Doanh nghiệp nữ làm chủ: Động lực phát triển kinh tế bao trùm và bền vững

31/01/2020, 14:34

TCDN - Phát triển kinh tế cần có những động lực mới mang tính đột phá, bao gồm việc phát huy tốt hơn vai trò của phụ nữ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó không phải là tranh giành quyền lực, mà là phụ nữ nhận thêm trách nhiệm.

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte kiêm Phó Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA)

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte kiêm Phó Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA)

24% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI - Vũ Tiến Lộc, nền kinh tế đang chuyển sang giai đoạn bao trùm hơn. Phát huy vai trò của phụ nữ là động lực mới của nền kinh tế toàn cầu và cũng là nội hàm mới của các chính sách kinh tế mới của các quốc gia. Nó bao hàm mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động kinh tế xã hội và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động lãnh đạo doanh nghiệp. Việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ chính là động lực cho sự phát triển kinh tế bao trùm và bền vững, phát huy sức sáng tạo thế mạnh, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng doanh nghiệp. Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, nâng cao vị thế lãnh đạo cho nữ giới và bình đẳng giới được coi là một trong những cách thức nâng cao năng suất xã hội, hướng tới nền kinh tế ổn định hơn và khởi sự kinh doanh là con đường chính để thúc đẩy và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 đã đặt ra mục tiêu, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020, tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI đạt được mục tiêu này là thách thức lớn.

Theo Báo cáo “Môi trường kinh doanh - góc nhìn doanh nghiệp do nữ làm chủ” của VCCI, kết quả điều tra doanh nghiệp dân doanh trên toàn bộ các tỉnh thành phố từ năm 2011 đến nay cho thấy, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng gia tăng theo thời gian. Cụ thể, năm 2011 khoảng 21% doanh nghiệp đang hoạt động là do phụ nữ làm chủ, năm 2018 tỉ lệ này là khoảng 24%. Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chưa đạt. Cụ thể, trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, tính đến hết tháng 9/2019, toàn quốc có 285.689 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước. Số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phân theo loại hình doanh nghiệp như sau: Công ty cổ phần là 50.840 doanh nghiệp; công ty hợp doanh là 7; công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là 93.317; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là 139.953; doanh nghiệp tư nhân là 1.572.

Xét về trình độ học vấn, có 68,6% nữ chủ doanh nghiệp có trình độ đại học và thạc sĩ quản trị kinh doanh so với 71,9% ở nam. Điều này cho thấy khoảng cách về giới trong lĩnh vực giáo dục đã được cải thiện đáng kể và phụ nữ có đầy đủ năng lực trình độ để đảm trách các vị trí quản lý.

Có tới 68,6% doanh nghiệp cho phụ nữ làm chủ từ nhà hộ kinh doanh các loại hình doanh nghiệp khác chiếm tỷ lệ nhỏ dưới 3,5% và chỉ có 0,4% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có cổ phiếu hiện đang được niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Qua các năm quy mô vốn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thay đổi không đáng kể, chủ yếu ở khoảng 1 - 5 tỷ đồng. Tính chung, số doanh nghiệp có số vốn kinh doanh từ 5 tỷ đồng trở xuống là tỉ lệ nhiều nhất khoảng 68-70% tổng số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ này cao hơn so với các doanh nghiệp nam làm chủ, khoảng 64 - 65%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp do nam làm chủ có vốn kinh doanh lớn hơn.

Đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI nhận định, vấn đề tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, tiếp cận các nguồn vốn, là những khó khăn hàng đầu đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ. Tính minh bạch, điều kiện gia nhập thị trường… các doanh nhân nữ đánh giá còn kém lạc quan, nhất là việc tiếp cận thông tin, tài liệu về biểu mẫu thủ tục hành chính, các luật, pháp lệnh, các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành... Khoảng 34% doanh nhân nữ cho biết, gặp khó khăn khi xin các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh…; 45% đánh giá thủ tục hành chính đất đai phức tạp; 32,9% đánh giá qui hoạch đất đai cấp tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngoài ra, các nữ doanh nhân cho rằng, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp do nữ làm chủ phát triển tại các địa phương còn khiêm tốn, thủ tục phức tạp, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh còn hạn chế…

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Vietjet

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Vietjet

Minh bạch hóa việc triển khai các chính sách

Tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vừa giúp khai thác tiềm năng cho tăng trưởng vừa góp phần thực hiện nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, bà Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, VCCI cần đề xuất thêm nhóm giải pháp cụ thể về thúc đẩy bình đẳng giới trong kinh doanh. Trong đó, cần khuyến nghị nâng cao nhận thức của xã hội, các cấp, ngành về vị trí, vai trò của của nữ doanh nhân trong phát triển kinh tế; nâng cao năng lực, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của doanh nhân nữ; tăng cường phát triển các hình thức vườn ươm nữ doanh nhân; hỗ trợ sinh viên nữ trong học tập các ngành nghề kinh doanh, quản lý, phát triển các dự án sáng tạo, khởi nghiệp; thực hiện các nghiên cứu khoa học để phục vụ hoạch định chính sách phát triển doanh nghiệp, doanh nhân nữ trong bối cảnh mới…

Các chuyên gia của VCCI khuyến nghị, cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và cần cả nỗ lực đóng góp từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Các chính quyền địa phương cần thúc đẩy cải thiện hơn nữa tính minh bạch trong điều hành kinh tế của mình, ở cả việc công khai minh bạch thông tin cho doanh nghiệp, cho tới việc minh bạch trong xây dựng chính sách và quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp ở địa phương, để các đối tượng chịu sự tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được tham gia một cách thực chất vào quá trình này.

Các cơ quan nhà nước cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm cung cấp thông tin khi doanh nghiệp và doanh nhân (trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nhân nữ) yêu cầu theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, cần minh bạch hóa việc triển khai các chính sách chương trình hỗ trợ để doanh nghiệp biết được kịp thời và có thể dễ dàng tiếp cận chính sách ưu đãi. Các trình tự, thủ tục, việc lựa chọn doanh nghiệp để ưu đãi, hỗ trợ cũng cần được công khai minh bạch và có bên thứ ba tham dự đánh giá và giám sát chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.

Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt cải cách, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách giảm thiểu thủ tục hành chính đất đai phiền hà, minh bạch thông tin đất đai và bố trí quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch để tăng chỉ số tiếp cận thị trường, tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Mai Hà

Tạp chí số Xuân 2020
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp nữ làm chủ: Động lực phát triển kinh tế bao trùm và bền vững tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan