Phát triển Fintech: Kinh nghiệm của các quốc gia và bài học cho Việt Nam

02/06/2022, 13:57

TCDN - Tính đến năm 2019 có hơn 150 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Fintech cùng với những tác động mạnh mẽ của Fintech chắc chắn sẽ đem lại những cơ hội lớn đối nền kinh tế hiện nay.

12-1

Tóm tắt

Sự phát triển của FinTech cho thấy đây là lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư, sẽ có sự bứt phá nhanh chóng trong thời gian tới và là công cụ đắc lực giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu cung cấp tài chính toàn diện cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều thách thức phía trước như hành lang pháp lý, vốn đầu tư, thị trường, cách tiếp cận khách hàng. Bài viết đã nghiên cứu kinh nghiệm phát triển Fintech tại Trung Quốc, Anh, Nhật Bản và Singapore, từ đó đề xuất 4 nhóm giải pháp cơ bản để phát triển Fintech tại Việt Nam, bao gồm: (i) Hoàn thiện khung khổ pháp lý và liên tục tối ưu hóa môi trường chính sách; (ii) Tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển của các công ty Fintech; (iii) Thu hút các nhà đầu tư trên toàn cầu; và (iv) Chú trọng phát triển nhân tài cho kinh doanh công nghệ.

1. Đặt vấn đề

Tại Việt Nam, Fintech còn tương đối mới nhưng đã thu hút được sự chú ý của Chính phủ và nhiều doanh nghiệp bởi những tác động tích cực mà nó đem lại cho nền kinh tế. Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2020 số lượng công ty Fintech tại Việt Nam tăng gần 4 lần so với năm 2016. Tính đến năm 2019 có hơn 150 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Fintech cùng với những tác động mạnh mẽ của Fintech chắc chắn sẽ đem lại những cơ hội lớn đối nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm có được thì Fintech cũng có nhiều điểm hạn chế về qui mô, chất lượng và cơ chế chính sách cần khắc phục.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, bài viết “Kinh nghiệm của các quốc gia trong phát triển Fintech và bài học cho Việt Nam” có mục đích nghiên cứu kinh nghiệm trong việc phát triển Fintech tại một số quốc gia sẽ từ đó rút ra bài học cho Việt Nam để Fintech tại Việt Nam có thể tận dụng tối đa được những lợi thế đồng thời có những giải pháp để hạn chế những mặt tiêu cực.

Bài biết gồm 5 phần, ngoài phần “Đặt vấn đề”, phần 2 giới thiệu tổng quan về Fintech và vai trò của Fintech trong nền kinh tế. Thực trạng phát triền Fintech tại Việt Nam được trình bày ở phần 3. Phần 4 giới thiệu kinh nghiệm của một số quốc gia trong phát triển Fintech và phần 5 dành cho những kết luận và hàm ý chính sách cho Việt Nam.

2. Khái niệm Fintech và các sản phẩm chủ

Định nghĩa về Fintech

Theo Karakas & Stamegna (2017), Fintech là viết tắt của “Financial technology” nghĩa là công nghệ tài chính, một thuật ngữ rộng được sử dụng chủ yếu để chỉ những công ty đang sử dụng các hệ thống dựa trên công nghệ theo một cách nào đó để cung cấp dịch vụ tài chính trực tiếp hoặc cố gắng làm cho hệ thống tài chính hiệu quả hơn. Vì thế có thể hiểu rằng Fintech là việc áp dụng các công nghệ đổi mới, sáng tạo và hiện đại vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng nhằm mang tới cho khách hàng các dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống.

Các sản phẩm của Fintech

Theo đối tượng sử dụng, các sản phẩm trong Fintech được chia thành 2 nhóm, bao gồm: (i) Các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, các công cụ kỹ thuật số và công nghệ khác để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc , tài trợ vốn cho các startup; (ii) Các sản phẩm công nghệ “ back - office” nhằm hỗ trợ cho hoạt động Fintech và các định chế tài chính. Theo Anjan (2020) và Lee & Shin (2018) có thể kể đến một số sản phẩm tiêu biểu của Fintech trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng như:

- Các loại ví điện tử: Đây là một loại tài khoản điện tử đóng vai trò là phương tiện thanh toán trực tuyến dành cho khách hàng, giúp khách hàng có thể thanh toán hóa đơn, các loại phí, chuyển tiền, nhận tiền,...thông qua ineternet mọt cách nhanh chóng. Có thể kể đến ví điện tử Paypal được tạo ra tại Mỹ vào năm 1998.

