Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn, không quản lý pháp nhân doanh nghiệp

16/08/2024, 08:03

TCDN - Ngày 15/8, Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức tọa đàm “Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Trong đó làm rõ, Nhà nước, Chính phủ chỉ quản lý theo dòng vốn, không quản lý pháp nhân doanh nghiệp.

IMG_8194_-_Copy

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC kiến nghị, Ban soạn thảo trong quá trình thiết kế Luật lưu ý việc tiếp tục tách bạch chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước tại doanh nghiệp sâu hơn, toàn diện, triệt để hơn. Bên cạnh đó, việc phân định giữa doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước cần rõ hơn. Về phương thức quản lý đối với đối tượng doanh nghiệp cấp 1, cấp 2 nên hướng dẫn, phân cấp rõ ràng.

“Đối với doanh nghiệp cấp 2 nghiên cứu phân cấp những nội dung nào, như phê duyệt chiến lược, đề án tái cơ cấu, giao nhiệm vụ hàng năm có thể xin thêm ý kiến chủ sở hữu. Còn đối với các nội dung về chủ trương đầu tư, tăng giảm vốn hay quản lý các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp cấp 2 có thể giao, phân cấp cho người đại diện và hội đồng thành viên, hội đồng quản trị của doanh nghiệp này” – ông Nguyễn Chí Thành góp ý.

Ông Thành cho biết thêm, hiện nay ở khu vực ASEAN hay Trung Quốc đều có mô hình về quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ban soạn thảo cân nhắc tổ chức một buổi lắng nghe ý kiến các chuyên gia, cán bộ xây dựng chính sách các nước để có thể học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt với mô hình ở Trung Quốc có khuôn khổ, thể chế, điều khoản, điều kiện tương tự như Việt Nam có thể học hỏi áp dụng, qua đó giúp các doanh nghiệp nhà nước phát triển mạnh hơn, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

“SCIC cũng kiến nghị có các chính sách đặc thù cho Tổng công ty, như liên quan đến vấn đề tài chính, cơ chế, con người. SCIC có nguồn lực thì được quyền đầu tư, mua thêm vốn tại các doanh nghiệp khác, các ngân hàng như BIDV, Vietcombank... Hoặc cân nhắc thiết kế 1 chương riêng trong bộ luật này về vai trò của SCIC với tư cách của một nhà đầu tư” – Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC kiến nghị.

Một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm góp ý tại tọa đàm là về xác định đối tượng áp dụng Luật. Hiện nay theo thiết kế tại dự thảo, đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, bao gồm: doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp” nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, đảm bảo việc phân công rõ, phân cấp mạnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không làm mở rộng thêm đối tượng quản lý so với hiện nay.

Góp ý kiến về nội dung này, ông Tạ Hữu Doanh, Trưởng ban Tổng hợp – Pháp chế, Tập đoàn Dệt may cho biết, dự thảo lần này so với Luật 69/2014/QH13 trước đây đã tách bạch các nhóm doanh nghiệp, doanh nghiệp F1 do Nhà nước trực tiếp nắm giữ vốn, doanh nghiệp F2 do doanh nghiệp F1 nắm giữ vốn giúp cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp F2 nên xác định rõ ràng, cụ thể hơn. Tập đoàn ủng hộ quan điểm về đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (F2) là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ. Bởi doanh nghiệp F1 đầu tư tới doanh nghiệp F2, nếu sở hữu ít cổ phần sẽ không được quyền chi phối, quyết định doanh nghiệp F2, các quyết định chỉ đạo từ F1 xuống F2 rất khó thực hiện.

Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hoàn, Trưởng ban Pháp chế, Công ty CP viễn thông FPT cho rằng, Luật nên cân nhắc, xem xét lại phạm vi điều chỉnh của Luật. Hiện công ty đang hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán nên việc quy định doanh nghiệp F2 thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật gây khó trong việc chờ xin ý kiến từ F1, do doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông truyền hình, thuộc lĩnh vực công nghệ do đó đòi hỏi quyết định đầu tư cần nhanh và chính xác.

Ông Bùi Tuấn Minh – Cụ trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, dự thảo Luật đi theo hướng chỉ quản lý theo dòng vốn chứ không quản lý pháp nhân doanh nghiệp. Theo đó Nhà nước, Chính phủ chỉ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.

“Việc xác định doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư vốn, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp phù hợp với Nghị quyết số 12-NQ/TW đã xác định; đồng thời Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn” – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn, không quản lý pháp nhân doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Sửa đổi Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để phát huy dòng vốn tại doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, yêu cầu khi soạn thảo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là làm thế nào phát huy được dòng vốn tại doanh nghiệp; tập trung vào để thúc đẩy phát triển nền kinh tế của đất nước; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp.