Doanh nghiệp thích được miễn thuế hơn giảm lãi suất cho vay

15/04/2021, 19:59

TCDN - Theo báo cáo PCI, các doanh nghiệp bình chọn chính sách hỗ trợ về thuế hữu ích nhất. Chính sách hỗ trợ giãn thời gian cho vay và giảm lãi suất vay không được đánh giá cao.

Trong năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ứng phó dịch Covid-19 bằng cách triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó bao gồm hỗ trợ các khoản nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp, giãn nộp bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn, và giãn thuế. Các nỗ lực này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động và duy trì tình hình tài chính.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 chỉ ra chính sách hỗ trợ về thuế được doanh nghiệp đánh giá là dễ tiếp cận nhất, đồng thời hữu ích nhất, tiếp theo là chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn. Đứng cuối là chính sách hỗ trợ giãn thời gian cho vay và giảm lãi suất vay.

“Đây là một phát hiện khá bất ngờ, bởi các chính sách hỗ trợ về thuế TNDN thường bị chỉ trích là chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp thành công, vốn đã kiếm thừa đủ tiền để nộp thuế TNDN, trong khi hỗ trợ không đáng kể cho các doanh nghiệp thực sự bị ảnh hưởng về doanh thu và lợi nhuận”, báo cáo nêu.

Trước tác động của dịch Covid-19, Chính phủ miễn giảm nhiều loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Việt Linh.

Trước tác động của dịch Covid-19, Chính phủ miễn giảm nhiều loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Việt Linh.

Cũng theo nghiên cứu, hơn 87% doanh nghiệp, gồm cả tư nhân trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài, cho biết hoạt động của họ trong năm 2020 bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đồng thời, chi phí leo thang khi các doanh nghiệp phải chi trả thêm các chi phí để đảm bảo an toàn và vệ sinh phòng dịch, chuyển đổi sang mô hình làm việc linh hoạt hoặc chi trả tiền nghỉ ốm cho các nhân viên tự cách ly.

Trong bối cảnh nguồn lực ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp vật lộn để tồn tại, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng mạnh do doanh nghiệp giải thể hoặc cắt giảm lao động mạnh để giảm chi phí.

Trong tổng số 10.197 doanh nghiệp tham gia điều tra PCI và PCI-FDI, tính đến tháng 12/2020, chưa tới một phần ba (3.373 doanh nghiệp) đã cho thôi việc ít nhất một người lao động. Chỉ tính theo điều tra PCI 2020, tổng số lao động bị mất việc đã là 40.239 người. Báo cáo PCI chỉ tính số việc làm bị mất trong khu vực chính thức.

Tác động tiêu cực về mặt kinh tế ở các lĩnh vực ngành nghề là khác nhau. Các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành thông tin, truyền thông và sản xuất máy tính, thiết bị điện tử, xe có động cơ, sản xuất đồ da, may mặc bị ảnh hưởng nặng nhất về doanh thu và lao động.

Ở chiều ngược lại, bất động sản và tài chính là hai ngành vượt qua khủng hoảng hiệu quả hơn. Sự ứng phó của doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng cao đặc biệt quan trọng, bởi đây là các ngành kinh tế được coi là chủ chốt trong chính sách đầu tư bền vững của Việt Nam.

Năm 2020, để tồn tại, các doanh nghiệp đã thử nghiệm hàng loạt biện pháp để duy trì hoạt động. Hai biện pháp phổ biến nhất trong số đó là dự trữ hàng hóa hoặc nguyên vật liệu và tìm kiếm các chuỗi cung ứng thay thế.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, có 101.700 doanh nghiệp tại Việt Nam phải ngừng hoạt động một thời gian, hoàn thành thủ tục giải thể hoặc đang chờ hoàn tất thủ tục giải thể. 

Theo Zing
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp thích được miễn thuế hơn giảm lãi suất cho vay tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan