Gần 80% công ty quản lý nợ của ngân hàng hoạt động không hiệu quả

25/12/2020, 14:00

TCDN - Bộ Tài chính cho biết, nhiều công ty quản lý nợ của ngân hàng không thực sự hoạt động nên nợ xấu thực chất chưa được xử lý...

Đây là thông tin được đề cập trong báo cáo Kết quả nghiên cứu về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ do Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ. 

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, Việt Nam có khoảng 30 Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các ngân hàng thương mại (AMCs) đăng ký hoạt động, tuy nhiên chỉ có khoảng 4 AMCs thực sự đang vận hành.

Gần 80% công ty quản lý nợ của ngân hàng hoạt động không hiệu quả

Gần 80% công ty quản lý nợ của ngân hàng hoạt động không hiệu quả

Cụ thể, các Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các ngân hàng thương mại (AMCs) đang thực sự vận hành gồm AMCs thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội.

Bộ Tài chính cho biết, phần lớn hoạt động của các AMCs chỉ là các nghiệp vụ như thanh lý tài sản gán nợ, quản lý tài sản cầm cổ, thu hồi nợ cho ngân hàng mẹ... Ngoài ra, các AMCs cũng có thực hiện hoạt động mua bán nợ với các tổ chức tín dụng (TCTD) khác nhưng không nhiều, việc mua nợ từ các tổ chức, cá nhân khác hầu như chưa được thực hiện.

Theo Bộ Tài chính, hầu hết các AMCs của TCTD được thành lập với mục đích để xử lý nợ xấu của các ngân hàng mẹ, ít tham gia vào thị trường mua bán nợ hoặc có tham gia thì mục đích cũng chỉ giúp các ngân hàng mẹ hoán đổi nợ xấu cho nhau. Từ đó dẫn đến các khoản nợ xấu vẫn tồn tại trong nội bộ ngân hàng mà chưa được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi báo cáo tài chính hợp nhất và như vậy, nợ xấu thực chất vẫn chưa được xử lý.

Ngoài ra, do nguồn nhân lực còn thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng như hạn chế về nguồn vốn nên hoạt động của các AMCs này vẫn chưa thực sự hiệu quả đối với các mục đích nêu trên.

Bộ Tài chính cho rằng, các AMCs được thành lập theo Quyết định số 150/2001/QĐ-TTg, được ban hành trước Luật các TCTD.

Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD quy định ngân hàng thương mại được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản. Việc thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết phải được sự chấp thuận trước bằng văn bản của NHNN.

Vì vậy, các AMCs của ngân hàng thương mại là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, cơ cấu tổ chức của các AMCs thực hiện theo quy định tại Luật các TCTD, Luật doanh nghiệp và Thông tư số 51/2018/TT-NHNN.

Do đó, việc các AMCs tiếp tục thành lập và hoạt động theo quy định tại Quyết định số 150/2001/QĐ-TTg, Quyết định số 1390/2001/QĐ-NHNN cần được xem xét cho phù hợp với thực tiễn.

Trúc Nhi
Bạn đang đọc bài viết Gần 80% công ty quản lý nợ của ngân hàng hoạt động không hiệu quả tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Cải cách quản lý nợ công trong điều kiện rủi ro cao
Nợ công của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, Việt Nam đối mặt với nhiều vấn đề rủi ro tín dụng cần phải có cơ cấu hợp lý, cân đối nợ một cách hiệu quả.