Đối mặt COVID-19, hãng hàng không lớn yếu thế hơn các hãng bay giá rẻ

29/01/2021, 16:22
báo nói -

TCDN - Trong bối cảnh COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, các hãng bay giá rẻ phục vụ thị trường trong nước hoặc khu vực sẽ có cơ hội đứng vững cao hơn các hãng khác.

Khi thế giới bước vào cuộc đua tiêm vaccine ngừa COVID-19, giới phân tích dự báo số lượng hãng hàng không phá sản năm nay sẽ tăng và nhu cầu sẽ không thể sớm quay lại như mức trước đại dịch. Tuy nhiên, một điểm sáng đã xuất hiện. Đó là các hãng bay giá rẻ chủ yếu bay nội địa có khả năng hồi phục nhanh hơn các hãng lớn, cung cấp đủ dịch vụ.

"Chúng ta sẽ thấy thêm nhiều vụ sụp đổ trong ngành hàng không vì doanh thu giảm, Peter Harbison - chủ tịch hãng tư vấn CAPA nhận định trên CNBC, "Các vụ sáp nhập khó xảy ra ngoài lãnh thổ. Vì thế, phá sản sẽ là kịch bản diễn ra thường xuyên hơn". Theo hãng dữ liệu du lịch Cirium, 48 hãng hàng không đã phải ngừng hoạt động năm 2020.

Harbison nói rằng năm ngoái, các chính phủ đã ra tay để giúp các hãng bay duy trì hoạt động, thông qua hàng loạt biện pháp, từ hỗ trợ trực tiếp đến hỗ trợ việc làm.

"Dòng tiền đang ngày càng cần thiết và các hãng bay vẫn đang đốt lượng lớn tiền mặt. Vào thời điểm này, các hãng bay thường tích tiền mặt từ việc đặt vé trước cho mùa xuân và hè", ông nói.

Vì tình trạng lây nhiễm tại nhiều quốc gia và khả năng biên giới tiếp tục đóng, nhiều người không muốn đặt vé sớm, dù giá đang rất rẻ và các điều khoản hoàn tiền, đổi vé rất hào phóng.

“Rất nhiều biến số có thể xảy ra. Nhưng tôi không nghĩ rằng trước thời điểm giữa năm nay, các hãng bay sẽ thu đủ số tiền mặt cần thiết", Harbison nhận định.

CAPA dự báo mức độ di chuyển bằng đường hàng không sẽ chỉ quay về mức tiền đại dịch vào năm 2025, do bất ổn kéo dài, hoạt động công tác bằng máy bay giảm mạnh và số ghế cho bay quốc tế trở nên thấp hơn nhiều.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng các hãng bay giá rẻ phục vụ thị trường trong nước hoặc khu vực sẽ có cơ hội trụ vững cao hơn các hãng liên lục địa, đầy đủ dịch vụ. Nguyên nhân có thể là biên giới vẫn còn đóng trong ngắn hạn và số người đi công tác bằng máy bay vẫn ở mức thấp.

Shantanu Gangakhedkar - chuyên gia tư vấn tại Frost & Sullivan, bình luận: "Tôi tin các hãng bay có hiện diện lớn trong hoạt động nội địa sẽ có vị thế tốt hơn, ít nhất đến khi biên giới thông suốt trở lại". Ông lý giải các hãng bay giá rẻ có lợi thế hơn so với đối thủ cung cấp đủ dịch vụ, do họ có chi phí vận hành thấp hơn, đội máy bay chủ yếu bao gồm phi cơ thân hẹp, phù hợp với các tuyến trong nước.

Joanna Lu - Giám đốc tư vấn tại Cirium, cho rằng các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với dư thừa công suất "trong ít nhất vài năm". Thực trạng có thể dẫn đến các thương vụ sáp nhập giữa các hãng bay, cũng như giữa các hãng cho thuê và cung cấp máy bay.

"Điều quan trọng với các hãng hàng không và cả chuỗi cung ứng là phải thích ứng để phục vụ thị trường nhỏ hơn và chuẩn bị cho sự thay đổi nhu cầu", bà nhận định.

Dù vậy, Lu cũng cảnh báo các hãng bay giá rẻ khó cầm cự lâu dài. "Nếu đại dịch kéo dài và các lệnh cấm di chuyển tiếp diễn, tổn thất của họ sẽ tăng", bà nói.

Năm ngoái, đại dịch lan tràn khiến các nước phải đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội, đẩy các hãng bay vào trạng thái sinh tồn. Lưu lượng chở khách giảm 67% năm ngoái so với 2019, theo số liệu của Cirium. Các hãng bay phải cắt giảm chi phí lên tới cả tỷ USD mỗi ngày, bất chấp sự hỗ trợ của chính phủ để ngăn phá sản quy mô lớn.

Hồi tháng trước, IATA dự báo các hãng bay sẽ lỗ ròng 118,5 tỷ USD năm 2020 và 38,7 tỷ USD năm 2021. Harbison nói rằng trên phạm vi toàn cầu, những bất ổn về an toàn của hành khách và khả năng đóng cửa biên giới vẫn là thách thức lớn. Ngoài ra, theo ông, chỉ vài thị trường nội địa có giá trị lớn và dịch đang tái bùng phát ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

"Chỉ trong thị trường nội địa, vaccine mới có tác dụng thúc đẩy tốt nhất khi tái mở cửa. Nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước và biến chủng của COVID-19 vẫn đe dọa kéo tụt các nỗ lực", ông nhấn mạnh.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Đối mặt COVID-19, hãng hàng không lớn yếu thế hơn các hãng bay giá rẻ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đường sắt bết bát vì hàng không giá rẻ?
Kết thúc năm 2019, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) tiếp tục ghi nhận những số liệu không mấy khả quan khi không đạt kế hoạch đặt ra, nối dài những khó khăn, đà tụt giảm, khi bị cạnh tranh về hành khách với hàng không gia rẻ và hàng hóa với hàng hải, đường bộ.
Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways bị phát hiện bán vé vượt quá slot
Trong công văn vừa gửi các hãng hàng không, Cục Hàng Không cho biết, kết quả kiểm tra, giám sát hoạt động mở bán vé trên hệ thống điện tử của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways cho thấy, họ đang mở bán vé vượt quá số lượng slot đã được phân bổ.