Đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài: Kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững

20/12/2020, 18:53

TCDN - Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”.

Đánh giá hiệu quả của Đề án, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các Tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trên toàn thế giới. Xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao đóng góp của các Tập đoàn: Wall Mart, AEON, Central Retail, Lotte, Mega Market cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua. 

"Việc đóng góp tích cực của nhà phân phối bán lẻ lớn nhất thế giới đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... trong các lĩnh vực kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại ngày càng phát triển giữa Việt Nam và các đối tác, cũng như sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam trong vai trò là thị trường bán lẻ. Với sự hỗ trợ của các Tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, nội thất, dệt may...  đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối phủ khắp các quốc gia." - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tham gia vào hệ thống phân phối của các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài là kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.. (Ảnh minh họa)

Tham gia vào hệ thống phân phối của các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài là kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.. (Ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 3/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020” tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg, giao Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Tập đoàn phân phối nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam như: WalMart, AEON, Central Retail, Lotte, Mega Market... tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam: từ năng lực sản xuất, năng lực phát triển sản phẩm, thị trường, đến kết nối giao thương cho doanh nghiệp với người mua hàng, để đưa hàng Việt Nam trực tiếp thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài.

Trải qua 5 năm triển khai Đề án, các Tập đoàn phân phối nước ngoài đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương để phát triển hợp tác với một số địa phương, không chỉ góp phần thúc đẩy kim ngạch hàng xuất khẩu Việt Nam trong hệ thống của Tập đoàn ở nước ngoài mà còn hướng đến mục tiêu lớn hơn là xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được của trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, Hội nghị cũng đã thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết.

Đại diện tập đoàn AEON cho biết, hàng năm AEON nhập 250 triệu USD hàng dệt may vào hệ thống phân phối. Về các sản phẩm dệt may, các sản phẩm từ Việt Nam chiếm tới  60%. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hơn 60% nguyên liệu Việt Nam lại nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

"Nếu như Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất thì sẽ trở thành quốc gia rất mạnh trong vấn đề này. Ở Malaysia và Nhật Bản, sản phẩm may mặc của Việt Nam rất đc yêu thích" - đại diện AEON nhấn mạnh.

"Các doanh nghiệp tại Việt Nam rất có tinh thần cầu tiến, tuy nhiên mặt hạn chế là nhiều doanh nghiệp vẫn bị đi theo "lối mòn", chưa có tư duy thay đổi, bứt phá. Đặc biệt là các doanh nghiệp chưa làm chủ nguồn nguyên vật liệu, ít doanh nghiệp có được sự chuyên biệt trong sản xuất" - đại diện Walmart nêu ý kiến.

Định hướng cho giai đoạn tiếp theo của Đề án, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của Đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang có hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam; Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, các địa phương lựa chọn đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt để đưa vào hỗ trợ trong các hoạt động của Đề án; Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này; Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; Tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng.

Đặc biệt tại Hội nghị này, Bộ Công Thương cùng các tập đoàn phân phối đã ra mắt bộ cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào một số hệ thống phân phối là đối tác của Đề án. Bộ cẩm nang cung cấp nhưng thông tin về từng hệ thống cũng như giới thiệu quy trình lựa chọn nhà cung cấp, các yêu cầu, tiêu chuẩn của một số mặt hàng khi xuất khẩu vào từng hệ thống phấn phối như AEON, Decathlon, Lotte, Centre Retail, Mega Market....

Thanh Tân
Bạn đang đọc bài viết Đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài: Kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan