Phân tích vai trò của các định chế tài chính quốc tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam

28/10/2022, 13:50

TCDN - Nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn trong hội nhập với việc thực hiện 17 Hiệp định thương mại tư do (FTA) đa phương và song phương. Trong điều kiện đó, các định chế tài chính quốc tế, nhất là các ngân hàng nước ngoài đang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chu chuyển vốn vào nền kinh tế.

2-1

TÓM TẮT

Nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn trong hội nhập với việc thực hiện 17 Hiệp định thương mại tư do (FTA) đa phương và song phương. Trong điều kiện đó, các định chế tài chính quốc tế, mà chủ yếu là các ngân hàng nước ngoài đang ngày càng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chu chuyển vốn vào nền kinh tế Việt Nam. Việc thúc đẩy này được thực hiện qua các kênh chính: (i) đưa vốn pháp định từ ngân hàng mẹ, đầu tư dưới hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thành lập ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; (ii) huy động vốn từ ngân hàng mẹ và từ thị trường vốn quốc tế, thông qua các pháp nhân ngân hàng tại Việt Nam để cho vay và tài trợ các dự án triển khai tại Việt Nam; (iii) cung cấp các khoản tín dụng bán buôn, đồng tài trợ, cho vay hợp vốn thông qua các định chế ngân hàng Việt Nam đầu tư tại nền kinh tế Việt Nam; (iv) thu hút các tập đoàn kinh doanh là khách hàng từ ngân hàng mẹ ở chính quốc, từ các nền kinh tế khác đến triển khai dự án FDI và các khoản đầu tư gián tiếp cho Việt Nam; (v) cung cấp các hợp đồng bảo lãnh và tài trợ thương mại cho các hoạt động xuất - nhập khẩu của doanh nghiệp nước ngoài với Việt Nam; (vi) đầu tư vốn, mua cổ phần, trờ thành cổ đông chiến lược trong các định chế tài chính của Việt Nam như: ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và doanh nghiệp lĩnh vực khác của Việt Nam; (vii) tư vấn, cung cấp thông tin thị trường, chính sách, pháp luật, đối tác cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Trong hơn hai năm qua, trong điều kiện bị ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19, khối ngân hàng nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chu chuyển các dòng vốn quốc tế đến Việt Nam.

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, dựa trên số liệu và tư liệu thứ cấp để từ đó, phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng nói trên gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hội nhập nhanh hơn với cộng đồng quốc tế và đưa ra các khuyến nghị.

1. TỔNG QUAN VỀ MỐI QUAN HỆ CỦA CÁC ĐỊNH CHẾ TÀI CHÍNH QUỐC TẾ VỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

Việt Nam chính thức thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa nền kinh tế từ năm 1986 nhưng đến năm 1988, Việt Nam mới chính thức đổi mới hoạt động ngân hàng với mốc cơ bản là hình thành ngân hàng hai cấp: Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng Trung ương (NHTW) làm nhiệm vụ quản lý nhà nước và điều hành chính sách tiền tệ; các ngân hàng chuyên doanh, ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức tín dụng (TCTD) khác làm nhiệm vụ kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, trước năm 1993, khi Chính phủ Mỹ chưa bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam thì các ngân hàng nước ngoài mới chỉ khảo sát, tìm hiểu, thăm dò nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, mới chỉ có một số ngân hàng lớn của Pháp mở chi nhánh tại Việt Nam, ngân hàng từ một quốc gia khác mới chỉ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Song phải đến thời điểm ngày 03/02/1994, khi Chính phủ Mỹ bỏ cấm vận đối với Việt Nam thì các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… mới chính thức nối lại các quan hệ với Việt Nam, hỗ trợ vốn và hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Cũng từ thời điểm này, các tập đoàn tài chính - ngân hàng, gọi chung là các TCTD nước ngoài, đặc biệt là của Mỹ, Canada, Anh, Đức… bắt đầu mở rộng hiện diện thương mại tại Việt Nam. Các TCTD nước ngoài đầu tư vốn FDI dưới các hình thức thành lập và đưa vào hoạt động chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh. Trong những năm gần đây, các TCTD đã thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các tập đoàn ngân hàng, tài chính nước ngoài còn đầu tư vốn mua cổ phần, trở thành cổ đông chiến lược tại ba NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa, cổ đông chiến lược tại trên 10 NHTM cổ phần khác; gần 20 công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty bảo biểm của Việt Nam. Cùng với các ngân hàng, các nhà đầu tư nước ngoài cũng mở rộng hoạt động mua - bán, sáp nhập doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu, làm rõ các nội dung nói trên, đưa ra các khuyến nghị giải pháp liên quan có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế.

2. THÚC ĐẨY TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ VÀ HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM HỘI NHẬP NHANH VỚI CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

Những hoạt động nói trên của các ngân hàng nước ngoài đóng vai trò rất lớn trong tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong khoảng hơn 10 năm gần đây, đặc biệt là tái cơ cấu TCTD. Cụ thể, tái cơ cấu hệ thống TCTD là một trong ba nội dung tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm cả tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là một giải pháp quan trọng đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững nền kinh tế. Để tái cơ cấu TCTD nói chung, tái cơ cấu NHTM Việt Nam nói riêng, thì một biện pháp có hiệu quả quan trọng hàng đầu, đó là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các NHTM Việt Nam. Thông qua đó, các NHTM Việt Nam sẽ tăng vốn điều lệ, đáp ứng yêu cầu của Basel II, giảm tỷ lệ nợ, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng lực quản trị điều hành nói chung và năng lực quản trị rủi ro nói riêng.

Trong nhiều năm qua, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nền kinh tế lớn, đầu tư vốn mua cổ phần, trở thành cổ đông của các nhiều NHTM cổ phần của Việt Nam, đặc biệt là ba NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, tỷ lệ cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%, nhiều nhà đầu tư nước ngoài và một số NHTM Việt Nam đã tới giới hạn tối đa, nhưng nhiều NHTM khác vẫn còn các cơ hội, nhất là NHTM cổ phần yếu kém cần tái cơ cấu mạnh. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực thi hành, mở ra cơ hội mới cho các ngân hàng lớn thuộc Liên minh châu Âu (EU) tăng sở hữu và tăng đầu tư vào các NHTM Việt Nam.

Để có thể phát triển bền vững trên thị trường tài chính Việt Nam, hiện nay và trong các năm tới, các tổ chức tài chính nước ngoài bỏ vốn đầu tư trực tiếp mua cổ phần vào các NHTM Việt Nam còn nhiều cơ hội lớn. Bởi vì việc đầu tư FDI thông qua các hình thức thành lập các pháp nhân tại Việt Nam như: ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty bảo hiểm nước ngoài, công ty chứng khoán nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài… không có nhiều cơ hội, không có nhiều điều kiện. Tạm thời, Chính phủ không cấp phép lập mới các ngân hàng có vốn nước ngoài đến hết năm 2020 và trong năm 2021, đầu năm 2022 chưa có chủ trương mới (BVSC, 2015 - 2021).

Trong khi đó, xu hướng là không dàn trải nguồn vốn đầu tư mà sẽ tập trung phát triển chiều sâu, tập trung vào những mảng dịch vụ tài chính là thế mạnh của mình. Đồng thời, các tổ chức tài chính nước ngoài sẽ đầu tư nhiều hơn vào nâng cao quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp tại các NHTM mà mình đang sở hữu vốn. Đầu tư vốn mới hay tăng quy mô vốn đầu tư trở thành đối tác chiến lược với ngân hàng trong nước. Việc đầu tư nâng cao trải nghiệm khách hàng với nhiều tính năng số hóa cũng sẽ được các ngân hàng có vốn nước ngoài chú trọng.

Xu hướng các ngân hàng nước ngoài không còn đầu tư dàn trải mà tập trung phát triển ở các thị trường vốn là thế mạnh của họ, nhất là những thị trường có quy mô và tạo ra tăng trưởng phù hợp với mục tiêu chung của ngân hàng mẹ. Các ngân hàng nước ngoài cũng không tập trung nhiều vào mua - bán, sáp nhập như trước đây mà sẽ tập trung hơn vào phát triển tự thân hay thế mạnh nội tại của mình.

Hoạt động thu hút vốn nước ngoài sẽ sôi động hơn khi EVFTA được bắt đầu triển khai thực hiện, sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Theo cam kết EVFTA, đối với lĩnh vực ngân hàng, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD của khối Liên minh châu Âu (EU) nâng mức nắm giữ cổ phần lên 49% vốn điều lệ tại hai ngân hàng TMCP (thương mại cổ phần) của Việt Nam… Do cam kết trên không áp dụng với bốn NHTM Nhà nước (BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank) nên đây là cơ hội để các ngân hàng TMCP tư nhân của Việt Nam hút vốn đầu tư nước ngoài tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh (BIDV, 2015 - 2021).

Đồng thời, theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, Nhà nước giảm dần tỷ lệ sở hữu tại các NHTM Nhà nước, chỉ nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Chính phủ, NHNN sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị... mua cổ phần trong các NHTM Nhà nước cổ phần hóa và ngân hàng TMCP tư nhân, thúc đẩy tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa các NHTM Việt Nam (BIDV, 2015 - 2021).

3. THỰC TRẠNG THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN VIỆT NAM

Hiện nay, ngân hàng là ngành được các nhà đầu nước ngoài ưu tiên quan tâm hàng đầu để chu chuyển vốn quốc tế vào nền kinh tế Việt Nam. Nhiều nhà đầu nước nước ngoài đang thông qua các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để tư vấn, mua cổ phần NHTM trong nước. Trong thời gian qua, kể từ năm 2007, khi Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngân hàng là một trong những lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và đầu tư nhiều nhất.

Thỏa thuận liên minh chiến lược được ký kết ngày 27/11/2007 giữa Ngân hàng TMCP Xuất - nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). SMBC đầu tư vào Eximbank với tổng giá trị 225 triệu USD để sở hữu 15% vốn điều lệ, đồng thời trở thành đối tác chiến lược. SMBC cam kết hỗ trợ và hợp tác với Eximbank trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ngân hàng đầu tư, quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Thương vụ định giá Eximbank 1,5 tỷ USD sau khi đầu tư nhưng hiện nay, 15% cổ phần Eximbank mà SMBC đang sở hữu hiện có giá thị trường gần 6.600 tỷ đồng, khoảng 290 triệu USD.

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 29,7% vốn của Ngân hàng TMCP Xuất - nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Cùng với SMBC, năm 2008, Eximbank còn chào bán 5% cổ phần cho quỹ VOF của VinaCapital và 5% cho hai quỹ thuộc Mirae Asset. Hiện nay, VOF vẫn giữ xấp xỉ 5% vốn của Eximbank. Tuy nhiên, đầu năm 2022, SMBC đã tìm được đối tác để chuyển nhượng 15% vốn ở Eximbank, dự kiến đầu tư vốn để trở thành cổ đông chiến lược khác có nhiều tiềm năng của một ngân hàng TMCP khác của Việt Nam.

Tiếp đó là ba NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa, tuy nhiên, số đông nhà đầu tư muốn tăng cổ phần thì cũng có trường hợp giảm tỷ lệ sở hữu. Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã giảm tỷ lệ cổ phần tại VietinBank từ 6,4% xuống còn 4,99%. Từ ngày 10/01//2020, nhóm IFC không còn là cổ đông lớn của VietinBank. Thay vào đó, The Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ (BTMU) là cổ đông nước ngoài lớn nhất của VietinBank sở hữu 19,73% cổ phần. BTMU nhiều lần đề nghị Chính phủ Việt Nam cho phép nâng tỷ lệ sở hữu lên 25% hay 30% theo chiến lược đầu tư vốn của họ vì tỷ lệ sở hữu hiện tại đã chạm trần tối đa. Việc IFC thoái vốn khiến room vốn đầu tư nước ngoài tại VietinBank được mở hơn một chút. Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của VietinBank, NHNN Việt Nam đang sở hữu 64,46% cổ phần; ngân hàng của Nhật Bản đang sở hữu 19,73% (BIDV, 2015 - 2021).

Trái ngược với IFC tại Vietinbank, đầu năm 2020, Mizuho Bank của Nhật Bản chi thêm gần 930 tỷ đồng mua thêm gần 16,7 triệu cổ phần để duy trì tỷ lệ sở hữu 15% tại Vietcombank. Với tỷ lệ sở hữu 15%, Mizuho đang nắm khoảng 556,3 triệu cổ phiếu Vietcombank, tương đương với hơn 50.600 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với số vốn đầu tư ban đầu, chưa kể khoản cổ tức tiền mặt thu được trong 9 năm qua. Như vậy, Vietcombank là NHTM Việt Nam đem lại khoản lợi nhuận lớn và nhanh nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Quỹ đầu tư nước ngoài Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) của Dragon Capital mua thêm hơn 16 triệu cổ phiếu Vietcombank trong 3 tháng (tháng 5, tháng 6, tháng 7) và tuần đầu tháng 8/2020. Đến đầu tháng 8/2020, Quỹ VEIL đang nắm giữ lượng cổ phiếu VCB trị giá khoảng 108 triệu USD, tương ứng 30,5 triệu cổ phiếu VCB (gần 0,82% cổ phần VCB) (BIDV, 2015 - 2021).

Đáng chú ý là sau khi Vietcombank bán thành công 3% cổ phần cho hai đối tác nước ngoài (GIC và Mizuho), đã thu về 6.200 tỷ đồng đầu năm 2019. Tại BIDV, sau khi bán thành công 15% vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc, Ngân hàng này đang có kế hoạch bán tiếp khoảng 6% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài (BIDV, 2015 - 2021).

Một trong số điển hình về ngân hàng TMCP tư nhân thu hút cổ đông nước ngoài, đó là Techcombank, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 22,5% cổ phần tại ngân hàng này. Tập đoàn ngân hàng lớn khác của Nhật Bản cũng đang sở hữu trên 10% vốn cổ phần và là cổ đông chiến lược tại Vietinbank.

Tại Vietcombank (VCB), hiện nay, cổ đông lớn nhất của VCB là NHNN Việt Nam (đại diện vốn nhà nước tại VCB), nắm giữ 74,8% vốn điều lệ. Cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. Ltd nắm giữ 15% vốn điều lệ. Các cổ đông khác (bao gồm tổ chức và cá nhân trong nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài) nắm giữ 10,2% vốn điều lệ của VCB. Tại BIDV, KEB Hana Bank, Co., Ltd sở hữu 11,93% vốn điều lệ, Quỹ ETF VFMVN30 sở hữu 0,03%; Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam sở hữu 0,02%, NHNN sở hữu 64,9%, còn lại là cổ đông khác.

Quỹ đầu tư nước ngoài Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) cũng đang sở hữu tỷ trọng khá vốn cổ phần của ba ngân hàng TMCP tư nhân của Việt Nam trong tỷ trọng cơ cấu danh mục đầu tư, cụ thể tại ACB: 8,18%; tại MBB: 4,03% và tại VPBank: 3,3%. Bên cạnh bốn NHTM đó, Quỹ này cũng đang đầu tư vào nhiều doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, có vai trò lớn trong tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam với tỷ trọng sở hữu trong danh mục đầu tư đến đầu tháng 8/2020 như sau: HPG (7,31%), KDH (6,15%), FPT (4,31%), VNM (3,51%). Mới đây nhất là Aozora Bank của Nhật Bản cũng đang hoàn tất quy trình mua 10% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Do kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các ngân hàng TMCP trong nước đạt kết quả cao và diễn ra liên tục trong nhiều năm nên đến nay, tại một số NHTM Việt Nam, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài còn lại rất thấp (SSI, 2015 - 2021).

Hiện nay, có thể thấy, tại ACB, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đã lên mức cao nhất là 30%. Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đã bán trên 21% cổ phần cho 10 nhà đầu tư nước ngoài, với số vốn họ đã đầu tư là 300 triệu USD (hơn 6.800 tỷ đồng). Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã hết room ngoại khi bán cổ phần cho Warburg Pincus, thu về 370 triệu USD trước thời điểm niêm yết trên sàn Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) năm 2018. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) chốt room ngoại chỉ 20,5%, vì đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là CommonwealthBank of Australia đang nắm giữ 20% cổ phần. Trong khi đó, OCB bán 11% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là Ngân hàng Aozora của Nhật Bản trong tổng room dành cho nhà đầu tư nước ngoài chốt trước đó là 23,66%. Đồng thời, hiện có một quỹ đầu tư của Tập đoàn VinaCapital sở hữu khoảng 5% vốn điều lệ của OCB (BVSC, 2015 - 2021).

Hiện nay, theo quy định tại Luật Các TCTD hiện hành, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, một tổ chức sở hữu không quá 15% vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các ngân hàng là 30%. Trường hợp quy định tại EVFTA có thể cho phép room ngoại của các TCTD châu Âu tại hai ngân hàng TMCP Việt Nam được vượt khỏi mức trần quy định hiện hành (BVSC, 2015 - 2021).

