Doanh nghiệp từ 51% vốn nhà nước sẽ được trích 30% lợi nhuận vào quỹ phát triển doanh nghiệp

11/08/2020, 09:30

TCDN - Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà nhà nước nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên được trích tối đa 30% quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp.

sua-doi-khai-niem-doanh-nghiep-nha-nuoc-can-nhac-than-trong-van-de-he-trong1583870772

Tại tờ trình của Bộ Tài chính về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy, một trong những nội dung được quan tâm là việc phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp có vốn góp nhà nước.

Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP thì người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà nhà nước giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên, phải xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu về phương án chia cổ tức, lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp mà mình làm đại diện vốn để tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên theo quy định.

Quy định trên chưa hướng dẫn rõ nguyên tắc và thứ tự phân phối các Quỹ nên gây khó khăn cho cơ quan tài chính cũng như chủ sở hữu quyết định chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Mặt khác, theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN thì DNNN là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (tháng 5-6/2020), Quốc hội đã thông qua Luật doanh nghiệp (sửa đổi) trong đó xác định DNNN bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Để cụ thể hóa các quy định trên, dự thảo Nghị định bổ sung nội dung hướng dẫn cụ thể nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp có vốn nhà nước góp theo hướng: Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà nhà nước nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp xây dựng phương án, biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp như quy định đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể: (i) chia lãi cho các bên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng kinh tế đã ký kết (nếu có); (ii) bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định; (iii) trích tối đa 30% quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp (nếu Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp có quy định việc trích lập Quỹ này); (iv) trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp và quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước; (v) lợi nhuận còn lại thực hiện chia cổ tức, lợi nhuận bằng tiền mặt cho các cổ đông, thành viên góp vốn. Đối với khoản cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền mặt cho phần vốn nhà nước góp trong doanh nghiệp thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Riêng doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà nhà nước nắm giữ từ 36% đến dưới 51% vốn điều lệ, sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm theo thứ tự như doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà nhà nước nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên nêu trên.

Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà nhà nước nắm giữ dưới 36% vốn điều lệ, căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm cho phù hợp, trong đó phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo Điều lệ, Quy chế quản lý tài chính được chia hết cổ tức, lợi nhuận bằng tiền mặt cho các cổ đông, thành viên góp vốn.

Đối với khoản cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền mặt cho phần vốn nhà nước góp trong doanh nghiệp này thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp từ 51% vốn nhà nước sẽ được trích 30% lợi nhuận vào quỹ phát triển doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Một số giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tập trung vào những lĩnh vực then chốt, quan trọng và có hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, cổ phần hóa DNNN là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN giai đoạn này.
Quản lý đất đai CPH DNNN: Kiến nghị xử lý trách nhiệm Chủ tịch tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi
Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều vấn đề trong sử dụng đất đai ở địa phương này và kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch tỉnh và nhiều tập thể, cá nhân khác.
Sở hữu 50% vốn điều lệ: Nhà nước sẽ mất quyền chi phối trong DNNN
Việc sửa đổi quy định DNNN bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại dự thảo Luật Doanh nghiệp chưa đảm bảo sự chi phối của nhà nước đối với các quyết định quan trọng của doanh nghiệp.