Thủ tướng: Cần tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng cho Đồng bằng sông Cửu Long

21/06/2022, 16:25

TCDN - Thủ tướng Chính phủ khẳng định cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sáng 21/6, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Thủ tướng khẳng định, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đưa ra 6 quan điểm phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); trong đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của vùng; coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Phải đặt vấn đề phát triển vùng trong tổng thể phát triển chung của cả nước, bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021. Tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 42 - 48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao. 

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung xây dựng các kế hoạch và đầu tư cơ sở vật chất nhằm đầu tư toàn diện cho giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường xây dựng các trường đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, nhất là đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; xây dựng các trường đại học có thương hiệu trong nước và khu vực.

Các địa phương vùng ĐBSCL cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.

“Tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt”, Thủ tướng khẳng định.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Trong đó, các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất"; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng, không tác động lớn tới đời sống người dân và tạo ra không gian phát triển mới.

Các địa phương cần nâng cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao chất lượng quản trị, năng lực điều hành; chịu trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng. 

Đẩy mạnh và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch với vùng vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước ở vùng ĐBSCL.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cụ thể hóa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhất là trong đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiến lược. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt việc thực hiện. Đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công tư; huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các mô hình: Lãnh đạo công - quản trị tư; đầu tư công - quản lý tư; đầu tư tư - sử dụng công.

Cùng với đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Các địa phương cần tập trung nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số (PAPI, PAR Index, PCI, DTI…); tăng cường thu hút các dự án đầu tư từ trong và ngoài nước, tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của vùng…

Đại diện 6 ngân hàng phát triển (ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA và WB) cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch. (Ảnh: VGP)

Đại diện 6 ngân hàng phát triển (ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA và WB) cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch. (Ảnh: VGP)

Tại Hội nghị, đã diễn ra lễ trao Hồ sơ quy hoạch cho lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và công bố cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch.

Đây là nội dung thiết thực, có ý nghĩa trong việc hiện thực hóa Quy hoạch vùng và Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, 13 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhóm 6 ngân hàng phát triển (bao gồm: ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA, WB) thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, toàn bộ các dự án của hai Bộ và 13 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được nhóm 6 ngân hàng phát triển bày tỏ quan tâm; với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỷ USD. 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khoản tài trợ 2,2 tỷ USD có vai trò là nguồn vốn "mồi" để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài. 

Lễ trao Hồ sơ Quy hoạch và công bố cam kết tài trợ đã cụ thể hóa bước đầu tiên của quy trình thủ tục, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng cường đầu tư, tạo bước đột phá về hạ tầng trong vùng cũng như thể hiện sự cam kết của các nhà tài trợ.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: Cần tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng cho Đồng bằng sông Cửu Long tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức tổ Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.