Đổi mới chính sách cho vay cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp

25/06/2021, 10:52

TCDN - Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có những chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn và ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân để mua 7 loại máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

9-1

Tóm tắt

Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có những chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn và ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân để mua 7 loại máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từ tình hình và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần đổi mới hoàn thiện về chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp. Bài viết tập trung phân tích những vấn đề đặt ra cần một chính sách thiết kế phù hợp đối với việc hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới chính sách cho vay cơ giới hóa, giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp phát triển hiệu quả.

1. Những tác động của chính sách

Trong giai đoạn 2010 - 2020, việc triển khai những chính sách hỗ trợ cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, liên tiếp trong các năm 2011 - 2013, để thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư cơ giới hóa đồng ruộng, các địa phương, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động thúc đẩy hoạt động cho vay theo Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 13/01/2010 và Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Tính đến tháng 12/2013 các tổ chức tín dụng (TCTD) trên cả nước đã cho vay gần 2.000 tỷ đồng với hơn 9.000 khách hàng để mua sắm các loại máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa có mức độ nội địa hóa trên 60%.

Từ giai đoạn năm 2013 trở đi, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 tháo gỡ các nút thắt về tỷ lệ nội địa hóa của máy móc, thiết bị nông nghiệp và bổ sung chính sách hỗ trợ lãi suất 100% trong 2 năm đầu và 50% vào năm thứ 3 để đầu tư mua sắm các máy móc thiết bị… hoạt động cho vay nhằm cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch có sự lan tỏa và tăng trưởng vượt bậc.

Theo thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN Việt Nam cho thấy, trong vòng 10 năm (từ năm 2011 - 2020) các ngân hàng thương mại (NHTM) (bao gồm: NHTM Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank; NHTMCP Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank; NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV; NHTMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank; NHTMCP Bưu điện - Liên Việt - LienVietPostBank và NHTMCP Á Châu - ACB) đã cho vay doanh số đạt khoảng trên 12.000 tỷ đồng với hơn 37.800 khách hàng là các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân. Trong đó, doanh số cho vay đạt 10.150 tỷ đồng. Số lượng khách hàng vay vốn hơn 28.400 khách hàng. Dư nợ cho vay đến cuối năm 2020 (thời điểm kết thúc chương trình cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg) là 2.350 tỷ đồng với 8.800 khách hàng còn dư nợ. Riêng Agribank cho vay tích cực nhất, chiếm khoảng 96% tổng dư nợ cho vay chương trình này.

Về phía địa phương, các tỉnh, thành phố có dư nợ cho vay hỗ trợ cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch đạt mức cao, bao gồm: tỉnh An Giang (trên 1.148 tỷ đồng/4.800 khách vay); tỉnh Kiên Giang (trên 733,7 tỷ đồng/1.300 khách vay); tỉnh Cà Mau (107,5 tỷ đồng/200 khách vay); TP. Hải Phòng (189,4 tỷ đồng/512 khách vay); tỉnh Phú Thọ (157,5 tỷ đồng/200 khách vay); tỉnh Quảng Bình (66,4 tỷ đồng/162 khách vay)… Theo ghi nhận của các địa phương này, doanh số cho vay đạt cao nhất là các máy móc phục vụ canh tác, sấy nông sản và chăn nuôi (chiếm 61,6% tổng dư nợ của chương trình), kế đó là các loại máy kéo, động cơ diezel sử dụng trong nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản (chiếm 34%).

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ các chính sách hỗ trợ cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch, sau hơn 6 năm (2014 - 2020) triển khai Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã tăng lên đáng kể (số lượng máy kéo, máy thu hoạch liên hợp lúa tăng nhanh gần 10.000 chiếc; máy thu hoạch lúa tăng gần 9.000 chiếc; tổng công suất máy tăng gần 1.000.000 Hp tăng 9% so với tổng công suất trên đồng ruộng hiện nay khoảng trên 11 triệu mã lực). Khâu làm đất đối với sản xuất lúa ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long nhiều địa phương đã được cơ giới hóa 100%; khâu thu hoạch, xay xát lúa cũng đạt mức 95% ở các vựa lúa trọng điểm phía Nam. Từ đó, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch ở nhiều vùng trồng lúa chỉ còn ở mức 8% - 10%, giảm nhiều lần so với giai đoạn trước năm 2013. Cơ giới hóa trong sản xuất lúa góp phần đáng kể trong việc giảm tổn thất và gia tăng giá trị cho ngành lúa gạo. Hiện nay, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch đang ở mức 5% - 6% (khoảng 3 triệu tấn lúa/năm), tương đương 760 triệu USD. Nếu có thể kéo giảm thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 3%, thì thu nhập của nông dân tăng khoảng 1 triệu đồng/ha.

