Giá dầu thô ngày 13/1 lên đỉnh 11 tháng do nguồn cung giảm
TCDN - Nguồn cung giảm và dự báo tồn kho dầu Mỹ giảm là hai yếu tố chính đẩy giá dầu thô trong phiên sáng ngày 13/1 lên mức cao nhất trong 11 tháng.
Vào lúc 9h ngày 13/1, giá dầu thô WTI đạt mức 53,63 USD/thùng, tăng 1,8% so với phiên hôm trước, còn giá dầu thô Brent tăng 0,7% lên mức 57,13 USD/thùng. Cú tăng vọt của giá dầu tiếp sức cho thị trường chứng khoán Mỹ, khiến các chỉ số đồng loạt tăng điểm.
Giá dầu thô vọt lên đỉnh 11 tháng và tiến tới mốc 57 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 12/1 nhờ nguồn cung giảm và dự báo tồn kho dầu Mỹ giảm - hai yếu tố xoa dịu lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 đang tăng trên toàn cầu.
Chính phủ Arab Saudi sẽ giảm sản xuất thêm 1 triệu thùng/ngày vào tháng 2 và tháng 3 để ngăn chặn lượng dầu tồn kho gia tăng. Đồng thời, báo cáo nguồn cung mới nhất tại Mỹ được dự báo sẽ cho thấy tồn kho dầu thô giảm tuần thứ 5 liên tiếp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/1, giá dầu thô Brent tăng mạnh 1,4% lên 56,41 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu còn lên đến 56,75 USD, mức cao nhất kể từ tháng 2. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 1,7% lên 53,11 USD.
Eugen Weinberg, một chuyên gia của Commerzbank, nhận định Arab Saudi đang thúc đẩy việc giảm sản lượng tự nguyện bổ sung để đảm bảo thị trường không tồn tại tình trạng thừa cung.
Kế hoạch giảm sản lượng của Arab Saudi là một phần trong thoả thuận của OPEC mà theo đó hầu hết các nhà sản xuất phải giữ sản lượng ổn định trong tháng 2. Mức giảm kỷ lục của OPEC và các đồng minh trong năm 2020 đã giúp giá dầu phục hồi tức mức thấp chưa từng có trong lịch sử hồi tháng 4 năm ngoái. Một số chuyên gia dự báo giá dầu còn có thể tăng cao hơn nữa.
"Chúng tôi khuyên các nhà đầu tư ưa thích rủi ro lựa chọn hợp đồng dầu thô Brent dài hạn và bán rủi ro giảm giá", ông Giovanni Staunovo của UBS viết trong một báo cáo hôm 12/1.
Kỳ vọng tồn kho dầu thô Mỹ giảm cũng thúc đẩy giá dầu. Các chuyên gia phân tích dự đoán tồn kho dầu thô Mỹ giảm 2,7 triệu thùng, tiếp nối đà giảm sang tuần giảm thứ 5 liên tiếp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899