- Bitcoin - đồng tiền điện tử: Đây là một loại tiền tệ kỹ thuật số xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009 dưới dạng phần mềm mã nguồn mở do Satoshi Nakamoto phát hành. Không giống với các loại tiền tệ truyền thống, Bitcoin hoạt động không dựa vào sự quản lý của bất kỳ ngân hàng trung ương nào cả mà hệ thống hoạt động dựa trên một giao thức mạng ngang hàng trên internet.

- Kickstarer - gọi vốn cộng đồng: Kickstarter xuất hiện ở New York vào năm 2009, cho phép các nhà kinh doanh, phát triển, sáng tạo có đem dự án của mình ra huy động vốn từ những người tiêu dùng trên mạng internet. Kickstarter đã trở thành trang gọi vốn lớn nhất với trên 15 danh mục khác nhau. Các startup và cá nhân đã huy động thành công hơn 2,8 tỷ đô la từ gần 10 triệu nhà tài trợ cho trên 280.000 dự án từ trang này.

3. Thực trạng Fintech tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Các cơ quan chính phủ như Ban chỉ đạo Fintech vã Quỹ đổi mới Công nghệ quốc gia đã có những chính sách nhằm nỗ lực tạo ra môi trường thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp Fintech. Đồng thời Chính phủ cũng cũng đã phê duyệt một số kế hoạch tài chính để phát triển thanh toán không dùng tiền nhằm giảm thiểu khoảng cách về thu nhập tài chính so với các nước trong khu vực.

Theo báo cáo của Fintech Singapore (2020), hiện Việt Nam có khoảng 115 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính, hoạt động chủ yếu trong 5 lĩnh vực chính (Thanh toán, Cho vay P2P, Blockchain, POS, Quản lý tài sản). Trong đó, 38 công ty khởi nghiệp về Thanh toán và 18 công ty cho vay P2P, chiếm 49% số doanh nghiệp tham gia vào thị trường Fintech. Phần lớn các công ty trong lĩnh vực Fintech ở Việt Nam đều hoạt động trong lĩnh vực thanh toán B2C, B2B. Lĩnh vực này chiếm 33% tổng số các công ty khởi nghiệp Fintech vào năm 2020. Lĩnh vực hoạt động tích cực nhất tiếp theo là cho vay P2P với 16% số công ty khởi nghiệp. Các lĩnh vực khác chiếm từ 2% đến 13% trong bối cảnh khởi nghiệp vào năm 2020.

Nguồn vốn trong không gian Fintech chiếm 36% tổng số vốn tài trợ cho các startup Fintech ở ASEAN. Với mức 435 triệu USD được báo cáo từ năm 2019 đến năm 2020, với hai hoặc ba khoản đầu tư lớn chiếm phần lớn số tiền, Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo vị trí thứ hai trong ASEAN về đảm bảo nguồn vốn khởi nghiệp trong các công ty Fintech.

Theo báo cáo về Fintech tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của IDC Financial Insights, có 5 đại diện Việt Nam trong nhóm Fintech Fast 101 (101 công ty Fintech có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong năm 2020) bao gồm Payoo và 4 ví điện tử lớn là MoMo, Moca, Tima và ZaloPay đang chiếm 92% thị phần ví điện tử của Việt Nam.

Tại Việt Nam, 72% các công ty Fintech công nghệ tài chính chọn hợp tác với các ngân hàng trong việc kinh doanh và cung cấp dịch vụ, thay vì tham gia vào một cuộc cạnh tranh trực tiếp. Năm 2020, tại Việt Nam, các ngân hàng kỹ thuật số (Digital Banking platform/Neobank/Neo-banking) phát triển nhanh chóng nhờ vào việc áp dụng tốt xu hướng Fintech (Fintech Trends), ngành thương mại điện tử (e-commerce payment) bùng nổ và chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

4. Kinh nghiệm các quốc gia trong phát triển Finteh

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển Fintech

Năm 2015, đứng trước việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hàng trăm triệu người dân không tiếp cận được các dịch vụ tài chính cơ bản, Chính phủ Trung Quốc đã có những yêu cầu đối với các công ty công nghệ lớn như Baidu, Tencent và Alibaba tìm ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn này. Chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra nhiều chiến lược nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các công ty Fintech còn non trẻ của nước này phát triển (Ngọc Quang, 2019). Tính đến hết năm 2018, nước này đã thu hút được 100 tỷ USD tiền đầu tư bao gồm các khoản đầu tư vào các công ty Fintech non trẻ nhưng có tiềm năng phát triển lớn và những công ty con được tách ra từ những tập đoàn công nghệ lớn.

Các công ty Fintech của Trung Quốc tập trung giải quyết các vấn đề và thách thức mà lĩnh vực tài chính đối mặt phải xuất phát từ những kiến thức về tài chính bên cạnh mục tiêu tháo gỡ khó khăn về công nghệ. Tiêu biểu có thể kể đến công ty CreditEase, được thành lập vào năm 2006, tiên phong trong việc đưa ra mô hình cho vay ngang hàng (P2P) và xây dựng hạ tầng đánh giá tín nhiệm, phát triển một mô hình đánh giá tín nhiệm và tập trung vào việc phân phối rủi ro và quản lý danh mục tín nhiệm.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập một cơ quan chuyên quản lý, giám sát phục vụ cho sự phát triển của Fintech là Ủy ban giám sát ngân hàng. Cơ quan này sẽ xem xét đơn xin cấp phép hoạt động và quản lý các hoạt động của các công ty Fintech thông qua công nghệ điện toán đám mây và khai thác dữ liệu dựa trên cơ sở có sẵn. Về phát triển nguồn nhân lực, Trung Quốc đã thành công bước đầu trong việc khuyến khích các kỹ sư mới tốt nghiệp làm việc ở nước ngoài và sau đó mang kinh nghiệm và kiến thức của mình trở lại trong nước.

Kinh nghiệm của Anh trong phát triển Fintech

Theo số liệu từ “Báo cáo khảo sát Fintech UK 2017” với sự hỗ trợ của Chính phủ Anh từ năm 2010 thì khu vực doanh nghiệp Fintech đã phát triển với tốc độ 22% trong giai đoạn 2012-2016. Để đạt được thành công đó, ngay từ những bước đầu, Chính phủ Anh đã xác định đầu tư vào các giải pháp công nghệ giữa các tổ chức tài chính là hoạt động cốt lõi. Với sự đầu tư của Anh vào công nghệ mới, kết hợp với khao khát phát triển mạnh mẽ đối với các sản phẩm sáng tạo và môi trường pháp lý hàng đầu, Anh đã chứng tỏ vị thế độc nhất của mình trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho SMEs và các tổ chức tài chính với các công cụ để tiến hành kinh doanh trong lĩnh vực này.

Cùng với đó, Anh cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc hỗ trợ các quy định mới trong các dịch vụ tài chính. Năm 2015, hộp cát Fintech (Sandbox) lần đầu tiên được Anh đưa vào vận hành theo quy định của riêng mình, cho phép đổi mới sản phẩm và dịch vụ. Năm 2018, Chiến lược “Fintech Sector Strategy” được ban hành với các chính sách và sáng kiến giúp các doanh nghiệp Fintech tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn và dài hạn.

Ngoài ra, nhu cầu đổi mới cũng được coi là một yếu tố thúc đẩy phát triển các dịch vụ Fintech tại Anh. Tính đến tháng 12/2020 có khoảng 12 triệu người ở Anh đã mở tài khoản tại một ngân hàng chỉ sử dụng kỹ thuật số và gần 2/3 người Anh sử dụng thẻ không tiếp xúc, 83% các SMEs tại Anh sử dụng mobile banking. Vì vậy, các ngân hàng Anh đã nhanh chóng nắm bắt lấy cơ hội này. Tiêu biêu là Santander, đã áp dụng giải pháp cloud của nCino để mang lại hiệu quả cao hơn, quy trình cho vay nhanh hơn và để nâng cao dịch vụ mà nó cung cấp cho SMEs và khách hàng của mình. Điều này đã giúp ngân hàng đã có thể cắt giảm khoảng 40% thời gian đưa ra quyết định cho vay cho khách hàng.

Kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển Fintech

Chính phủ Nhật Bản đã chú trọng xây dựng nền tảng pháp luật cũng như sửa đổi các quy định để thúc đẩy tăng trưởng Fintech. Năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ định lĩnh vực Fintech là lĩnh vực tăng trưởng đầy hứa hẹn trong “Chiến lược hồi sinh Nhật Bản năm 2016”. Một số quy định như “Đạo luật Ngân hàng” đã được nhanh chóng sửa đổi vào tháng 5 năm 2016 nhằm khuyến khích các ngân hàng thành lập các công ty con liên quan đến công nghệ thông tin để phát triển các doanh nghiệp Fintech. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cũng đã cải cách hệ thống chính sách quản lý tạo điều kiện phát triển Fintech và đổi mới sáng tạo thông qua khung quản lý “Regulatory Sandbox”.

Cùng với đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đã xây dựng một môi trường thuận lợi cho công ty Fintech phát triển. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đang thực hiện một chương trình dành cho các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng vừa và nhỏ đã đăng ký để giảm giá 5% khi mua hàng bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ thẻ, thẻ IC trả trước hoặc điện thoại thông minh từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 6 năm 2020. Ngoài ra, cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) và TMG có các nhóm chuyên trách để thu hút các công ty dịch vụ tài chính nước ngoài quan tâm đến việc mở rộng sang Nhật Bản.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng thực hiện các biện pháp hỗ trợ lưu thông tiền tệ như số hóa nhận diện cá nhân, nghiên cứu thử nghiệm việc sử dụng Thẻ thông tin cá nhân, tích hợp khả năng nhận diện thông tin cá nhân được điện tử hóa vào các thiết bị điện thoại thông minh, mở hệ thống dữ liệu quản lý và số hóa quy trình quản lý của cơ quan công quyền.

Kinh nghiệm của Singapore trong phát triển Fintech

Cộng đồng Fintech ở Singapore đã phát triển nhanh chóng trong 5 năm qua, các công ty Fintech ở Singapore và sự đa dạng về mô hình kinh doanh của họ chứng minh rằng Singapore là một trung tâm Fintech hấp dẫn. Để đạt được điều này, Singapore đã dựa vào 4 chìa khóa chính đó là:

Thứ nhất, Chính phủ Singapore tìm kiếm cách thu hút nhiều nhà đầu tư toàn cầu. Chính phủ Singapore mời các quỹ lớn toàn cầu để thiết lập cửa hàng hoặc hợp tác với các quỹ địa phương nhỏ hơn. Các ưu đãi thuế thuận lợi được duy trì để tạo điều kiện cho nước ngoài giảm kinh phí thành lập văn phòng tại Singapore. Hơn nữa, các công ty Fintech nước ngoài có thể được tiếp cận hợp tác với các công ty ở Singapore và có thể được thực hiện để giới thiệu Fintech ở các khu vực địa lý khác.

Thứ hai, Chính phủ Singapore tạo một môi trường pháp lý thuận lợi để các công ty Fintech có thể phát triển. Quy định về Sandbox đã được tăng cường với Sandbox Express vào năm 2019 để thử nghiệm thị trường nhanh hơn đối với các dịch vụ tài chính sáng tạo. Ngoài ra, Singapore là quốc gia đi đầu về khuôn khổ pháp lý và quy định dành cho Fintech. Năm 2019, Singapore được công nhận là nước thuận tiện thứ hai thế giới trong việc kinh doanh vì những lý do như dễ thành lập doanh nghiệp, sở hữu vốn cổ phần nước ngoài, thuế khuôn khổ và thực thi hợp đồng, bao gồm cả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Những yếu tố này đã hỗ trợ quyết định của hơn 55% MNCs thành lập trụ sở khu vực của họ ở Singapore.

Thứ ba, Chính phủ Singapore thực hiện tiếp cận xuyên biên giới với khách hàng và đối tác. Kể từ năm 2016, Singapore đã thiết lập nhiều cầu nối Fintech với nhiều quốc gia. Anh là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết cầu nối Fintech với Singapore để cải thiện khả năng tiếp cận của các Fintech và các nhà đầu tư trên cả hai thị trường. Ngoài ra, Hiệp hội Fintech Singapore đã bắt tay hợp tác với nhiều hơn 60 tổ chức Fintech hoặc công nghệ liên quan tại hơn 40 quốc gia. Điều này cung cấp hơn 850 thành viên công ty một nền tảng bổ sung để mở rộng ra nước ngoài.

Thứ tư, Chính phủ Singapore chú trọng ưu tiên trong phát triển nhân tài cho kinh doanh và công nghệ. Nhận thức được rằng trí tuệ nhân tạo đang trở thành một lĩnh vực tập trung nhiều hơn cho Fintech, chính phủ đã tập trung vào phát triển nhân tài trong phát triển Trí tuệ nhân tạo và chương trình Phân tích dữ liệu (AIDA), trợ cấp các chi phí mà người sử dụng lao động phải chịu để tham gia các chuyên gia để đào tạo đội ngũ nhân tài địa phương.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Có thể thấy được trong sự phát triển Fintech thì Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng và có tác động đến nhiều mặt và thúc đẩy sự phát triển của Fintech. Xuất phát từ thực trạng phát triển tại Việt Nam và những cách thức mà một số quốc qua đã thực hiện, dưới đây là một số bài học mà nghiên cứu đề xuất nhằm thúc đẩy hệ sinh thái Fintech phát triển tại Việt Nam.

Thứ nhất, hoàn thiện hơn về khung khổ pháp lý, liên tục tối ưu hóa môi trường chính sách. Hầu hết chiến lược của các quốc gia đều chú trọng đến các chính sách phát triển và hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các Fintech phát triển. Các quốc gia như Nhật Bản, Anh hay Singapore mặc dù là các có hệ thống pháp luật phát triển nhưng các quốc gia này vẫn đều rất chú trọng đến việc xây dựng và điều chỉnh các quy định pháp luật. Bởi khi có một môi trường pháp lý thuận lợi và đầy đủ sẽ tạo tiền đề để các công ty Fintech có thể phát triển an toàn cũng như bảo vệ được lợi ích của các bên có liên quan.

Có thể thấy như tại Nhật Bản ngay trong những bước đầu của chiến lược phát triển Chính phủ Nhật đã nhanh chóng sửa đổi các đạo luật như “Đạo luật Ngân hàng”, “Đạo luật về thanh toán” cùng với việc cải cách hệ thống chính sách quản lý tạo điều kiện phát triển Fintech. Hay tại Singapore để tạo điều kiện cho Fintech được phát triển thuận tiện kể chính phủ đã điều chính khung khổ pháp lý giúp các doanh nghiệp nước ngoài có thể dễ dàng thành lập doanh nghiệp, bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ,...

Mặc dù nhận luôn nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam ở khía cạnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường cạnh tranh cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch, nhưng đây là một trong những lĩnh vực tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ mạnh mẽ và sự ra đời của các công ty Fintech trở thành xu thế tất yếu, nếu hệ thống pháp lý của Việt Nam không nhanh chóng thay đổi để kịp thời nắm bắt xu hướng thì sẽ là rào cản lớn cho sự phát triển của Fintech.

Các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và Ngân hàng nhà nước nói riêng cần phải xây dựng và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ về một nền kinh tế số trong tương lai.

Thứ hai, tăng cường hỗ trợ, xây dựng một nền tảng cho sự phát triển của các công ty Fintech. Chính phủ cần phải đưa ra nhiều chiến lược nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các công ty Fintech còn non trẻ phát triển. Tại Trung Quốc, những hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng trong dịch vụ truyền thống là một nhân tố thúc đẩy cho việc xây dựng các mô hình hoạt động và hỗ trợ công nghệ. Cho nên với chiến lực phát triển này thì không chỉ những tập đoàn công nghệ mà cả các công ty startup đều có thể mở rộng quy mô trong lĩnh vực Fintech.

