EVN góp ý dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
TCDN - Ngày 19/8/2024, Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính đã phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức lấy ý kiến các doanh nghiệp lĩnh vực điện lực thuộc quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Góp ý nội dung liên quan đến vấn đề phê duyệt dự án đầu tư, đại diện Tổng công ty Phát điện 2 (EVN GENCO 2) cũng cho rằng, đầu tư các dự án đang chi phối bởi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng. EVN phân cấp cho người đại diện phê duyệt dự án đến 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
Đồng quan điểm, đại diện EVN Hà Nội cho hay, dự thảo Luật chỉ quy định về phân loại theo giá trị dự án để trình các cấp phê duyệt, chưa nêu rõ tính chất của nhóm dự án, nếu là dự án cấp bách thì việc phê duyệt sẽ rất chậm.
Liên quan đến nội dung phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) cho biết, việc chi lương cho người đại diện, đang tính từ chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đề nghị dự thảo tiếp tục quy định theo hướng như vậy. Bởi theo quy định đối với doanh nghiệp hiện nay, tiền lương của người quản lý được tính vào chi phí. Hiện dự thảo quy định tính từ lợi nhuận sau thuế, có trường hợp doanh nghiệp không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận không đủ thì sẽ không có nguồn để chi lương cho người đại diện.
Theo bà Đỗ Thị Loát - Trưởng ban Kiểm soát EVN, hiện vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc đối với các doanh nghiệp, nhất là khi lĩnh vực điện lực có nhiều đặc thù. Cụ thể, về xếp loại đánh giá doanh nghiệp, hiện chưa có chỉ tiêu chi tiết, nên việc xếp loại doanh nghiệp đang theo 4 tiêu chí tài chính như doanh thu, hệ số thanh toán, tỷ suất lợi nhuận… nhưng với những doanh nghiệp ngành sản xuất đặc thù như EVN, Tập đoàn Dầu khí... vừa phải đảm bảo kinh doanh, vừa phải đáp ứng các nhiệm vụ kinh tế từ cơ quan quản lý thì cần bộ tiêu chí rõ ràng, vì chỉ một lỗi nhỏ cũng có thể khiến ảnh hưởng đến xếp loại của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện cơ chế giá bán điện bình quân mà EVN đang thực hiện chưa đảm bảo bắt kịp giá thành sản xuất do phải đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cung ứng điện theo chỉ đạo của Nhà nước. Vì thế, trong năm 2022 và 2023, dù giá điện có sự điều chỉnh nhưng báo cáo tài chính của EVN vẫn ghi nhận thua lỗ, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 vừa phát hành cũng tiếp tục báo lỗ.
Căn cứ từ tình hình hoạt động kinh doanh thực tế, bà Đỗ Thị Loát đề xuất trong dự thảo Luật có cơ chế chính sách đặc thù liên quan đến trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế hay chi lương, thưởng… cho EVN. Cụ thể, về cơ chế tiền lương, dự thảo Luật xác định tiền lương, tiền thưởng được gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… Như vậy, các tiêu chí về lợi nhuận và năng suất tại EVN sẽ khó đáp ứng, nên bà Đỗ Thị Loát kiến nghị cơ quan thẩm quyền cho EVN thực hiện chính sách lương đặc thù như hiện đang áp dụng tại VNPT, Vietnam Airlines...
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, theo quy định tại dự thảo Luật, tiền lương, tiền thưởng của người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp được chi trả từ nguồn lợi nhuận sau thuế, trường hợp lợi nhuận sau thuế không đủ thì được chi trả từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp tương ứng với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, nếu thiếu được bố trí từ dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899