Pháp luật Việt Nam đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả trong thương mại điện tử - thực tiễn và kiến nghị

30/05/2022, 09:37

TCDN - Phát hiện hàng giả trên thị trường không khó vì chúng được bày bán khá công khai ở những nơi công cộng, nhiều loại chỉ cần nhìn mắt thường cũng biết là hàng giả, nhưng cũng không dễ để xác nhận rằng chúng là hàng giả trước khi xử lý chúng.

Tóm tắt

Nhờ sự bùng nổ của Internet và điện thoại thông minh, các hoạt động kinh doanh qua mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thương mại quốc tế; đặc biệt, đại dịch Covid-19 càng làm tăng tầm ảnh hưởng của thương mại điện tử. Trong bài viết, nhóm tác giả đề cập tới tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả trong thương mại điện tử hiện nay theo pháp luật Việt Nam; phân tích về khái niệm hàng giả theo pháp luật hiện hành, chỉ ra đặc điểm của hàng giả về nội dung và hàng giả về hình thức; những tồn tại và hạn chế trong thực tiễn đấu tranh với tội sản xuất, buôn bán hàng giả trong thương mại điện tử, qua đó đề xuất thêm những kiến nghị, giải pháp.

1. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập thông tin: trên cơ sở các nguồn thông tin thứ cấp của các công trình khoa học đi trước. Nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập dữ liệu thứ cấp từ các ấn phẩm, nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí, các nghiên cứu khoa học liên quan tới việc xử lý tội buôn bán hàng giả trong thương mại điện tử trên trang dữ liệu trực tuyến Google Scholar, trang thông tin điện tử Sci-hub,… sau đó tiến hành tổng hợp, so sánh đối chiếu và thống kê thông tin để phân tích và làm sáng tỏ các nội dung liên quan đến cơ sở lý luận của đề tài.

Phương pháp định tính: Nghiên cứu định tính đối với nghiên cứu này với ba chủ đề chính đó là: thực trạng tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả ở nước ta hiện nay, qua đó liên hệ với tình hình hàng giả trong TMĐT; những tồn tại, hạn chế của pháp luật Việt Nam khi xử lý tội sản xuất, buôn bán hàng giả và thực tiễn trong TMĐT; qua đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của pháp luật Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng chống các tội phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả trong TMĐT.

Phương pháp phân tích và tổng hợp thông tin thứ cấp: sử dụng trong việc tìm hiểu thông tin liên quan tới bài nghiên cứu qua các báo cáo, luận án trong nước và quốc tế về pháp luật; bên cạnh đó, nghiên cứu quá trình phát triển và sự thịnh hành của thị trường mua bán hàng hóa qua MXH. Từ những thông tin này đưa ra cơ sở lý thuyết cho đề tài và tiến hành nghiên cứu cũng như các giả thuyết để kiểm chứng.

2. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

2.1. Vai trò công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm tội phạm liên quan đến hàng giả

Ngày nay, trong điều kiện kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đó cũng là điểm sáng giúp nền kinh tế Việt Nam sánh cùng bạn bè quốc tế, đưa các sản phẩm của người dân Việt Nam ra đông đảo thị trường lớn của thế giới. Tuy nhiên, đi cùng những cơ hội ấy thì cũng đặt ra cho nước ta rất nhiều những thách thức, trong đó phải kể đến công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm liên quan đến hàng giả.

Kinh tế càng mở cửa, kéo theo việc thương mại điện tử càng phát triển nhanh, hàng giả sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp hơn, mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Phát hiện hàng giả trên thị trường không khó vì chúng được bày bán khá công khai ở những nơi công cộng, nhiều loại chỉ cần nhìn mắt thường cũng biết là hàng giả, nhưng cũng không dễ để xác nhận rằng chúng là hàng giả trước khi xử lý chúng. Theo luật, để xử lý được hàng giả cần phải có đánh giá, giám định để tìm ra sản phẩm giả. Nhiều mặt hàng giả, chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy. Theo quy định của pháp luật, người vi phạm phải tự trả phí giám định nhưng hầu như không có đương sự nào tự nguyệt chịu nộp và việc cưỡng chế thi hành cũng khó khăn.

Theo quy định của pháp luật, người vi phạm phải tự trả phí giám định nhưng hầu như không có đương sự nào tự nguyệt chịu nộp và việc cưỡng chế thi hành cũng khó khăn. Rõ ràng, nếu như không có hàng giả trà trộn trên thị trường, sẽ đỡ nhiều phần việc gây tốn thời gian, chi phí và công sức để các cơ quan chức năng, các ban ngành tiến hành giám định, xử lý và đặc biệt là việc tiêu hủy. Việc tiêu hủy hàng giả vừa gây ô nhiễm môi trường, cũng là lãng phí nguồn nguyên vật liệu và công sức của người lao động.

Ngoài ra, sức khỏe người tiêu dùng rất cần được bảo đảm. Bên cạnh một số người mua nhầm hàng giả vì khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả thì vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả nhưng vẫn không có động thái phù hợp để giúp cơ quan chức năng, doanh nghiệp kịp thời thực hiện các biện pháp quản lý thị trường có khi người tiêu dùng còn chấp nhận bởi loại hàng hóa này phù hợp với túi tiền của họ. Nhiều người đã gián tiếp tiếp tay các sản phẩm giả trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi ngày càng chiếm thị phần trên thị trường.

2.2. Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả qua thương mại điện tử những năm vừa qua tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và cung ứng hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ và công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.

Với 65 triệu người dùng Internet, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2025 được dự kiến là 43%. Riêng năm 2020, doanh thu từ TMĐT dự kiến sẽ vượt 13 tỷ USD. Vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các giao dịch và mua hàng trực tuyến thông qua nền tảng điện tử ngày càng trở nên nở rộ , tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, uy tín.

4_Hinh1
4_Hinh2

Theo khảo sát năm 2021, khách hàng Thương mại điện tử muốn giao hàng nhanh, chi phí thấp và dịch vụ tốt. Thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt bởi sự tham gia của nhiều đối thủ lớn trong và ngoài nước. Các công ty truyền thông như Viettel Post, VNPost,... còn các công ty nước ngoài như FedEx, UPS, DHL và nhiều công ty công nghệ, các siêu ứng dụng... tham gia. Người mua hàng trực tuyến thống kê có tới hơn 80% vẫn lựa chọn hình thức thanh toán đơn hàng bằng tiền mặt. Hiện nay chỉ có khoảng gần 11% số doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản liên quan đến theo dõi và truy xuất hàng hóa, hệ thống giao nhận, kho bãi…

4_Hinh3

Ngay cả việc kinh doanh B2B, hiện nay doanh nghiệp cũng đã dần chuyển hướng qua các nền tảng mới này. Xu hướng kinh doanh qua sàn giao dịch thương mại điện tử và các mạng xã hội đang dần tăng cao trong những năm gần đây.

Nhưng với những tiến bộ tích cực, cũng có một số yếu tố tiêu cực trong thương mại điện tử. Tình trạng cung cấp hàng giả trên các trang TMĐT, mạng xã hội… ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều phức tạp. Hiện nay, tình trạng giao dịch các mặt hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các website TMĐT, đặc biệt là các sàn TMĐT công khai, kể cả mạng xã hội... ngày càng nhiều, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh chung và cả niềm tin của người tiêu dùng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục QLTT đã tiến hành kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm, phạt tiền hơn 16 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 40 tỷ đồng gồm những hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.

Các đối tượng tham gia mua bán, cung cấp hàng giả chủ yếu là các doanh nghiệp hoặc cá nhân nhỏ lẻ, thậm chí có cả học sinh, sinh viên. Đưa ra mức giá rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng để thu hút người tiêu dùng mua và sử dụng; sử dụng các sản phẩm có thương hiệu nhưng giá thành rẻ như đồng hồ, mắt kính, quần áo, giày dép... đó là những chiêu trò chào hàng của những đối tượng đang kinh doanh các mặt hàng giả trên các trang mạng, website TMĐT. Đặc biệt có các trang mạng xã hội còn cung cấp các sản phẩm bị cấm, như xì gà nhập lậu, vũ khí,... Sau đó, khi người tiêu dùng đồng ý mua hàng thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian, không dùng tiền mặt (chuyển khoản của bên thứ ba, thẻ cào viễn thông, phương thức thanh toán bằng mã QR) hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng, vận chuyển, giao hàng thu tiền hộ để thanh toán. Khách hàng khi nhận hàng thực chất là hàng giả không đúng nguồn gốc xuất xứ.

Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, địa chỉ không có thật hoặc giả mạo để giao dịch nhưng thu gom và cất giữ hàng hóa ở nhiều nơi khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi kinh doanh vừa làm nơi ở, do đó gây khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý vi phạm.

Những người sử dụng thương mại điện tử để xử lý hàng giả hoặc hàng hóa có dấu hiệu hoạt động bất hợp pháp thường có trình độ chuyên môn và kiến thức cụ thể về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách... Họ đang kinh doanh hàng hóa vi phạm bằng cách sử dụng những tiến bộ mới nhất của công nghệ Internet. Họ sử dụng công nghệ bán hàng đa kênh và ở một nơi, nhưng lại có thể quản lý việc bán hàng của mình từ các điểm khác nhau. Ngoài ra, họ còn sử dụng hợp lý các công cụ tiếp thị trực tuyến; đầu tư mạnh vào các tiện ích mạng xã hội để thu hút người mua... Đồng thời, họ sử dụng công nghệ để trốn tránh cơ quan chức năng, xóa dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng, gây phiền hà cho khách hàng.

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tổng mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT trên môi trường Internet trong năm 2015 là 3,5 tỷ đồng, năm 2016 là 4,5 tỷ đồng, năm 2017 gần 6 tỷ đồng và năm 2018 là trên 7 tỷ đồng, trong đó Cục TMĐT và KTS đã thực hiện thanh tra tại 2 đơn vị và kiểm tra 8 đơn vị và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tổng mức xử phạt gần 430 triệu đồng.

Năm 2019, Cục TMĐT và KTS đã chủ trì tiến hành kiểm tra và thanh tra theo Kế hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 5004/QĐ-BCT và Quyết định số 4374/QĐ-BCT và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp vi phạm với tổng mức xử phạt vi phạm hành chính hơn 576 triệu đồng.

Thông qua nghiên cứu từ thực tế kết hợp với các bài khảo sát, tạp chí khoa học, nhóm tác giả thấy rằng cuộc chiến đấu tranh với hàng giả, hàng vi phạm SHTT trên các sàn TMĐT trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về TMĐT nhưng khuôn khổ pháp lý về TMĐT đặc biệt đối với vấn đề bảo vệ quyền SHTT trong môi trường này vẫn chưa theo kịp thực tế.

Còn đối với người bán, khi tham gia sàn giao dịch TMĐT phải cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT. Đồng thời cần tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền lợi NTD và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT.

Hiện nay, do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và Internet dẫn đến nhiều mô hình TMĐT mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở 2 mô hình phổ biến là website TMĐT, website cung cấp dịch vụ TMĐT như trước đây. Các giao dịch và dịch vụ không còn ở phạm vi một quốc gia mà mang tính xuyên biên giới, đa dạng về đối tượng tham gia, và phức tạp trong cách thức hoạt động.

2.3. Những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh với tội buôn bán hàng giả qua thương mại điện tử

Về công tác quản lý của cục quản lý thị trường: Việc mua bán hàng hóa trực tuyến đã trở thành “thiên đường” của hàng giả do sự kiểm soát của cơ quan quản lý trong một số khâu như thanh toán, giao hàng, kiểm tra tính hợp pháp và chất lượng món hàng là chưa cao.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường thống kê, ngày 18/3/2020, tổ công tác 368 gồm Tổng cục quản lý thị trường, cục thương mại điện tử và Kinh tế số cùng một số cục quản lý thị trường tại địa phương đã tiến hành phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh xác minh thông tin, kiểm tra đối với chuỗi các cửa hàng mỹ phẩm, thực phẩm tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, những trường hợp vi phạm rõ ràng chưa có biện pháp bắt khẩn cấp để ngăn chặn, xử lý kịp thời nhưng lại phải thông qua nhiều quy trình phức tạp như xác minh chủ sở hữu trang web, chủ thể đăng ký, giao dịch sàn thương mại điện tử, kiểm tra, lập biên bản vi phạm,.. Hơn nữa, các nhà QLTT cần tăng cường quản lý và kiểm tra các sàn TMĐT, cần quy định rằng các sàn TMĐT và người bán hàng trên sàn TMĐT phải thống kê, lưu giữ tất cả các giao dịch trên hệ thống để phục vụ công tác truy xuất các giao dịch và nguồn gốc hàng hóa.

Về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong Thương mại điện tử: Bên cạnh sự phát triển tích cực, thương mại điện tử cũng tồn tại những hạn chế như tình trạng chào bán hàng giả trên các trang TMĐT có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp. Và tình hình buôn bán hàng giả trên các trang web TMĐT, đặc biệt sàn giao dịch TMĐT,.. đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, khi nhận hàng hóa, NTD cần phải xem xét kỹ hàng hóa về mặt chất lượng, có nhãn hiệu hàng hóa, có mã QR để kiểm tra thông tin hoặc những giấy tờ bảo hành kèm theo phải có đầy đủ thông tin theo quy định. Các giao dịch được thực hiện khi mua bán hàng phải có đầy đủ giấy tờ, chứng từ để minh chứng việc giao dịch. Bên cạnh đó, nếu gặp các trường hợp mua bán hàng hóa vi phạm các quy định của pháp luật thì phải báo ngay với các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

Về thị trường của người bán hàng qua thương mại điện tử

Những đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả có dấu hiệu vi phạm pháp luật thường có trình độ và am hiểu về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách cho việc buôn bán này.

Còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc chủ động điều tra, phát hiện các hành vi vi phạm trên mạng, bởi các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là hàng chính hãng nhưng khi giao hàng thì là hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, không đảm bảo chất lượng.

Hơn nữa, các đối tượng này thường có quy mô kinh doanh nhỏ lẻ, không có sẵn hàng, địa điểm cất giấu hàng hóa linh động, không cố định nên việc điều tra rất khó phát hiện để có thể xử lý vi phạm. Khó khăn hơn là đối với những loại hàng hóa nước ngoài không phân phối chính hãng, không có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Ý thức trách nhiệm của các nhà sản xuất chưa tốt, chưa nhận thức được chủ thể quyền về Sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế, chưa chủ động thực hiện bảo vệ quyền và tài sản của mình mà trông chờ vào các cơ quan thực thi pháp luật. Có những doanh nghiệp còn tư tưởng muốn “đánh cắp” tư duy, thành quả sở hữu trí tuệ. Thậm chí nhiều mặt hàng còn ngoại nhập chưa thể sản xuất được trong nước để thay thế; theo quy luật của thị trường thì có “cầu” ắt sẽ có “cung”.

Đặc biệt trong thời kỳ Covid- 19 như hiện nay, cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, thương mại điện tử ở Việt Nam được hình thành và tăng trưởng mạnh mẽ và giữ vai trò ngày càng quan trọng phân phối hàng hóa, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử dẫn đến khó khăn trong việc xác minh, truy tìm.

3. Giải pháp và kiến nghị

3.1. Giải pháp

Xuất phát từ những bất cập, hạn chế, nhóm tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả mua sắm hàng hóa trên thương mại điện tử đối với người tiêu dùng Việt Nam. Việc nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho người dân là vô cùng cần thiết, cấp bách để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật khi tham gia giao dịch trong thương mại điện tử.

Thứ nhất, tổ chức giáo dục pháp luật cho cộng đồng. Tổ chức các chương trình truyền hình có cấu trúc, nội dung đầy đủ và dễ hiểu. Các cơ quan có thẩm quyền liên kết với chính quyền địa phương để tổ chức hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền pháp luật về hàng hóa trong thương mại điện tử; quyền và lợi ích của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch trong thương mại điện tử.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các trang mạng xã hội thông qua các văn bản, hình ảnh, video, âm nhạc và đồ họa,… hấp dẫn, sinh động và dễ truyền tải. Bên cạnh đó, năng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Thứ hai, phát hành sổ tay pháp luật về mua bán hàng hóa trong thương mại điện tử. Sổ tay có các nội dung pháp luật cần tìm hiểu về mua sắm qua thương mại điện tử theo nhu cầu của khách hàng liên quan đến như: pháp luật trong thương mại điện tử, nhận biết hàng giả trong thương mại điện tử, các trang TMĐT uy tín hiện nay; các vụ việc vi phạm đã được giải quyết mẫu,…

Sổ tay có thể được phát hành dưới nhiều dạng như: sổ tay điện tử, sách giấy, các ứng dụng sách mềm trên điện thoại di động, laptop,… để có thể tiếp cận được nhiều người tiêu dùng nhất và góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật tới cộng đồng.

Thứ ba, tổ chức thực hiện phối hợp trong việc quản lý thị trường và quản lý thương mại điện tử. Để làm tốt nhiệm vụ này cần xây dựng các kỹ năng nghiệp vụ bao gồm các bộ phận cán bộ, kiểm soát viên,… Hay Việt Nam cần thay đổi và hoàn thiện cơ chế quản lý và quan trọng là tăng cường áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại. Tăng mức chế tài xử phạt vi phạm hành chính hiện nay, nâng cao năng lực quản lý,…

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý các sàn để giải quyết các yêu cầu của người tiêu dùng.

3.2. Kiến nghị

Để sử dụng hiệu quả hơn, đồng thời giúp người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn hơn về các mặt hàng trong TMĐT thì:

Các quy định về xử lý vi phạm hành chính cần tăng nặng mức phạt vi phạm hành chính và phạt hình sự đối với các cá nhân, cơ sở buôn bán hàng giả trong thương mại điện tử. Việt Nam cần xây dựng các trung tâm giám định hàng hóa ở một số tỉnh, đầu tư thêm các trang thiết bị máy móc hiện đại, phù hợp với các cơ sở.

Lực lượng quản lý còn hạn chế, vậy nên, cần phải đầu tư thêm kinh phí duy trì hoạt động cho cơ quan chức năng trong công tác giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm hành chính cũng như thêm lực lượng cho các đơn vị quản lý. Ngoài ra, đặt trong thời kỳ hội nhập hóa và kinh tế thị trường hiện nay, các doanh nghiệp, công ty phát triển mạnh về TMĐT xuyên biên giới thì việc đặt ra các văn bản pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo thuận lợi cho sự phát triển của TMĐT cũng là vấn đề về khung pháp luật TMĐT của Việt Nam.

Hơn nữa, xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp, đồng bộ với luật pháp quốc tế sẽ góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế; xây dựng hình ảnh một quốc gia văn minh và tuân thủ pháp luật, là cơ sở để thu hút đầu tư nước ngoài; xây dựng lòng tin với các quốc gia khác để hợp tác có hiệu quả, qua đó có thể sử dụng sự giúp đỡ, hỗ trợ của các doanh nghiệp quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là TMĐT nói riêng.

4. Kết luận

Nghiên cứu đưa ra được những thực trạng lỗ hổng trong pháp luật Việt Nam hiện nay trong việc ngăn chặn hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả qua thương mại điện tử. Đồng thời, chỉ ra những khó khăn trong công tác quản lý cũng như định hướng cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý thị trường. Sau đó, công trình nghiên cứu cũng đưa ra những giải pháp trong việc hoàn thiện pháp luật và giải quyết những vấn đề còn tồn đọng mà pháp luật hiện hành chưa giải quyết được, góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật của các bên tham gia vào giao dịch mua bán hàng hóa qua thương mại điện tử tại Việt Nam. Để thực hiện các phương án này hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và có các điều kiện triển khai phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

1. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (2020). Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam - EBI 2020.

2. Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam (3/2020). Bảng xếp hạng các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam. Truy cập ngày 01/4/2020

3. WTO. “Electronic commerce”. Truy cập ngày 14/3/2020

4. Nguyễn Ngọc Chí (2008), Hoàn thiện các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trước yêu cầu cải cách tư pháp, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 23/5.

5. Ali F. Farhoomand & Virpi Kristiina Tuunainen (2000). Barriers to Global Electronic Commerce: A Cross-Country Study of Hong Kong and Finland

ThS. Đinh Hoài Nam, Phùng Thị Linh Vân

Cao Diệu Ánh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Tạp chí in số tháng 5/2022

Bình luận