Theo thời báo ngân hàng, trong số 6 nước Đông Nam Á đang phát triển Fintech, Việt Nam và Philippines là 2 nước chưa áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox). Đây là khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (regulation sandbox) cho Fintech được Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) đưa vào vận hành từ 6/2016, cho phép các tổ chức tài chính, doanh nghiệp Fintech thử nghiệm các sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính sáng tạo trong không gian và thời gian được xác định rõ. Với những lợi ích mà regulatory sandbox mang lại thì kinh nghiệm từ Anh và Singapore - những quốc gia tiên phong đưa thể nghiệm sandbox cho Fintech sẽ rất hữu ích cho Việt Nam. Việt Nam có thể nghiên cứu chuẩn hóa, phát triển môi trường thuận lợi cho các quỹ đầu tư Fintech hay Regtech, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ quản lý và giám sát có liên quan đến công nghệ cho các tổ chức tài chính.

Thứ ba, tìm kiếm cơ hội thu hút nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu. Mặc dù trong năm 2020 thị trường Việt Nam thu hút được hàng triệu USD trong nhiều thương vụ kêu gọi vốn thành công, nhưng trong bối cảnh nhận được nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 thì hầu hết các thương vụ đầu tư Fintech đề tập trung vào các doanh nghiệp mới. Vì vậy, việc thúc đẩy tìm kiếm và thu hút nhà đầu tư trên toàn cầu làm một trong những yếu tố vô cùng quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam. Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy,Việt Nam có thể tận dụng mạng lưới ngân hàng trên toàn cầu để có thể đề nghị hợp tác. Ngoài ra, cũng giống như Singapore, Việt Nam có thể xem xét đến việc nghiên cứu các ưu đãi thuế tạo điều kiện cho nước ngoài giảm kinh phí trong việc thành lập doanh nghiệp nhằm thu hút nhiều hơn đầu tư từ các nước.

Thứ tư, chú trọng phát triển nhân tài cho kinh doanh công nghệ. Nhân tài là một trong những ưu tiên hàng đầu trong phát triển Fintech bởi lẽ, Fintech là một lĩnh vực khá mới mẻ, đòi hỏi trình độ cao. Nguồn nhân lực tại Việt Nam hiện nay mặc dù rất dồi dào tuy nhiên nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn hạn chế. Vì vậy, việc chú trọng phát triển nhân tài cho kinh doanh công nghệ là vô cùng cần thiết và quan trọng. Việt Nam có thể thành lập các học viện mới để nuôi dưỡng tài năng, đảm bảo quyền đào tạo và văn hóa nhằm thúc đẩu những đổi mới mang tính đột phá trong việc phát triển Fintech.

Tài liệu tham khảo:

1. Anjan V., (2020). Fintech and banking: What do we know?. Journal of Financial Intermediation, 41 (2020) 100833. https://doi.org/10.1016/j.jfi.2019.100833

2. Fintech Singapore (2020), “A Review of Vietnam’s Fintech Industry in 2019”, Available at https://fintechnews.sg/35968/vietnam/a-review-of-vietnams-fintech-industry-in-2019/

3. Findexable (2019), “The Global Fintech Index 2020- The Global Fintech Index City Rankings Report”, Version 1.0 -December.

4. Hoàng Thế Thỏa (2018), Một số lợi ích và rủi ro cơ bản của Fintech đối với hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Thanh toán quốc tế.

5. Hương Trà (2020), “Lý do Vương quốc Anh dẫn đầu ngành kỹ thuật số hàng toàn cầu”, Tạp chí Doanh nghiệp hội nhập.

6.Karakas C., Stamegna C. (2017), Financial technology (FinTech): Prospects and challenges for the EU.

TS. Nguyễn Thị Nhung, Phạm Diệu Hoa

Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Tạp chí in số tháng 5/2022
Bạn đang đọc bài viết Phát triển Fintech: Kinh nghiệm của các quốc gia và bài học cho Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận