Dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,36 triệu tỷ đồng trong 6 tháng

31/07/2022, 17:16
báo nói -

TCDN - Tính đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng tín dụng toàn hệ thống. Nợ xấu lĩnh vực này khoảng 36.400 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm ngoái.

Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo về việc thời gian qua, một số ngân hàng phản ảnh hết "room" tín dụng là do tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết room mà còn có thể do ngân hàng phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao.

Với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng. 

Cuối tháng 6/2022, dư nợ bất động sản cán mốc trên 2,36 triệu tỷ đồng.

Cuối tháng 6/2022, dư nợ bất động sản cán mốc trên 2,36 triệu tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS rất đa dạng, bao gồm vốn FDI (vốn đầu tư nước ngoài), vốn huy động từ thị trường quốc tế thông qua phát hành TPDN (trái phiếu doanh nghiệp) hoặc vay các tổ chức nước ngoài, huy động từ thị trường chứng khoán, từ phát hành TPDN, nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân và vay từ TCTD. Nguồn vốn tín dụng từ hệ thống TCTD chỉ là một trong số các nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS, nhưng đây là nguồn vốn mang tính chất trọng yếu.

Tính đến hết tháng 6, tín dụng đã tăng 9,35% so với cuối năm 2021 và tăng 16,69% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 3,21% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,49% tổng dư nợ tín dụng.

 
"Tín dụng ngân hàng chỉ giải quyết được các vấn đề trước mắt, tạm thời đối với thị trường bất động sản. Nếu vốn tín dụng đẩy vào thị trường này quá mức sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu đến an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thời gian qua"

Đại diện Ngân hàng Nhà nước

Dư nợ tín dụng BĐS đến cuối tháng 6/2022 đã đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng tín dụng toàn hệ thống và tăng 14,07% so với cuối năm 2021, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống và cùng kỳ các năm trước; trong đó tín dụng đối với BĐS kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS; tín dụng BĐS phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS; nợ xấu lĩnh vực BĐS khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2021.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh quá mức vào BĐS sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu tới an toàn hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung; do nhu cầu tín dụng đối với lĩnh vực BĐS thường có thời gian vay vốn dài (hiện nay khoảng 94% dư nợ tín dụng BĐS có thời gian vay vốn từ 10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của hệ thống TCTD chủ yếu là ngắn hạn với lãi suất thay đổi theo thị trường (80% nguồn vốn huy động của hệ thống TCTD là tiền gửi ngắn hạn), vì vậy TCTD sẽ đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng được nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân.

Do đó, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thời gian qua, thông qua việc thường xuyên rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD (trong đó có lộ trình điều chỉnh giảm dần tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn), tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, đặc biệt tín dụng BĐS.

Được biết, trước năm 2011, tín dụng là kênh cung ứng vốn chủ lực cho nền kinh tế, tăng rất nhanh, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng nhanh; gây bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao ở mức 2 con số, an toàn hệ thống tài chính bị đe dọa nghiêm trọng (bong bóng giá BĐS, chứng khoán), nhiều TCTD yếu kém, rủi ro thanh khoản gia tăng, các TCTD rơi vào "vòng xoáy" đua lãi suất huy động nguồn vốn để cho vay, nợ xấu tăng cao... đặt hệ thống ngân hàng trước nguy cơ tiềm ẩn đổ vỡ. 

Do đó, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng định hướng toàn ngành và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng TCTD nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,36 triệu tỷ đồng trong 6 tháng tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tín dụng toàn nền kinh tế tăng trên 9,3%
Tính đến ngày 30/06/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%).
Dư nợ tín dụng chứng khoán và bất động sản đều tăng
Đến 30/04/2022, dư nợ chứng khoán là 57.523 tỷ đồng, tăng 1,44% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng nhỏ 0,51% tổng dư nợ nền kinh tế; tỷ trọng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trong tổng dư nợ chung ở mức khoảng 20%.
Hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập nguồn vốn trung và dài hạn từ hoạt động tín dụng đầu tư của nhà nước
Trong cơ cấu nguồn vốn hoạt động của các doanh nghiệp, vốn trung và dài hạn là một bộ phận rất quan trọng. Đó chính là nguồn lực giúp doanh nghiệp mua sắm tài sản cố định ban đầu cũng như đầu tư mở rộng nhà xưởng, thiết bị hoặc đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.