Doanh nghiệp kinh doanh LPG sụt giảm 40 - 50% sản lượng

14/04/2020, 16:52

TCDN - Các doanh nghiệp kinh doanh khí và khí đốt hóa lỏng (LPG) đang phải đối mặt với việc sụt giảm từ 40% đến 50% sản lượng do nhu cầu sử dụng giảm đột ngột từ khu vực sản xuất công nghiệp, các nhà hàng, khách sạn đóng cửa hàng loạt.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương đánh giá về tác động, thiệt hại với các ngành sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, kinh doanh bán lẻ... gửi tới Chính phủ cho biết, dịch Covid-19 đã và đang tác động nặng nề đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp kinh doanh khí LPG, sản lượng đã sụt giảm từ 40% đến 50% do nhu cầu sử dụng giảm đột ngột từ khu vực sản xuất công nghiệp, các nhà hàng, khách sạn đóng cửa hàng loạt.

Sản lượng kinh doanh LPG sụt giảm 50% kéo theo số lượng lao động trong ngành phân phối LPG bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Ước tính khoảng 30.000 lao động tham gia trực tiếp bán lẻ LPG, 2.500 lao động làm việc trực tiếp tại trạm nạp, trạm cấp và các lao động trực tiếp vào hoạt động dịch vụ như vận tải, bảo dưỡng, bảo trì bị tác động từ Covid-19", Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.

Sản lượng của các doanh nghiệp kinh doanh LPG sụt giảm từ 40 - 50%

Sản lượng của các doanh nghiệp kinh doanh LPG sụt giảm từ 40 - 50%

Không chỉ gặp khó do kinh doanh sụt giảm sâu, do diễn biến giá LPG thế giới giảm mạnh, chỉ trong một thời gian ngắn, giá giảm 20%,  từ mức 577,5 USD tháng 1/2020 xuống còn 455USD. Trong khi, đặc thù kinh doanh LPG chủ yếu ký kết mua bán, nhập khẩu LPG có hợp đồng dài hạn, chốt giá trước.

Vì vậy, các doanh nghiệp LPG hiện đang tồn dư lượng hàng lớn với giá thành cao. Các cơ sở kinh doanh khí như trạm chiết nạp, trạm cấp, cửa hàng bán lẻ LPG ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Quý I/2020, Bộ Công Thương ước tính, tiêu thụ mặt hàng LPG giảm 7-8%.

Tổng công ty khí Việt Nam (PVGAS: GAS) cho biết, quý I/2020, hoạt động kinh doanh gặp nhiều bất lợi vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhu cầu nhiên liệu sụt giảm trong đó có khí và khí đốt hóa lỏng (LPG). Dù tổng doanh thu ước đạt trên 17.500 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch quý. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 2.100 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch quý, nhưng so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận sau thuế tổng công ty giảm 30%, chủ yếu do sản lượng khí giảm 10%, giá dầu Brent trung bình giảm 13%, giá dầu FO trung bình giảm 28%.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp kinh doanh LPG sụt giảm 40 - 50% sản lượng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan