Duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030

11/03/2022, 10:39

TCDN - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ban hành quyết định 313/QĐ-TTg, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định 313/QĐ-TTg, phạm vi quy hoạch bao gồm phần lãnh thổ Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích tự nhiên là 3.358,6 km2, phía Bắc tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên - Vĩnh Phúc; Phía Nam và Tây Nam giáp với các tỉnh Hà Nam - Hòa Bình; Phía Đông giáp với tỉnh Bắc Giang- Bắc Ninh - Hưng Yên; Phía Tây - Tây Bắc giáp với tỉnh Hòa Bình - Phú Thọ.

Ảnh minh họa. Ảnh: Báo CAND

Ảnh minh họa. Ảnh: Báo CAND

Thủ tướng yêu cầu quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn; phát triển hài hòa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn thành phố; phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn lực triển khai của Thủ đô Hà Nội.

Thống nhất đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư. Tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin.

Phát triển Thủ đô gắn liền với liên kết phát triển vùng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ đối với một số lĩnh vực quan trọng: về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bảo đảm an sinh xã hội thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân; đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn

Cũng theo quyết định 313/QĐ-TTg, mục tiêu lập quy hoạch là đề xuất được phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn được các phương án tổ chức, phát triển hoạt động kinh tế - xã hội có hiệu quả, là cơ sở cho việc đề xuất: phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực.

Xây dựng được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch thống nhất hệ thống thông tin quốc gia về quy hoạch đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của thành phố, vùng và quốc gia. Là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống và làm việc có thể kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch của Thành phố.

Lựa chọn phương án tổ chức phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu... và giải pháp bố trí không gian phát triển hợp lý nhằm giải quyết các xung đột về không gian trên địa bàn Thủ đô cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hiệu quả các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, làm căn cứ và định hướng để lập quy hoạch đô thị, nông thôn nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.

Xây dựng được phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện đáp ứng cao nhất nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của từng khu vực và khả năng kết nối đồng bộ, tổng thể trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, cũng như vị thế là trung tâm đầu não của cả nước.

Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; Phấn đấu cơ bản hoàn thành việc lập Quy hoạch trước ngày 31/12 /2022, theo VNE.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn, phối hợp với Hà Nội triển khai thực hiện lập Quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

Nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ bao gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; yêu cầu về phương án phát triển các ngành quan trọng; yêu cầu về phát triển trong điều kiện kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng nhằm phát huy vai trò động lực phát triển của Thủ đô trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050….

Gia Linh
Bạn đang đọc bài viết Duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030 tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Một doanh nghiệp tài trợ lập quy hoạch khu đô thị gần 50ha tại Thanh Hoá
Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 803/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang, TP. Thanh Hóa và xã Hoằng Thịnh, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa. Nguồn kinh phí lập quy hoạch chi tiết do CTCP Tập đoàn Danko tài trợ để thực hiện.
Thủ tướng: Không nóng vội trong quy hoạch
Thủ tướng lưu ý quy hoạch không cầu toàn, cũng không nóng vội trong công tác quy hoạch, phải có phương pháp luận, cách tiếp cận mới, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định nhưng không bất biến.