Về đối tượng được hỗ trợ: Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân, gồm: Hộ gia đình chiếm 95%; doanh nghiệp 3%; hợp tác xã 1% và các đối tượng khác 1% (bao gồm cả hỗ trợ lãi suất và chênh lệch lãi suất).

Kinh phí cho vay: đến nay, doanh số cho vay đạt trên 11.000 tỷ đồng cho khoảng 33.350 khách hàng vay, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 3.877 tỷ đồng, chiếm hơn 98% tổng dư nợ cho vay chương trình; Dư nợ cho vay hỗ trợ chênh lệch lãi suất theo lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước đạt 68 tỷ đồng, chiếm gần 2% tổng dư nợ cho vay chương trình. Tỷ lệ nợ xấu rất thấp có xu hướng giảm qua các năm.

Máy móc, thiết bị cho vay: số lượng các loại máy móc, thiết bị nông nghiệp trên 25.000 chiếc các loại máy móc, thiết bị, trong đó máy kéo, làm đất và máy thu hoạch lúa chiếm 93%. Cơ cấu các loại máy, thiết bị tính theo giá trị cho vay trên tổng doanh số cho vay, cụ thể như sau: (i) Các loại máy, thiết bị phục vụ canh tác, sấy nông sản, chăn nuôi chiếm 61,6%; (ii) Các loại máy kéo, động cơ diezel sử dụng trong nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản chiếm 33,9%; (iii) Các loại máy, thiết bị dò cá, thu, thả lưới câu, thông tin liên lạc, hầm (buồng) cấp đông, thùng (hầm) bảo quản sản phẩm có gắn thiết bị lạnh, sản xuất nước đá, lọc nước biển làm nước ngọt sử dụng trên tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ; máy thiết bị chế biến sản phẩm từ phế phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản chiếm 2,3%.

Qua hơn 6 năm tổ chức triển khai thực hiện, chủ trương của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực, bước đầu đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của sản xuất nông nghiệp nhất là vùng sản xuất lúa hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long và nhận được sự đồng tình cao của bà con nông dân cả nước, cụ thể:

Cơ giới hóa trong sản xuất lúa góp phần đáng kể trong việc giảm tổn thất và gia tăng giá trị cho ngành lúa gạo. Hiện nay, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch đang ở mức 5% - 6% (khoảng 3 triệu tấn lúa/năm), tương đương 760 triệu USD. Nếu có thể kéo giảm thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 3%, thì thu nhập của nông dân tăng khoảng 1 triệu đồng/ha.

(i) Mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp một số khâu tăng cao, nhất là đối với sản xuất lúa khâu làm đất bình quân cả nước tăng. Tổn thất trong nông nghiệp giảm nhất là đối với sản xuất lúa, gạo hiện nay tổn thất sau thu hoạch còn 8%-10%; (ii) Ngoài chính sách của Trung ương, nhiều địa phương, như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Cần Thơ.... đã ban hành chính sách hỗ trợ của địa phương về khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ giới hóa, chế biến, bảo quản nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, tiêu thụ nông sản một số sản phẩm đã thúc đẩy người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy, thiết bị phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo quản chế biến nông lâm, thủy sản, nâng cấp công nghệ thiết bị góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân; (iii) Chính sách hỗ trợ cũng tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị sản xuất có hiệu quả; (iv) Huy động được nguồn vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân: Nguồn vốn cho nông dân vay ngày càng tăng, đồng thời đã huy động được nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho cơ giới hóa, tính đến nay doanh số cho vay đạt trên 11.000 tỷ đồng từ vốn tín dụng Nhà nước; vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân trên 5.000 tỷ đồng; Ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

2. Những hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất giải pháp

Thứ nhất, trong chỉ đạo, điều hành:

Nhiều địa phương đã tổ chức triển khai (xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách) nhưng kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ thấp hoặc người dân chưa tiếp cận được chính sách. Mặc dù các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ nhưng việc triển khai thực hiện chính sách vẫn còn thiếu sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành liên quan.

Về công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, vai trò của các cấp các ngành trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực thúc đẩy tái cơ cấu làm chưa tốt.

Thứ hai, trong chính sách:

Máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu mới tập trung vào cây lúa, mía chưa chú ý vào các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao khác, nhất là thiết bị bảo quản cho tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ.

Về lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước còn cao, hiện nay là 8,55%/năm (theo Thông tư số 76/2015/TT-BTC ngày 21/5/2015 của Bộ Tài chính), không có sự chênh lệch nhiều so với lãi suất cho vay thương mại nên chưa khuyến khích các doanh nghiệp) đầu tư các dự án dây chuyền máy móc, thiết bị, các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ còn thấp, người dân chưa tiếp cận được chính sách. Một số loại máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thực tế nhưng chưa được bổ sung vào danh mục được hưởng chính sách hỗ trợ.