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có NHTM cổ phần nào sẽ đáp ứng được tiêu chí để các TCTD châu Âu nâng room ngoại lên 49%, phía EU sẽ xem xét và phía Việt Nam là Bộ Tài chính và NHNN sẽ cân nhắc. Như vậy, NHTM Việt Nam nào được chọn nới room ngoại của các TCTD châu Âu lên 49% vẫn còn phải chờ đợi sự lựa chọn của cơ quan chức năng. NHTM đó phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao, hoàn tất cả ba trụ cột của Basel II, có quy mô tổng tài sản lớn, nợ xấu thấp, lợi nhuận cao. Bốn NHTM cổ phần quy mô khá, tỷ lệ nợ xấu trong giớ hạn an toàn, lợi nhuận cũng ở mức cao, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn CAR theo quy định của NHNN là: VIB, VPBank, Techcombank, ACB. Đây là những ứng viên tiềm năng có thể được xem xét nới room ngoại theo đề xuất của Ngân hàng châu Âu. Theo EVFTA, giữa Việt Nam và EU sẽ có các cam kết, ưu đãi về thương mại, dịch vụ và đầu tư. Đáng chú ý, đối với dịch vụ ngân hàng, trong vòng 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét tạo thuận lợi, cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong hai ngân hàng TMCP của Việt Nam, không áp dụng với bốn ngân hàng TMCP mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối (SSI, 2015 - 2021).

Triển vọng hút vốn đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đang mở ra với việc EVFTA đang bắt đầu được triển khai thực hiện. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, EU có những quy định rất khắt khe về đầu tư, nhất là đầu tư từ EU ra nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Do đó, lợi thế đầu tiên từ Hiệp định này chính là bảo hộ đầu tư. Lợi thế này có thể làm cho dòng tiền đầu tư từ EU vào Việt Nam mạnh hơn, bao gồm cả FDI và FII, trong đó có đầu tư về công nghệ mới, công nghệ cao, huy động vốn từ châu Âu thông qua các quỹ đầu tư của Việt Nam cũng hấp dẫn hơn nhờ các quy định bảo hộ đầu tư khá chặt chẽ và an toàn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng như: tác động đến dòng ngoại tệ, tỷ giá hối đoái, lãi suất, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền... (BVSC, 2015 - 2021).

Hiệp định cũng mở ra cơ hội các quỹ đầu tư của EU trực tiếp đầu tư vào hệ thống ngân hàng như: mở chi nhánh, mua cổ phần... Tuy nhiên, mảng đầu tư trực tiếp này chỉ là tiềm năng, có thể chưa sôi động trong ngắn hạn, bởi vì châu Âu đã áp dụng khá đầy đủ quy định của Basel II, thậm chí cả Basel III. Mặt khác, họ cũng có khuynh hướng tái cấu trúc lại các tập đoàn tài chính, các NHTM lớn theo hướng không mở rộng quy mô mà chủ yếu tăng chất lượng tài sản để tránh những xung đột pháp lý, xung đột lợi ích, có thể dẫn tới khủng hoảng.

Theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, tỷ lệ cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%. Nhà đầu tư nước ngoài không thể chi phối được các quyết định lớn của NHTM nên họ không mặn mà tham gia. Đây là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài và kể cả NHTM trong nước muốn nới thêm room để có cơ hội hơn trong việc thu hút vốn nước ngoài để tăng vốn điều lệ (SSI, 2015 - 2021).

4. THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO LĨNH VỰC NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM

Vốn FDI thực hiện đối với lĩnh vực ngân hàng chính là thành lập các pháp nhân ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, năm 1994, khi lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam của Mỹ được dỡ bỏ, có ba tập đoàn ngân hàng lớn hàng đầu của Mỹ và thế giới đã nhanh chóng hiện diện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Trong năm 1994, Citigroup cũng được cấp phép thành lập chi nhánh tại Hà Nội; 4 năm sau đó, Citigroup mở chi nhánh phụ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng tại thời điểm ngay sau khi Chính phủ Mỹ bỏ cấm vận, Bank of America, một tập đoàn ngân hàng hàng đầu của Mỹ cũng thành lập chi nhánh tại Hà Nội. Năm 1999, The Chase Manhattant Bank (nay là Ngân hàng JP Morgan Chase, N.A – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) được cấp giấy phép hoạt động. Năm 2019, Ngân hàng này tiếp tục được gia hạn với thời hạn hoạt động của chi nhánh là 99 năm (NHNN Việt Nam, 2015 - 2021). Cũng vào thời điểm sau khi Chính phủ Mỹ dỡ bỏ cấm vận, hàng loạt ngân hàng lớn của các nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đến Việt Nam. Chi nhánh Ngân hàng ABN AMRO Hà Nội được thành lập và hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995 (NHNN Việt Nam, 2015 - 2021).

Cũng tại thời điểm bỏ cấm vận, một loạt ngân hàng lớn của nước ngoài đến từ Đức, Anh, Australia, Hà Lan, Pháp, Nhật Bản… như: HSBC, ANZ, CommonWealth Bank, Deutche Bank, ING Bank, Société Générale, Mizuho Bank, Tokyo and Mishibishi Bank, cũng hiện diện kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, do chiến lược phát triển mạng lưới và chiến lược phát triển thị trường, đến nay, một số ngân hàng lớn của nước ngoài đã rút lui, đóng cửa chi nhánh tại Việt Nam (NHNN Việt Nam, 2015 - 2021). Cụ thể: sau một số năm hoạt động, do chiến lược kinh doanh của ngân hàng mẹ nên đã đóng cửa hoạt động trước thời hạn Chi nhánh Bank of America tại Hà Nội kể từ ngày 16/7/2002; Chi nhánh ABN – AMRO BANK Hà Nội (Hà Lan) từ 15/3/2010; Credit Agricole Corporate and Investment Bank Chi nhánh Hà Nội và Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 3/2014 (NHNN Việt Nam, 2015 - 2021).

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lớn khác của nước ngoài vẫn hiện diện mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, chuyển thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài, một số ngân hàng khác tiếp tục mở mới chi nhánh, mua cổ phần trở thành cổ đông chiến lược tại một số ngân hàng TMCP quy mô lớn tại Việt Nam, hay chuyển mạnh sang bán buôn, bán lại mảng ngân hàng bán lẻ.

5. THỰC TRẠNG NGÂN HÀNG 100% VỐN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Theo cam kết gia nhập WTO, năm 2009, Chính phủ Việt Nam cho phép các ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng khi môi trường hoạt động của ngành ngân hàng có những bước chuyển mình đáng kể trong thu hút vốn FDI vào lĩnh vực ngân hàng.

Thực hiện các quá trình nói trên, tính đến nay đã có trên 23 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự hiện diện hoạt động tài chính, ngân hàng tại Việt Nam. Khối các TCTD nước ngoài đầu tư vốn FDI thành lập và đưa vào hoạt động 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, bao gồm: HSBC, ANZ (Australia), Standard Chartered (Anh), Shinhan Bank (Hàn Quốc), Hong Leong Bank (Malaysia), Public Bank Berhad (Malaysia), Woori Bank (Hàn Quốc), CIMB (Malaysia) và UOB (Singapore) (NHNN Việt Nam, 2015 - 2021).

Các ngân hàng có vốn FDI nước người hoạt động chủ yếu tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, song vẫn vươn ra cung cấp các dịch vụ ngân hàng hiện đại cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam.

6. THỰC TRẠNG DÒNG VỐN FDI DO CÁC NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI ĐƯA VÀO NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

Sự dịch chuyển của các dòng vốn quốc tế đầu tư do các ngân hàng nước ngoài hỗ trợ, cung cấp dịch vụ đưa vào nền kinh tế Việt Nam có thể chia thành ba nhóm:

- Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và dịch vụ;

- Dòng vốn đầu tư gián tiếp: thực hiện đầu tư danh mục: đầu tư thành cổ đông chiến lược tại công ty cổ phần hay NHTM cổ phần, lập quỹ đầu tư, đầu tư trên thị trường chứng khoán, mua lại doanh nghiệp Việt Nam;

- Dòng vốn tín dụng của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cho vay các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Về đối tượng khách hàng trong chiến lược kinh doanh, mang lại doanh thu chính cho các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng được chia thành các nhóm sau đây:

- Các doanh nghiệp FDI cùng quốc tịch (ngân hàng mẹ ở chính quốc), doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp FDI của các nước khác. Ví dụ như một ngân hàng của Pháp sẽ theo các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào Việt Nam, tiếp tục cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng Pháp, nhưng đồng thời cũng tìm kiếm những khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ thương mại, đầu tư với các doanh nghiệp đang ở Pháp. Tương tự, các ngân hàng của Hàn Quốc chuyên phục vụ các doanh nghiệp Hàn Quốc và công dân Hàn Quốc tại Việt Nam. Ngân hàng Nhật Bản có khách hàng đông là các doanh nghiệp cũng đến từ Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam.

- Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh có hiệu quả bền vững, có doanh số xuất - nhập khẩu ổn định, thường có mối quan hệ thương mại, đầu tư với các doanh nghiệp, tổ chức ở chính quốc của ngân hàng đó.

- Công dân nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam; công dân Việt Nam có thu nhập khá trở lên. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng nước ngoài của các nền kinh tế lớn, sau khi ổn định mảng khách hàng doanh nghiệp sẽ mở rộng dịch vụ bán lẻ đến khách hàng cá nhân bằng việc gia tăng sự hiện diện của mình trên thị trường.

7. THỰC TRẠNG MUA, BÁN VÀ SÁP NHẬP (M&A) TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG THỜI GIAN GẦN ĐÂY

Thời gian qua, thị trường mua, bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đã chứng kiến một giao dịch có giá trị rất lớn trong lĩnh vực ngân hàng, trị giá hơn 1 tỷ USD giữa VPBank và Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC CF thuộc Tập đoàn SMBC (Nhật Bản). Theo đó, vào cuối tháng 4/2021, 49% vốn điều lệ tại FE Credit thuộc VPBank đã được chuyển nhượng cho SMBC CF với giá trị lên tới 1,4 tỷ USD, mức cao nhất trong ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam từ trước tới nay (BIDV, 2015 - 2021).

Một giao dịch M&A khác trong lĩnh vực ngân hàng đó là 49% vốn của Công ty Tài chính HD Finance cũng được HDBank bán cho đối tác Nhật Bản là Credit Saigon (sau đổi thành HD Saison). Một giao dịch khác nữa đó là 49% vốn được MB bán của Công ty Tài chính Mcredit sho Shinsei (Nhật Bản) (BIDV, 2015 - 2021).

8. MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ

Một là, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa và Mỹ bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam, cũng như khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO trước năm 2007, rất nhiều lo ngại khi các ngân hàng nước ngoài sẽ lấn át, cạnh tranh áp đảo các NHTM Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn các ngân hàng nước ngoài hợp tác rất toàn diện với hệ thống NHTM Việt Nam, bao gồm cả cho vay hợp vốn, đồng tài trợ, tham gia là cổ đông chiến lược, tư vấn và thúc đẩy các NHTM trong nước đổi mới. Đến nay, nhiều ngân hàng nước ngoài rút khỏi Việt Nam và có nhiều ngân hàng khác mở rộng kinh doanh, thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và chỉ chiếm thị phần 10% đang đóng góp quan trọng vào tái cơ cấu hệ thống TCTD Việt Nam và phát triển thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh mới.

Hai là, các ngân hàng nước ngoài hoạt động kinh doanh bền vững, thận trọng, thực hiện hiệu quả việc quản trị rủi ro. Khi mục tiêu hiệu quả không đạt hay mức độ thua lỗ đến một mức nào đó, họ rất nhanh và dứt khoát ra quyết định cắt lỗ, chỉ duy trì những mảng kinh doanh vẫn còn hiệu quả như khách hàng doanh nghiệp hay kinh doanh nguồn vốn.

Ngoài việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tiếp cho các doanh nghiệp, một hoạt động khá quan trọng của ngân hàng nước ngoài chính là đầu tư. Đó là sự dịch chuyển dòng vốn ngân hàng xuyên biên giới, qua hình thức đầu tư dự án hay đầu tư thành cổ đông chiến lược tại nhiều NHTM Việt Nam hay công ty cổ phần Việt Nam, cung cấp các khoản tín dụng cho các NHTM Việt Nam để cho vay khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam (BVSC, 2015 - 2021).

Ba là, khối ngân hàng nước ngoài đang phân định thành hai mảng rõ rệt: ngân hàng của châu Âu và Mỹ chuyên về bán buôn, khách hàng doanh nghiệp lớn; ngân hàng khu vực châu Á chuyên về bán lẻ, khách hàng cá nhân và SME.

Bốn là, khối ngân hàng nước ngoài chủ động áp dụng các công nghệ hiện đại nhất của thị trường tài chính quốc tế vào hoạt động kinh doanh dịch vụ tiện ích, quản trị điều hành tiên tiến, tư vấn cho doanh nghiệp sở tại trong lĩnh vực tài trợ xuất khẩu, tài trợ thương mại, cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá và tuân thủ thông lệ quốc tế, pháp luật Việt Nam.

9. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Trên thực tế, các NHTM Việt Nam so với ngân hàng các nước trong khối ASEAN và khu vực châu Á còn nhỏ cả về quy mô vốn chủ sở hữu cũng như tổng tài sản. Với việc cho phép nhà đầu tư nước nước ngoài nắm giữ 49% cổ phần một NHTM Việt Nam sẽ tạo cú hích cho giá cổ phiếu ngân hàng, giúp cho các NHTM Việt Nam huy động nguồn vốn quan trọng gia tăng năng lực tài chính, để đáp ứng quy định ngày càng cao hơn theo thông lệ quốc tế của NHNN và nâng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn, năng lực quản trị rủi ro, công nghệ ngân hàng số tương đương các ngân hàng trong khu vực.

Với nhu cầu tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II của hầu hết các ngân hàng, trong thời gian tới, Chính phủ càng sớm nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong một ngân hàng TMCP và nâng tỷ lệ sở hữu của một nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng TMCP. Điều này một mặt nhằm tăng thêm tính hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, mặt khác nếu thiếu dòng vốn ngoại, các ngân hàng trong nước niêm yết cũng thiếu động lực để đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính. Thậm chí, Chính phủ xem xét có thể tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tới tỷ lệ 51%, bởi đây là giải pháp hết sức cấp thiết để đáp ứng nhu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Trong khi đó, thực tế là đa phần các ngân hàng toàn cầu, ngân hàng trong khu vực hiện nay đã phải tuân thủ theo Basel III, có nghĩa khả năng tham gia làm cổ đông chiến lược tại các ngân hàng khác sẽ không còn nhiều như trước đây. Vì vậy, đã đến lúc Chính phủ cần xem xét lại tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam để tăng độ hấp dẫn.

Tại Vietcombank, hiện ngân hàng này vẫn còn room để phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Chính phủ và NHNN cần cho phép nới thêm tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, trong khi vẫn giữ tỷ lệ phần vốn của Nhà nước ở mức 65%. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo NHNN cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các TCTD Việt Nam theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình TCTD phù hợp với các cam kết quốc tế đã ký kết nhằm tăng cường huy động nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị của nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời khuyến khích nhà đầu nước ngoài tham gia xử lý TCTD yếu kém được mở room lên 100%. Chính phủ và NHNN cần hiện thực hóa chủ trương khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng TMCP yếu kém, quy mô nhỏ, tỷ lệ nợ xấu cao, nhiều năm không tăng thêm được vốn chủ sở hữu. Chính phủ cần cho phép nhà đầu tư ngoại mua lại 100% vốn của những ngân hàng TMCP yếu kém, đang trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Đây cũng được xem sẽ là cơ hội cho những NHTM này phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm quản trị quốc tế của các ngân hàng nước ngoài sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những NHTM yếu kém tăng trưởng, phát triển bền vững trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày càng cao, từ đó, tác động tích cực tới thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tất nhiên, để làm được điều này cần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như linh hoạt trong thỏa thuận về giá cả M&A lĩnh vực ngân hàng của hai bên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. BIDV (2015 - 2021),“Báo cáo phân tích kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính định kỳ” của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, hàng tháng, bản cứng, tài liệu lưu hành nội bộ, giai đoạn 2015 - 2021.

2. BVSC (2015 - 2021), Báo cáo phân tích thị trường tài chính hàng tháng, các tháng từ năm 2015 đến tháng 12 năm 2021; file mềm gửi cho nhà đầu tư chứng khoán mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt.

3. NHNN Việt Nam (2015 - 2021), NHNN Việt Nam, truy cập tại www.sbv.gov.vn: Mục: tin tức, văn bản quy phạm pháp luật; thông tin liên quan đã được công bố; truy cập từ 24/2/2022 đến 5/3/2022.

4. VNBA (2015 - 2021), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, truy cập tại www.vnba.org.vn, mục: “Thông tin hoạt động các ngân hàng hội viên, hoạt động của thị trường tài chính”, truy cập từ 24/2/2022 đến 5/3/2022.

TS. Hoàng Văn Hùng, ThS. Nguyễn Quốc Phóng

Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

Tạp chí in số 8/2022
Bạn đang đọc bài viết Phân tích vai trò của các định chế tài chính quốc tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

WB: Kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 13,7% trong quý 3/2022
Theo WB, trong quý 3/2022, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao 13,7% so cùng kỳ năm 2021. Cũng nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp, nên cộng dồn 3 quý đầu năm 2022, chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế đạt 8,9% so cùng kỳ năm trước.