Đồng USD suy yếu, giá vàng trong nước chạm mốc 53,4 triệu đồng mỗi lượng
TCDN - Kim loại quý trong nước đã bước vào xu hướng tăng “nóng” trong một tuần gần đây, giá vàng liên tục lập đỉnh mới qua từng ngày. Trong phiên giao dịch sáng nay (23/7), vàng miếng một lần nữa thiết lập đỉnh lịch sử mới.
Đầu giờ sáng nay, hầu hết doanh nghiệp trong nước đều nâng giá bán ra vàng miếng bỏ xa mốc 53 triệu/lượng.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện mua vào vàng miếng ở mức 52,3 triệu/lượng, tăng 200.000 đồng so với chiều qua; giá bán được doanh nghiệp này tăng thêm 350.000 đồng, ở mức 53,2 triệu đồng.
Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại TP.HCM ở mức 52,38-53,38 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng lần lượt 280.000 đồng chiều mua và 330.000 đồng chiều bán so với cuối ngày hôm qua.
Giá bán ra tại thị trường Hà Nội sáng nay cũng đã chạm mốc 53,4 triệu đồng/lượng, cao nhất trong lịch sử giao dịch của SJC.
Sáng nay cũng đánh dấu phiên tăng thứ 7 liên tiếp của vàng trong nước, nâng giá mặt hàng này từ vùng 49 triệu lên 53 triệu đồng chỉ sau hơn 2 tuần.
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) chiều qua niêm yết giá ở mức 52,1-52,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), đến sáng nay đã tăng lên mức 52,3 triệu/lượng (mua) và 53,3 triệu/lượng (bán), tăng hơn nửa triệu sau một đêm.
Cả Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý và Công ty Bảo Tín Minh Châu sáng nay đều tăng giá bán vàng miếng thêm gần nửa triệu đồng, hiện mua vào phổ biến ở mức 52,55 triệu và bán ra ở mức 53,45 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng sáng nay cao hơn đầu năm 10,57 triệu đồng, tương đương mức tăng 24,7% sau gần 7 tháng. Đà tăng này cũng mang lại cho nhà đầu tư từ đầu năm mức lợi nhuận ròng 9,57 triệu/lượng (22,4%).
Vàng trong nước tăng mạnh sáng nay do hưởng lợi từ giá kim loại quý thế giới tăng vào đêm qua (giờ Việt Nam).
Theo đó, vàng giao ngay trên sàn New York (Mỹ) đêm qua đã tăng 29,7 USD/ounce, đóng cửa ở mức 1.871,1 USD, cao nhất trong 9 năm trở lại đây và chỉ thấp hơn giá đỉnh 1.923 USD ghi nhận được hồi 2011.
Tương tự, vàng trên sàn Kitco hiện ở mức 1.866,8 USD/ounce, tăng 25,4 USD so với phiên liền trước.
Giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 8 cũng đã tăng 23,7 USD, hiện cố định ở mức 1.867,5 USD/ounce.
Kim loại quý thế giới cũng chỉ mất hơn một tuần để tăng từ vùng 1.800 USD/ounce lên 1.870 USD hiện tại, đà tăng mạnh nhất trong gần một thập niên của vàng.
Đà tăng của vàng thế giới tuần này có nguyên nhân trực tiếp từ giá trị đồng USD suy yếu.
Theo đó, chỉ số DXY đo giá trị đồng bạc xanh với 6 đồng ngoại tệ lớn khác đã giảm 1,14% trong tuần gần nhất, hiện giao dịch ở mức 94,95 điểm. Đây cũng là vùng thấp nhất của chỉ số này kể từ cú rơi hồi cuối tháng 3 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Việc các ngân hàng trung ương liên tục bơm tiền ra nền kinh tế và chính sách lãi suất thấp khiến dòng tiền đang tràn ngập thị trường và chảy vào cả kênh rủi ro (chứng khoán) lẫn kênh an toàn (vàng, bạc).
Trong khi đó, chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng luôn dẫn đến sự mất giá của các đồng tiền tại mỗi quốc gia áp dụng. Theo giới chuyên gia, sự gia tăng gần đây của giá vàng cũng gắn liền với căng thẳng gia tăng lên một cấp độ mới giữa Mỹ và Trung Quốc khi Mỹ đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Houston.
Nền kinh tế lớn nhất châu Á cũng đe dọa sẽ trả đũa nếu quyết định trên không được rút lại. Trong cuộc trao đổi với Kitco, ông Marc Chandler, chiến lược gia trưởng thị trường tại Bannockburn Global Forex cho rằng, ở môi trường hiện tại, vàng có thể dễ dàng đẩy lên mức 2.000 USD, vấn đề chỉ là khi nào.
Tuy nhiên, Chandler cũng cho biết, các nhà đầu tư nên thận trọng ở vùng hiện tại vì giá vàng đã tăng quá nhanh trong vài phiên gần đây và đôi khi thị trường không đi theo một đường thẳng.
“Nhìn vào các chỉ số kỹ thuật, rất nhiều trong đó đang bị kéo giãn”, ông nói và dự báo sẽ có một đợt điều chỉnh với kim loại quý trong vài phiên tiếp theo.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899