Một số nội dung có liên quan đến cơ giới hóa nông nghiệp chưa được đề cập đến như: (i) Công tác an toàn lao động cho người sử dụng máy móc, thiết bị; (ii) Công tác quản lý, giám định máy móc thiết bị nông nghiệp; (iii) Tiêu chí xác định cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; (iv) Công tác đào tạo nguồn nhân lực trong vận hành, bảo dưỡng, sửa chữ máy, thiết bị nông nghiệp; (v) Cơ sở hạ tầng đồng ruộng; tưới, tiêu, giao thông nội đồng đáp ứng cho sử dụng máy, thiết bị nông nghiệp.

Thứ ba, đề xuất giải pháp

Một là, kéo dài thêm thời hạn thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ/TT đến 31/12/2025 và đến năm 2030 (thời hạn cho vay của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg đến 31/12/2020).

Hai là, bổ sung danh mục máy móc được hỗ trợ cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Ưu tiên cho vay đối với các chương trình thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, khuyến khích các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp;

Ba là, hướng dẫn cụ thể các loại hồ sơ tài liệu chứng minh chất lượng của các loại máy móc thiết bị phải phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định tại khoản 2c Điều 1 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg.

Bốn là, quy định cụ thể về cấp có thẩm quyền thẩm định điều kiện kỹ thuật các loại máy, thiết bị của các dự án đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg.

Năm là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định về đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg. (i) Sự cần thiết ban hành chính sách: Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ đã xác định, tầm nhìn đến năm 2030: “Phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghiệp, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả và năng lực cạnh tranh; cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại”. Vì vậy, cần khuyến khích, hỗ trợ, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhất là những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hàng hóa bằng máy, thiết bị hiện đại, tiên tiến, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung được cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ và tiến tới tự động hóa trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để góp phần nâng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

- Kế thừa các chính sách còn phù hợp với thực tiễn của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;

- Phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

- Phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016.

- Không trùng lặp với các chính sách phục vụ nông nghiệp, nông thôn mới được Chính phủ ban hành năm 2017, 2018 như:

+ Nghị định số 40/2017 ngày 05/4/2017 về quản lý sản xuất, kinh doanh muối; theo đó tổ chức hộ gia đình, cá nhân đầu tư kho chứa muối, máy thiết bị sản xuất, dây chuyền máy, thiết bị chế biến muối được hỗ trợ vay vốn và lãi suất vốn vay;

+ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, theo đó các dự án chế biến nông lâm, thủy sản; chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp; sản xuất chế biến muối; sản phẩm từ phế, phụ phẩm nông nghiệp được hỗ trợ mức tối đa 50% nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án.

+ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó sản xuất máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn.

+ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó dự án liên kết được ngân sách hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.

+ Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

+ Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

(ii) Đề xuất một số nội dung có liên quan đến cơ giới hóa nông nghiệp chưa được đề cập đến trong Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg như: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp; các quy định về tiêu chí, điều kiện và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cơ giới hóa trong từng khâu và đồng bộ theo chuỗi liên kết từ sản xuất cây, con giống đến nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản (gọi chung là cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.

Thời gian qua, dù tốc độ trang bị cơ giới hóa có bước tiến rất lớn nhưng vẫn chưa đồng bộ chuỗi sản xuất. Đơn cử, đối với sản xuất lúa gạo có khâu làm đất, gieo sạ, máy gặt đập liên hợp đã tăng, nhưng còn thiếu máy cấy, máy phun thuốc bảo vệ thực vật. Đối với nuôi trồng thủy sản, cơ giới hóa còn yếu nên chưa đáp ứng được trước tình hình biến đổi khí hậu. Nhiều nông dân liên kết với nhau nhưng chưa quan tâm đến hạ tầng, công nghệ, máy móc… Bên cạnh đó, các chính sách thật sự chưa mang lại hiệu quả cho nông dân. Do vậy, để có một nền nông nghiệp phát triển cần phải cơ giới hóa trong các khâu, lĩnh vực với nhau.

Chế biến sau thu hoạch mang lại giá trị gia tăng cao, nhưng do các khâu đều thiếu máy móc nên sản phẩm đơn sơ. Cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa mạnh do thiếu các tổ chức, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất các doanh nghiệp chuyên đầu tư về cơ giới hóa lại không có liên kết được hợp tác xã (HTX), không kết nối được vùng sản xuất… Các khâu cơ giới hóa không phải chỉ một HTX mà cần đến nhiều HTX, trở thành cụm liên hoàn từ chế biến, logistics… Mỗi sản phẩm cần có sự lựa chọn mô hình công nghệ cho phù hợp để đảm bảo chất lượng. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp cần đầu tư nghiên cứu phát triển máy móc, công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo, cơ giới hóa bằng năng lượng mặt trời… vận hành vào sản xuất.

Hiện nay, một số nước không có diện tích sản xuất nông nghiệp nhưng nhờ đầu tư cơ giới hóa nên trở thành quốc gia không những sản xuất mà còn xuất khẩu. Điển hình, Nhật Bản sớm ban hành Luật Cơ giới hóa nông nghiệp làm cơ sở pháp lý, nhằm khuyến khích thành lập các tổ chức mua sử dụng chung máy móc thiết bị. Hàn Quốc hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, khuyến khích lập các tổ cơ giới hóa nông nghiệp, vừa cho vay hỗ trợ lãi suất và trợ cấp tiền mua máy. Có một điểm khá nổi bật là toàn bộ máy móc dùng trong nông nghiệp đều được sản xuất tại Hàn Quốc, không nhập ngoại. Trung Quốc hỗ trợ chính sách phù hợp trợ cấp cho nông dân trong việc mua máy móc nông nghiệp như: vay không lãi suất, kinh phí mua theo từng giai đoạn phát triển, điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ưu tiên công nghiệp hóa... Thái Lan ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp như: miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mới đầu tư, nâng mức lương khởi điểm của cán bộ khoa học - công nghệ, miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ của nước ngoài; khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, nông dân mua máy do trong nước chế tạo với chế độ bảo hành, sửa chữa miễn phí từ 1-3 năm.

Cơ giới hóa trong nông nghiệp nước ta phải thực hiện đồng bộ hóa, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến. Để đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành 10 nước đứng đầu thế giới về chế biến nông sản. Để làm được điều này, Chính phủ cần xây dựng chiến lược cơ giới hóa, nâng cao nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, phù hợp trong giai đoạn sản xuất mới. Kèm theo đó là các chính sách để khuyến khích được doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư công nghệ; người sử dụng cơ giới trong nông nghiệp cần có bằng đào tạo…

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 194/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030. Nội dung chủ yếu của Đề án là đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng chương trình nông thôn mới và ứng dụng khoa học - công nghệ; đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản phải phù hợp với đặc điểm, quy mô, cấp độ của lực lượng sản xuất, gắn với khả năng đáp ứng của mỗi loại nông sản; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia kênh tiêu thụ nông sản, nhằm tạo lập và duy trì các liên kết bền vững. Mục tiêu của Đề án là hình thành và phát triển đa dạng phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường (trong nước và quốc tế). Mục tiêu cụ thể là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản; gắn với tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại. Đề án nhằm củng cố và phát triển mô hình HTX thương mại và dịch vụ như là một trung gian cần thiết giữa người nuôi trồng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và ngân hàng, để tổ chức cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông dân. Xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, Đề án tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn và kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường, bảo đảm nông sản được tiêu thụ trong chuỗi đáp ứng tiêu chuẩn không chỉ trong nước mà cả các nước nhập khẩu, làm cơ sở để định hướng sản xuất nông sản theo yêu cầu của thị trường. Hiện đại hóa công tác sản xuất, kinh doanh, chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản; xây dựng thương hiệu nông sản, từng bước mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hạn chế việc lệ thuộc vào một số thị trường, nâng cao giá trị nông sản; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phù hợp để áp dụng những mô hình mới. Tùy theo quy mô, điều kiện, khả năng của doanh nghiệp để vận dụng các kênh liên kết tiêu thụ nông sản theo cấu trúc phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển kênh hợp nhất...

Đề án cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành triển khai thực hiện, gồm: Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực từ vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai Đề án. Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể của từng địa phương nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện Đề án hiệu quả trên địa bàn. Chiến lược đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất đã mở ra tiềm năng phát triển cho lĩnh vực chế tạo cơ khí phục vụ sản xuất, chế biến nông lâm, thủy sản, ngành mà tỷ lệ cơ giới hóa của Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia.

Tóm lại, cơ giới hóa trong nông nghiệp không chỉ giải phóng một lượng lớn lao động, tăng thêm nguồn cung cho khu vực công nghiệp, mà còn góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản thời hội nhập.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

2. Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010; Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;

3. Thông tư số 08/2014/TT-BNNPTNT ngày 20/3/2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

4. Thông tư số 02/2016/TT-BNNPTNT ngày 22/02/2016 về sửa đổi, bổ sung danh mục chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp ban hành theo Thông tư số 08/2014/TT-BNNPTNT ngày 20/3/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

5. Quyết định số 3073/QĐ-BNN-CB ngày 09/7/2014 về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam;

6. Thông tư số 13/2014/TT-NHNN ngày 18/4/2014 hướng dẫn cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;

7. Thông tư số 89/TT-BTC ngày 07/07/2014 về hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;

8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2020), Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;

9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020), Báo cáo của Vụ Tín dụng về hoạt động tín dụng về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

ThS. Trần Trọng Triết

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh An Giang

Tạp chí in số tháng 6/2021
Bạn đang đọc bài viết Đổi mới chính sách cho vay cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan