Hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập nguồn vốn trung và dài hạn từ hoạt động tín dụng đầu tư của nhà nước

24/06/2022, 10:22

TCDN - Trong cơ cấu nguồn vốn hoạt động của các doanh nghiệp, vốn trung và dài hạn là một bộ phận rất quan trọng. Đó chính là nguồn lực giúp doanh nghiệp mua sắm tài sản cố định ban đầu cũng như đầu tư mở rộng nhà xưởng, thiết bị hoặc đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

1-1

Tóm tắt

Bài viết nghiên cứu chính sách tín dụng đầu tư (TDĐT) của Nhà nước và thực trạng hoạt động cho vay nguồn vốn này đối với doanh nghiệp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Trên cơ sở phân tích các quy định về TDĐT của Nhà nước, đặt trong mối tương quan với quy định áp dụng đối với hoạt động cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại (NHTM), bài viết chỉ ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn TDĐT của Nhà nước, tác giả đề xuất một số giải pháp khắc phục những bất cập liên quan đến danh mục dự án vay vốn, lãi suất cho vay và bảo đảm tiền vay.

1. Đặt vấn đề

Trong cơ cấu nguồn vốn hoạt động của các doanh nghiệp, vốn trung và dài hạn là một bộ phận rất quan trọng. Đó chính là nguồn lực giúp doanh nghiệp mua sắm tài sản cố định ban đầu cũng như đầu tư mở rộng nhà xưởng, thiết bị hoặc đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh (SXKD).

Để hình thành các tài sản nói trên, doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn vốn trung và dài hạn từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả vốn đầu tư của chủ sở hữu hoặc vốn huy động. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp thường được tạo lập thông qua hoạt động đi vay, trong đó phổ biến là vay vốn từ các NHTM.

Về lý thuyết, trong nền kinh tế hiện đại, các NHTM chủ yếu cho vay nguồn vốn có kỳ hạn ngắn, còn việc cung ứng các nguồn vốn có kỳ hạn dài hơn thường được thực hiện thông qua thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ở nước ta, việc tạo lập nguồn vốn trung và dài hạn vẫn được thực hiện chủ yếu thông qua các NHTM. Bằng chứng là liên tục trong nhiều năm, dư nợ tín dụng trung và dài hạn vẫn chiếm hơn một nửa tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, mà trong đó chủ yếu là dư nợ do các NHTM tạo ra. 

1_Hinh1

Với nguồn vốn được tạo lập chủ yếu từ tiền gửi của khách hàng mà trong đó đại bộ phận có kỳ hạn ngắn, cơ cấu cho vay như trên tạo ra rủi ro rất lớn về thanh khoản cho các NHTM, đe doạ thanh khoản của từng ngân hàng nói riêng và cả hệ thống ngân hàng nói chung. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) liên tục điều chỉnh tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn mà NHTM được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo hướng giảm dần, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

1_Hinh2

Trong bối cảnh đó, việc tạo lập nguồn vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường chứng khoán và các kênh cung ứng vốn trung và dài hạn khác ngoài NHTM. Tuy nhiên, với những điều kiện chặt chẽ mà pháp luật Việt Nam quy định cho việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu như hiện nay, thị trường chứng khoán vẫn chưa trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn phổ biến cho doanh nghiệp. Nguyên nhân là do chỉ có công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hữu hạn mới được phép phát hành chứng khoán, trong đó nhiều công ty không đáp ứng được các yêu cầu về tình hình tài chính để phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu. Chính vì vậy, đi vay từ các nguồn tín dụng trung và dài hạn khác ngoài NHTM vẫn là một lựa chọn quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp ở nước ta hiện nay.

Trong bài viết dưới đây, tác giả nghiên cứu về hoạt động cho vay trung và dài hạn đối với các doanh nghiệp từ một kênh ngoài NHTM - đó là TDĐT của Nhà nước. Bài viết tập trung làm rõ những vướng mắc trong hoạt động cung ứng nguồn vốn này thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm mở rộng hơn nữa khả năng tạo lập nguồn vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới.

2. Hoạt động cho vay vốn TDĐT của Nhà nước đối với doanh nghiệp ở Việt Nam

TDĐT của Nhà nước là một biện pháp hỗ trợ về nguồn vốn trung và dài hạn đối với doanh nghiệp dưới hình thức cho vay thông qua một định chế tài chính chuyên biệt do Nhà nước thành lập là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để đầu tư vào một số loại dự án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng thuộc những ngành nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn mà Nhà nước khuyến khích. Đối tượng sử dụng vốn TDĐT của Nhà nước là các dự án thuộc danh mục do Chính phủ quy định từng thời kỳ, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển công nghiệp. Ngoài ra, nguồn vốn TDĐT của Nhà nước còn tài trợ cho một số loại dự án đầu tư được thực hiện tại một số địa bàn thuộc diện ưu tiên theo chính sách của Nhà nước (địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135 và các xã biên giới thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang…).

Kể từ khi thành lập (2006) đến nay, VDB đã cho các doanh nghiệp vay hơn 250 nghìn tỷ đồng vốn TDĐT của Nhà nước để đầu tư vào các dự án thuộc danh mục do Chính phủ quy định. Tính chung trong giai đoạn 2006-2020, số vốn TDĐT của Nhà nước mà các doanh nghiệp được vay chiếm gần 1,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tương đương khoảng 0,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP) cùng thời kỳ.

Điểm nổi bật của nguồn vốn TDĐT của Nhà nước là thời hạn cho vay khá dài, tối đa có thể lên đến 15 năm hoặc thậm chí dài hơn . Bên cạnh đó, lãi suất TDĐT của Nhà nước cũng thường thấp hơn so với lãi suất cho vay của các NHTM và tổ chức tín dụng thông thường khác. Chẳng hạn, theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 76/2015/TT-BTC, từ ngày 19/05/2015 đến nay, lãi suất TDĐT của Nhà nước được ấn định ở mức 8,55%/năm, trong khi lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân trên thị trường thường dao động quanh mức 10%/năm.

1_Hinh3

Với những ưu điểm như trên, trong những năm qua, TDĐT của Nhà nước đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp có đủ nguồn vốn trung và dài hạn để thực hiện nhiều dự án lớn và quan trọng như: Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Ninh Bình, Vệ tinh Vinasat 1 và 2, Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Nhà máy sữa TH...

Tuy nhiên, từ năm 2011 trở lại đây, quy mô TDĐT của Nhà nước có xu hướng tăng trưởng chậm lại và giảm dần. Nếu như trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng dư nợ TDĐT của Nhà nước đạt bình quân 17,6%/năm, thì sang năm 2011, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 12,7% và trong cả giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ đạt 0,03%/năm. Đặc biệt từ sau năm 2013, dư nợ TDĐT của Nhà nước hàng năm đều giảm. Tính chung từ năm 2014 đến hết năm 2021, dư nợ TDĐT của Nhà nước giảm bình quân 9,52%/năm.

1_Hinh4

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng và quy mô cho vay vốn TDĐT của Nhà nước trong thời gian qua, trong đó có thể kể đến những nguyên nhân cơ bản là sự thu hẹp danh mục đối tượng sử dụng vốn TDĐT của Nhà nước cùng với việc giảm dần các ưu đãi đối với doanh nghiệp vay vốn, đặc biệt là lãi suất cho vay và bảo đảm tiền vay.

Thứ nhất, về đối tượng sử dụng vốn TDĐT của Nhà nước

Trước đây, theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng vay vốn TDĐT của Nhà nước được quy định gồm rất nhiều loại dự án (không phân biệt dự án nhóm A, nhóm B hay nhóm C).

Song đến khi Nghị định 75/2011/NĐ-CP ra đời thay thế cho Nghị định số 151/2006/NĐ-CP và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP, có khá nhiều loại dự án đã bị loại khỏi danh mục đối tượng vay vốn TDĐT của Nhà nước. Điều đáng nói là trong số các dự án bị đưa ra khỏi danh mục nói trên, có những loại dự án đã từng được vay vốn TDĐT của Nhà nước với khối lượng lớn trong giai đoạn trước khi 75/2011/NĐ-CP có hiệu lực, chẳng hạn như các dự án đầu tư xây dựng thuỷ điện công suất trên 50MW. Ngoài ra, một số loại dự án thuộc đối tượng vay vốn theo quy định của Nghị định số 75/2011/NĐ-CP cũng phải đáp ứng yêu cầu cao hơn về mục tiêu đầu tư so với quy định tại các Nghị định bị thay thế. Chẳng hạn, theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP thì dự án xây dựng mới, mở rộng cơ sở chăn nuôi hoặc giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đều thuộc đối tượng vay vốn TDĐT của Nhà nước, tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, để được vay vốn TDĐT của Nhà nước thì các dự án loại này phải đáp ứng được mục tiêu chăn nuôi gắn với chế biến công nghiệp. Đồng thời, điều kiện về quy mô của các dự án loại này cũng được điều chỉnh theo hướng chỉ cho vay đối với dự án nhóm A và nhóm B, thay vì không phân biệt quy mô như quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP.

Đến năm 2017, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 75/2011/NĐ-CP thì danh mục đối tượng vay vốn TDĐT của Nhà nước thậm chí còn thu hẹp hơn, chỉ còn lại 19 loại dự án.

Thứ hai, về lãi suất cho vay

Theo cơ chế chung, lãi suất TDĐT của Nhà nước thường được ấn định với mức thấp hơn so với mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế thì không phải trong trường hợp nào, lãi suất này cũng thấp hơn lãi suất cho vay cùng kỳ hạn của NHTM. Nguyên nhân là do tại mỗi thời điểm, chỉ có một mức lãi suất TDĐT của Nhà nước được công bố, trong khi các NHTM lại thực hiện chính sách phân biệt lãi suất theo khách hàng với mức lãi suất cho vay dành cho các doanh nghiệp uy tín thường thấp hơn rất nhiều so với khách hàng khác. Chẳng hạn, số liệu từ báo cáo thường niên của NHNN cho thấy, lãi suất cho vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam (VND) đối với khách hàng tốt trên thị trường năm 2012 chỉ khoảng 9-11%/năm, năm 2013 chỉ khoảng 6,5-7%/năm, năm 2014 chỉ khoảng 5-6%/năm…

1_Hinh5

Ngoài ra, với việc các NHTM được cho vay bằng ngoại tệ theo lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay bằng VND, các doanh nghiệp cũng có thể vay vốn trung và dài hạn bằng ngoại tệ tại NHTM với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất TDĐT của Nhà nước. 

1_Hinh6

Trong trường hợp doanh nghiệp vay vốn trung và dài hạn tại NHTM để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là lĩnh vực có nhiều dự án thuộc đối tượng vay vốn TDĐT của Nhà nước) thì doanh nghiệp còn có cơ hội được áp dụng mức lãi suất vay vốn thấp hơn nữa, theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, với việc NHNN quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với nhu cầu vốn phục vụ SXKD trong một số lĩnh vực ưu tiên (bao gồm: phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển công nghiệp hỗ trợ; kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), nhiều doanh nghiệp có dự án đầu tư vào các lĩnh vực này, thay vì lựa chọn vay vốn TDĐT của Nhà nước, đã lựa chọn vay vốn trung và dài hạn tại các NHTM để thuận tiện cho việc tiếp tục vay vốn lưu động của các ngân hàng này với lãi suất ưu đãi sau khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

1_Hinh7

Thứ ba, về bảo đảm tiền vay

Trước đây, theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp vay vốn TDĐT của Nhà nước được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm tiền vay; trường hợp tài sản hình thành từ vốn vay không đủ điều kiện bảo đảm tiền vay, doanh nghiệp vay vốn phải sử dụng tài sản hợp pháp khác để bảo đảm tiền vay với giá trị tối thiểu bằng 15% tổng mức vay vốn. Tuy nhiên, từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, các doanh nghiệp vay vốn TDĐT của Nhà nước phải thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định chung của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Trong khi đó, quy định về bảo đảm tiền vay áp dụng cho các NHTM càng ngày càng trở nên thông thoáng. Các ngân hàng này cũng được phép sử dụng biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, đồng thời được quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của NHNN. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các doanh nghiệp còn có thể được vay vốn tại NHTM mà không có tài sản bảo đảm tiền vay với mức vay ngày càng cao. Chẳng hạn, tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, Chính phủ cho phép các NHTM được xem xét cho khách hàng vay vốn để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định hiện hành. Đến khi Nghị định số 41/2010/NĐ-CP được thay thế bởi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, Chính phủ còn quy định rõ khách hàng SXKD trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được NHTM cho vay không có tài sản bảo đảm với mức vốn vay tối đa lên đến 3 tỷ đồng. Thậm chí, đối với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, Chính phủ còn cho phép NHTM xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70-80% giá trị của dự án, phương án SXKD, tuỳ từng trường hợp. 

1_Bang1

Cùng với nguyên nhân từ sự thu hẹp danh mục dự án vay vốn và các điều kiện ưu đãi như trên, từ năm 2017 trở lại đây, sự sụt giảm quy mô cho vay vốn TDĐT của Nhà nước đối với doanh nghiệp còn bắt nguồn từ một nguyên nhân rất quan trọng khác là do chưa xác định được tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro làm cơ sở xác định lãi suất TDĐT để cho vay với các dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP . Vì vậy, kể từ khi Nghị định này có hiệu lực, không có thêm bất kỳ một dự án đầu tư nào của doanh nghiệp được tiếp nhận để cho vay vốn TDĐT của Nhà nước, mà chỉ có các dự án đã ký hợp đồng tín dụng trước đó được tiếp tục giải ngân số vốn vay theo cam kết tại hợp đồng tín dụng.

3. Một số đề xuất nhằm mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập nguồn vốn trung và dài hạn từ hoạt động TDĐT của Nhà nước

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 01/2021) thông qua đã xác định đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kết cấu hạ tầng là những nhóm giải pháp quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu được đặt ra. Trong các nhóm giải pháp này, Chiến lược đã chỉ ra rất nhiều ngành nghề và lĩnh vực cần được phát triển mạnh , trong đó có nhiều ngành nghề, lĩnh vực mà VDB đã có kinh nghiệm cho vay vốn TDĐT của Nhà nước qua các thời kỳ, như nông nghiệp, công nghiệp, kết cấu hạ tầng… Để đáp ứng yêu cầu về phát triển các ngành và lĩnh vực nói trên, Chiến lược dự kiến trong giai đoạn 2021-2030, nền kinh tế sẽ phải huy động một lượng vốn đầu tư rất lớn, lên tới 33-35% GDP.

Trong bối cảnh các NHTM bị hạn chế khả năng sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, còn thị trường chứng khoán chưa trở thành kênh huy động vốn phổ biến - như đã phân tích ở phần đầu bài viết, thì việc tiếp tục sử dụng TDĐT của Nhà nước như một kênh tạo lập nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của nền kinh tế. Với nguồn vốn được hình thành chủ yếu thông qua việc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh mà trong đó, trái phiếu có kỳ hạn dài chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, TDĐT của Nhà nước rất có ưu thế trong việc cung ứng vốn cho doanh nghiệp để đầu tư vào các dự án có thời hạn thu hồi vốn kéo dài.

1_Hinh8

Tuy nhiên, để có thể phát huy được ưu thế đó nhằm đáp ứng tốt yêu cầu vay vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp để phục vụ hoạt động đầu tư phát triển của nền kinh tế, thì chính sách TDĐT của Nhà nước cần có một số điều chỉnh nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp đối với nguồn vốn này. Từ kết quả phân tích các nguyên nhân cơ bản làm hạn chế hoạt động cho vay vốn TDĐT của Nhà nước đối với các doanh nghiệp như đã trình bày ở phần trên của bài viết, tác giả đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi, hoàn thiện một số quy định về TDĐT của Nhà nước như sau:

Một là, xác định lại danh mục các dự án được vay vốn TDĐT của Nhà nước theo hướng xem xét bổ sung có chọn lọc một số loại hình dự án đầu tư được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 như đã chỉ ra ở phần trên, đặc biệt là những loại dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và phát triển kết cấu hạ tầng.

Hai là, áp dụng chính sách phân biệt lãi suất cho vay theo khách hàng thông qua việc cho phép VDB tự quyết định lãi suất cho vay vốn TDĐT của Nhà nước đối với từng doanh nghiệp vay vốn phù hợp với mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp, tạo điều kiện để những doanh nghiệp có uy tín được vay vốn với lãi suất thấp hơn so với mức lãi suất TDĐT của Nhà nước được xác định theo cơ chế hiện nay (bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu kỳ hạn 5 năm cộng tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của VDB). Theo chính sách này, VDB có thể áp dụng tỷ lệ chi phí quản lý và dự phòng rủi ro ở mức thấp nhằm giảm lãi suất cho vay đối với những doanh nghiệp có uy tín.

Ba là, sửa đổi quy định về bảo đảm tiền vay đối với các dự án vay vốn TDĐT của Nhà nước theo hướng cho phép VDB quyết định việc cho vay có tài sản bảo đảm hoặc không có tài sản bảo đảm và tỷ lệ bảo đảm tiền vay của từng dự án. Theo cơ chế này, ngoài việc thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, các doanh nghiệp có dự án đầu tư đề nghị vay vốn được VDB đánh giá có hiệu quả hoặc doanh nghiệp được VDB đánh giá có khả năng trả nợ từ các nguồn thu khác ngoài dự án đề nghị vay vốn có thể được VDB cho vay không cần tài sản bảo đảm khác hoặc chỉ yêu cầu áp dụng tỷ lệ bảo đảm tiền vay thấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này có thể sử dụng vốn TDĐT của Nhà nước để triển khai các dự án một cách thuận lợi mà không quá phụ thuộc vào tài sản bảo đảm tiền vay.

Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách như trên, để đáp ứng yêu cầu về việc mở rộng khả năng của doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn TDĐT của Nhà nước thì VDB, với tư cách là cơ quan trực tiếp thực thi chính sách, cần chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng làm cơ sở quyết định lãi suất cho vay và biện pháp bảo đảm tiền vay phù hợp với hiệu quả và mức độ rủi ro của các dự án cũng như doanh nghiệp đề nghị vay vốn. Cùng với đó, VDB phải có biện pháp nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng nhằm giảm thiểu các tổn thất và chi phí phát sinh trong hoạt động TDĐT của để có thể hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Ngoài ra, VDB cũng cần chủ động và tích cực làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt tỷ lệ chi phí quản lý của VDB, làm cơ sở xác định lãi suất TDĐT của Nhà nước để tiếp tục cho vay đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp ngoài những dự án đã ký hợp đồng tín dụng trước ngày Nghị định số 32/2017/NĐ-CP có hiệu lực.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, truy cập tại https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-10-nam-2021-2030-3735

2. Nguyễn Cảnh Hiệp (2016), “Đổi mới hoạt động tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 8 (459), tháng 8/2016

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2011-2021), Báo cáo thường niên 2010-2020, truy cập tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/faces/menu/rm/apph/bctn

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2022), “Diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng tháng 12.2021”, truy cập tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/faces/menu/sm/tcbc/ttvhdnhtt

5. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (2011-2021), Báo cáo thường niên 2010-2020, truy cập tại https://vdb.gov.vn/chuyen-muc/37/bao-cao-thuong-nien.aspx

6. Tổng cục Thống kê (2020-2021), Niên giám Thống kê Việt Nam 2019-2020, NXB Thống kê, Hà Nội

TS. Nguyễn Cảnh Hiệp

Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Tạp chí in số tháng 6/2022
Bạn đang đọc bài viết Hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập nguồn vốn trung và dài hạn từ hoạt động tín dụng đầu tư của nhà nước tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan