Doanh nghiệp phản ánh việc bị phiền hà: Hải quan Tp.HCM nói gì?
TCDN - 4 doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa cho rằng, lực lượng hải quan Tp.HCM đã gây nhiều khó khăn, phiền hà trong công tác kiểm tra hàng hóa quá cảnh. Tuy nhiên, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 khẳng định nội dung các doanh nghiệp phản ánh đều không có cơ sở.
Doanh nghiệp “tố” gì?
4 doanh nghiệp đã phản ánh việc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 (Cục Hải quan Tp.HCM) gây khó khăn, phiền hà trong công tác kiểm tra container hàng hóa quá cảnh gồm: Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu, Công ty Cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng, Công ty TNHH MTV Vận tải biển Gemadept và Công ty Cổ phần Tân Cảng Cypress.
Cụ thể, các doanh nghiệp cho rằng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 đã kiểm tra thực tế hàng hóa gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình như việc kiểm tra 1 container nhưng giữ lại toàn bộ container trong tờ khai dẫn đến 30 - 50 container cùng vận đơn và tờ khai bị giữ lại đến khi hoàn thành kiểm hóa.
Thời gian từ lúc container bị tạm ngừng thông quan đến lúc hoàn thành kiểm tra mất thời gian trung bình từ 15 – 45 ngày. Việc ra quyết định giữ hàng kiểm hóa của hải quan cũng tốn thời gian từ 3 – 10 ngày mới gửi cho người khai hải quan. Thời gian kiểm tra này là quá dài.
Bên cạnh đó, công chức hải quan khi kiểm tra thường xuyên gây khó khăn như yêu cầu dỡ hàng ra khỏi container dù hàng hóa đồng nhất, có thể nhìn thấy hàng hóa. Công chức hải quan cũng kéo dài thời gian hoàn thành giấy tờ hành chính thông quan lô hàng dẫn đến phát sinh chi phí kiểm hóa, lưu container, lưu bãi, chưa kể việc kiểm hóa nhiều lần gây bất bình cho đối tác, khách hàng của doanh nghiệp.
“Quyết định kiểm tra xác xuất 10% hàng hóa nhưng thực chất là kiểm tra 100% vì công chức hải quan luôn yêu cầu dỡ hết hàng ra khỏi container để kiểm tra hàng đóng ở cuối container”, công văn phản ánh của các doanh nghiệp nêu rõ.
Cũng theo các doanh nghiệp, việc công chức hải quan yêu cầu doanh nghiệp kê khai bản chi tiết danh mục hàng hóa quá cảnh không phù hợp với các tiêu chuẩn vận tải quốc tế và Hiệp định song phương. Công chức hải quan cũng lợi dụng việc khai báo để kiểm tra và phạt doanh nghiệp những lỗi vô lý.
Hải quan trả lời ra sao?
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 (Chi cục), khẳng định nội dung mà các doanh nghiệp phản ánh đều không có cơ sở.
Cụ thể, về nội dung kiểm tra thực tế một container trong 1 tờ khai nhưng giữ lại toàn bộ các container trong tờ khai đó dẫn đến 30 - 50 container khác cùng vận đơn và tờ khai bị giữ lại đến khi hoàn thành kiểm hóa. Ông Long cho rằng, qua rà soát dữ liệu trong năm 2021 và 2022, Chi cục này chưa thực hiện dừng thông quan tờ khai nào có số lượng vượt quá 30 container như nội dung phản ánh.
Việc các container không thuộc diện kiểm tra thực tế nhưng chưa được thông quan trước là do cùng tờ khai có container bị kiểm tra. Hiện tại, chưa có quy định đối với việc thông quan từng phần trong cùng 1 tờ khai. Vì vậy, việc phản ánh của các doanh nghiệp về nội dung này là không có căn cứ.
Về thời gian từ lúc container bị tạm dừng thông quan đến lúc hoàn thành kiểm hóa kéo dài trung bình từ 15 - 45 ngày. Việc ra quyết định giữ hàng kiểm hóa phải mất từ 3 - 10 ngày mới gửi cho người khai hải quan. Đại diện Đội Giám sát và Kiểm soát Hải quan của Chi cục cho biết, các đơn vị này đã tiến hành kiểm tra thực tế dựa trên thông tin đăng ký kiểm tra thực tế của doanh nghiệp. Đa số các tờ khai được đăng ký kiểm hoá đều hoàn tất kiểm tra trong ngày trừ một số trường hợp bất khả kháng.
Thời gian kiểm tra thực tế nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc xuất trình hàng hóa của doanh nghiệp kể từ ngày Chi cục có thông báo dừng thông quan. Qua kiểm tra hồ sơ, thời gian xuất trình hàng hóa trung bình của các doanh nghiệp trên trong năm 2021 là 9,5 ngày; năm 2022 là 11 ngày.
Qua rà soát dữ liệu tại bộ phận Quá cảnh của Đội Giám sát và Kiểm soát Hải quan, trong năm 2022 có 9 trường hợp kiểm tra thực tế phải lập Biên bản kiểm dở (do điều kiện thời tiết) còn lại tất cả các trường hợp doanh nghiệp đăng ký kiểm hoá đều được phân công kiểm hoá và hoàn tất việc yêu cầu kiểm hoá trong ngày.
Đối với các thông báo dừng thông quan, khi làm thủ tục, công chức giám sát đều thông báo ngay cho doanh nghiệp biết để xuất trình hàng kiểm tra và gửi thông báo bản giấy cho doanh nghiệp trong ngày hoặc ngày hôm sau. Qua kiểm tra, không có trường hợp nào Chi cục gửi thông báo cho doanh nghiệp chậm từ 3 đến 10 ngày như doanh nghiệp phản ánh.
Về nội dung “Công chức hải quan khi kiểm tra thường xuyên gây khó khăn như yêu cầu dỡ hàng ra khỏi container mặc dù hàng hoá đồng nhất có thể nhìn thấy hàng hoá...”. Dữ liệu kiểm tra thực tế của cơ quan hải quan cho thấy, có đến 90% hàng hoá dừng kiểm không phải là container chỉ có 1 mặt hàng mà gồm nhiều mặt hàng với đa dạng quy cách đóng gói; 10% các container khai báo là một mặt hàng thì được đóng đầy hàng hóa, không có đủ không gian để kiểm tra, đối chiếu nếu không lấy hàng ra khỏi container. Do đó, phản ánh của doanh nghiệp là chưa phù hợp.
Còn đối với nội dung “kiểm tra xác xuất 10% hàng hóa nhưng thực chất là kiểm tra 100% vì công chức hải quan luôn yêu cầu dỡ hết hàng ra khỏi container để kiểm tra hàng đóng ở cuối container”.
Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 chia sẻ, theo quy định về trách nhiệm của công chức hải quan khi kiểm tra thực tế hàng hoá thì căn cứ hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hoá do Chi cục trưởng hải quan quyết định trường hợp kiểm tra theo tỷ lệ. Công chức hải quan căn cứ các thông tin có liên quan đến hàng hoá vào thời điểm kiểm tra để lựa chọn phần hàng hoá cần kiểm tra theo tỷ lệ và chịu trách nhiệm đối với phần hàng hoá đó.
Quy định trên không phải là cái cớ để chi cục xử phạt. Chi cục chỉ căn cứ vào các quy định trên để thực hiện. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định và có hành vi vi phạm trong việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh thì bị xử lý theo quy định.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1, trên thực tế, trong những năm qua, 4 doanh nghiệp gửi công văn phản ánh lực lượng hải quan đều là những doanh nghiệp trọng điểm, thường xuyên bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, xuất xứ, quá cảnh hàng hóa thuộc diện kiểm dịch mà không có giấy phép kiểm dịch. Tỷ lệ vi phạm trong năm 2022 của các doanh nghiệp này là 47 - 56%.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899