Đồng bằng sông Cửu Long: Thu hút đầu tư phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn

28/10/2022, 14:00

TCDN - Trong bối cảnh ngành nông nghiệp của vùng đối mặt với nhiều khó khăn, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn là một trong những định hướng phát triển quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

5-1

Thiếu thương hiệu để tạo nên sự khác biệt

ĐBSCL có vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây không chỉ là vùng kinh tế trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thủy sản, trái cây lớn nhất nước mà còn là vùng văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, có nhiều tiềm năng và nguồn lực để thu hút đầu tư và phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn ở hiện tại cũng như trong tương lai.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp của vùng phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, rủi ro do biến động của thị trường. Vì vậy, việc đầu tư phát triển thị trường nông sản của vùng cũng như gắn với phát triển du lịch nông thôn trước những rủi ro là vấn đề được các nhà quản lý và khoa học quan tâm giúp ĐBSCL ngày càng nâng tầm để phát triển.

Theo các chuyên gia, giá bán lúa của nông dân thường bị biến động thị trường gây ra nhiều bất lợi cho nông hộ tại ĐBSCL, đặc biệt là trên phương diện thu nhập. Thực tế, nông hộ sản xuất lúa với quy mô nhỏ thường phải chấp nhận giá thị trường bởi thiếu thương hiệu để tạo nên sự khác biệt. Do không có thói quen tồn trữ và năng lực tồn trữ yếu nên nông hộ bán lúa gấp ngay sau thu hoạch vì sợ rủi ro giá giảm và để trang trải chi phí sản xuất, thanh toán nợ và chi tiêu. Những nguyên nhân trên cộng với chuỗi giá trị lúa gạo kém hiệu quả khiến giá bán lúa của nông hộ thấp và biến động.

Để khơi dậy tiềm năng thu hút đầu tư phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững cho toàn vùng ĐBSCL, các chuyên gia đề xuất các vấn đề cần triển khai như: giải pháp thị trường để bình ổn giá bán lúa cho nông hộ, phát triển nông nghiệp hữu cơ và xu hướng tiếp cận nông sản sạch của người tiêu dùng. Các yếu tố marketing địa phương gắn với du lịch, tác động của hình ảnh điểm đến tới sự hài lòng của du khách...

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và địa phương vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp trong gìn giữ và phát huy các tiềm năng thế mạnh về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, cũng như gìn giữ cảnh quan thiên nhiên.

Ngoài việc tăng cường liên kết giữa các bên liên quan để nâng cao chất lượng nông sản và điều tiết sản xuất với diện tích, sản lượng phù hợp, nâng cao được chuỗi giá trị ngành hàng, cần phát huy các loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống ở nông thôn...

Quản trị rủi ro giá bán lúa

Chia sẻ về giải pháp thị trường để bình ổn giá bán lúa cho nông hộ ở ĐBSCL, PGS.TS Lê Khương Ninh, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, cần phải phát triển hệ thống kho ký gửi lúa; phát triển thị trường đặt trước và thị trường tương lai; hoạt động bán chung theo nhóm. Theo đó, hệ thống kho ký gửi giúp quản trị rủi ro giá bán lúa thông qua tạo cơ hội thuận lợi hơn để nông hộ tiếp cận tín dụng nhờ có thể cung cấp tài sản thế chấp, dễ thẩm định và đáng tin cậy, tăng cường tính hiệu quả của việc tiếp thị lúa với tư cách là đơn vị thanh toán bù trừ để giúp thực thi quyền sở hữu tài sản và hợp đồng mua bán. Việc phát triển thị trường đặt trước như thiết lập hợp đồng đặt trước hay hợp đồng tương lai sẽ giúp nông dân tránh bán lúa gấp, từ đó kiểm soát rủi ro giá.

Bên cạnh đó, giải pháp bán lúa theo nhóm là kiểu hành động tập thể của các nông hộ trồng lúa nhằm tận dụng cơ hội thị trường và tránh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các khiếm khuyết cố hữu. Cụ thể, bán lúa theo nhóm giúp hộ nông dân giảm chi phí giao dịch, thu nhập thông tin thị trường cần thiết, tăng cường cơ hội tiếp cận các kỹ thuật mới và thâm nhập thị trường giá trị cao.

Giáo sư Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF/Cộng hòa Liên bang Đức) nhấn mạnh đến vai trò điều phối, định hướng của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt và tận dụng được những hỗ trợ từ Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Trong số đó, lợi thế từ niềm tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư châu Âu đối với Việt Nam. Các doanh nghiệp ở ĐBSCL trở thành đối tác thương mại hấp dẫn hơn đối với các nước thành viên EU. Trên cơ sở đó, ĐBSCL sẽ có cơ hội thu hút thêm các khoản đầu tư chất lượng cao từ EU, những cuộc chuyển giao kiến thức chất lượng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao từ EU. Khi tận dụng được các lợi thế này, sẽ thúc đẩy sự hội nhập của ĐBSCL vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Về du lịch, các chuyên gia cho rằng, việc kết hợp du lịch vào chuỗi giá trị nông sản vùng ĐBSCL là một giải pháp toàn vẹn. Điều này nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách, nâng cao thu nhập cho nông dân và thúc đẩy đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên thế mạnh về nông nghiệp của vùng.Tuy vậy, cần định hướng phát triển du lịch nông thôn theo định hướng du lịch bền vững và có trách nhiệm. Về điều này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết, hiện Cần Thơ đang xây dựng bộ tiêu chí du lịch bền vững với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP - Swiss Sustainable Tourism Programme). Chương trình do Cục Hợp tác kinh tế Liên bang Thụy Sỹ hỗ trợ cho Việt Nam với định hướng “tạo ra môi trường du lịch cạnh tranh hơn thông qua phát triển bền vững”.

Du lịch bền vững là cam kết mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan trong du lịch, cả Nhà nước và tư nhân, để cân bằng lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của cộng đồng địa phương, khách du lịch và ngành du lịch. Ba trụ cột của du lịch bền vững bao gồm con người, trái đất và lợi ích. “Con người” mang nghĩa văn hóa và cộng đồng địa phương, “trái đất” là môi trường tự nhiên và “lợi ích” đề cập đến sự bền vững kinh tế.

Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sỹ đã xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững dựa trên sự lựa chọn các tiêu chí từ 25 hệ thống tiêu chí du lịch bền vững quốc tế. Trong số đó, chú trọng vào 11 chủ đề chính: quản lý môi trường chung; quản lý sử dụng hiệu quả điện năng; quản lý sử dụng hiệu quả nước; quản lý nước thải; quản lý chất thải rắn; giảm ô nhiễm không khí và kiểm soát tiếng ồn; hỗ trợ cộng đồng địa phương; hỗ trợ kinh tế địa phương; an toàn và an ninh; quản lý nguồn nhân lực; quản lý kinh doanh…

Trong thời gian tới, Cần Thơ sẽ triển khai bộ tiêu chí du lịch bền vững cho các nhóm chủ thể cụ thể như: doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, homestay, khách sạn vừa và nhỏ, ecolodge, điểm du lịch dựa vào cộng đồng, điểm tham quan vừa và nhỏ… với các tiêu chí đánh giá, chấm điểm cụ thể, chi tiết, dễ hiểu. Việc thực hiện hiệu quả bộ tiêu chí này sẽ là cơ sở để các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long học tập và nhân rộng mô hình, hướng tới đưa du lịch, đặc biệt là du lịch nông thôn trở thành một thương hiệu của vùng.

Tạp chí in số 10/2022
Bạn đang đọc bài viết Đồng bằng sông Cửu Long: Thu hút đầu tư phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thủ tướng: Cần tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng cho Đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng Chính phủ khẳng định cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức tổ Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.