"Ế" căn hộ, gần 1.000 doanh nghiệp bất động sản giải thể
TCDN - Bộ Xây dựng cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, ngành bất động sản có 978 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 15,5% so với năm 2019; số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch vào khoảng gần 9.000 căn.
Gần 9.000 căn hộ tồn kho, chưa có giao dịch
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết tính đến hết quý 1/2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch ước tính vào khoảng gần 13.000 căn. Trong quý II và quý III, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan, nên số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch tính đến hết quý III/2020 ước tính vào khoảng gần 6.000 căn.
Sang quý IV, thị trường được bổ sung thêm ước tính khoảng gần 30.000 căn; lượng giao dịch trong quý IV vẫn khá ổn định. Do đó, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch riêng trong quý IV/2020 ước tính khoảng gần 3.000 căn.
Tuy vậy, tổng hợp lũy kế đến cuối năm 2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2020 ước tính vào khoảng gần 9.000 căn.
Trong đó, số lượng tồn kho nhiều nhất là tại các địa phương bị "dư chấn" nặng nhất do dịch Covid-19 gây ra như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Dương. Bên cạnh đó,một số địa phương như Hà Nội, Tp.HCM, Quảng Ninh, Cần Thơ,... vẫn giữ được "biên độ" giao dịch ổn định, nên lượng bất động sản "ế" không quá nhiều.
978 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, doanh nghiệp thành lập mới giảm
Năm 2020 với rất nhiều khó khăn cũng là cơ hội để ngành bất động sản cũng có sự thanh lọc, với việc nâng cao năng lực và tăng khả năng thích nghi của các doanh nghiệp tham gia thị trường. Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 6.694 doanh nghiệp, giảm 15,5% so với năm 2019; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 978 doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong quý IV/2020, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại. Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.
Thống kê gần 80 doanh nghiệp bất động sản lớn đang giao dịch cổ phiếu trên sàn cho thấy với số liệu kinh doanh khả quan các tháng cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp báo cáo hoặc dự kiến đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra.
Thị trường bất động sản cả nước trong quý IV/2020 cũng đã tăng mạnh so với đáy suy giảm nhờ sự phục hồi nhanh của phân khúc nhà ở và khu công nghiệp, qua đó giúp ngành vẫn duy trì được tăng trưởng dương cả năm 2020. Đặc biệt, ngành kinh doanh bất động sản đã đóng góp khoảng 4,42% GDP.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng bất động sản trong năm 2020 có xu hướng tăng lên theo từng quý. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2020, dư nợ tín dụng bất động sản là hơn 8.300 tỷ đồng; đến hết tháng Sáu, dư nợ tín dụng bất động sản tăng lên gần 8.500 tỷ đồng; đến tháng Chín tiếp tục tăng lên gần 8.600 tỷ đồng.
Đến ngày 31/12/2020, dư nợ tín dụng bất động sản tăng lên hơn 8.800 tỷ đồng.
Lý giải về việc này, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng việc dư nợ tín dụng bất động sản giảm ở quý I là do đây là khoảng thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp nhất. Trong quý III, dư nợ bất động sản tăng 4,3% so với quý II; quý IV tăng 4,53% so với quý III, điều này cho thấy tốc độ tăng về dư nợ đã ổn định hơn trong quý III, IV/2020.
Từ những thách thức cùng với những tín hiệu, xu hướng tích cực của thị trường và toàn nền kinh tế trong quý IV, đại diện Bộ Xây dựng nhận định thị trường bất động sản đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, để từng bước đứng vững, phục hồi.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899