phương không tuyên truyền thì xe cứ tiếp tục đẩy lên, gây áp lực cho các tỉnh biên giới. Cần cố gắng giảm bớt lưu lượng xe nông sản lên biên giới lúc này”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khuyến cáo.

Hàng trăm xe container hàng hóa, nông sản nằm chờ nhiều ngày qua sẽ được thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Hàng trăm xe container hàng hóa, nông sản nằm chờ nhiều ngày qua sẽ được thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, địa phương và doanh nghiệp cần tập trung tiêu thụ nội địa, thực hiện các giải pháp để không ảnh hưởng lớn đến nông dân.

Trưa cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có mặt tại tỉnh Long An. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản và người dân trồng thanh long để ghi nhận những khó khăn trong lúc tình hình nông sản đang căng thẳng và tìm hướng giải quyết.

Được biết, hiện lượng thanh long dồn ứ tại Long An không còn nhiều và đã được các doanh nghiệp thu mua gần hết. Sau khi thu mua, doanh nghiệp sẽ dùng để sản xuất thực phẩm khô, nước ép đóng chai, phần còn lại sẽ đượ tiếp tục xuất khẩu sang các tỉnh khác của Trung Quốc bằng đường biển (chậm hơn đường bộ hai ngày).

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp và người dân có biện pháp để điều tiết sản lượng, ít nhất là không gia tăng sản lượng vào thời điểm này.

Với những diện tích chưa gieo trồng, Bộ kiến nghị doanh nghiệp và người dân xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn như khuyến nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Công Thương cũng lưu ý các mặt hàng nông sản đã hoặc sắp thu hoạch, tiếp tục hạn chế đưa hàng lên biên giới trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch; đồng thời liên hệ với chủ hàng để đàm phán chuyển đổi sang hình thức chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp để sẵn sàng chuyển đổi sang hình thức chính ngạch như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc…

Bộ Công Thương cho biết, sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ và Tham tán nông nghiệp tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông sản trong giai đoạn hiện nay.

Thanh Tân (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp không nên dồn dập đưa nông sản lên biên giới tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Nông sản xuất sang Trung Quốc gặp khó vì virus corona
Trung Quốc chính thức tạm đóng cửa giao dịch mua bán tại các chợ biên giới với Việt Nam do virus corona hoành hành. Tình trạng này đã và đang khiến cho XK nông sản sang thị trường tỷ dân đối mặt khó khăn chất chồng.