Giá nhiên liệu sẽ giảm 11% trong năm 2023?
TCDN - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa dự báo giá nhiên liệu có thể giảm 11% trong năm 2023. Giá dầu Brent sẽ ở mức 92 USD/thùng nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm là 60 USD/thùng.
Trong 6 tháng đầu năm, giá nhiên liệu thế giới có nhiều biến động mạnh. Bình quân, giá dầu thô thế giới (WTI) là 101 USD/thùng, tăng 64% so với cùng kỳ (giá bình quân 6 tháng năm 2021 là 62 USD/thùng). Giá thành phẩm các mặt hàng xăng, dầu bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 133 USD/thùng, tăng 91% so với cùng kỳ (giá bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 70 USD/thùng).
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và châu Âu áp lệnh trừng phạt lên Moskva cho đến việc Trung Quốc phong tỏa các thành phố lớn để ngăn chặn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, không như những gì mà giới phân tích đã dự báo vào giai đoạn thị trường năng lượng đang "nóng", tình hình lạm phát cao lan rộng trên toàn cầu buộc nhiều ngân hàng Trung ương lớn phải đua nhau nâng lãi suất, bất chấp cái giá phải trả là tổn thương đối với nền kinh tế. Hệ quả của nó là đồng USD mạnh lên, chạm mức cao nhất trong hai thập kỷ và nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng. Điều này khiến nhiều chuyên gia và tổ chức tài chính quốc tế "quay xe" với dự báo trước đó của họ về triển vọng giá dầu.
Cụ thể, trong Báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa mới nhất, WB dự báo trung bình giá dầu Brent sẽ ở mức 92 USD/thùng trong năm 2023, giảm xuống 80 USD/thùng năm 2024 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm là 60 USD/thùng.
Theo WB, dù giá năng lượng đang "hạ nhiệt" nhưng chúng vẫn cao hơn 75% so với mức giá trung bình trong 5 năm qua.
Giá khí đốt tự nhiên và than đá dự báo sẽ giảm trong năm 2023, mặc dù năm 2022 đã có mức giá cao kỷ lục. Tuy nhiên, đến năm 2024, giá than đá Australia và Mỹ vẫn sẽ cao gấp đôi so với giá trung bình trong 5 năm trước và giá khí đốt châu Âu có thể cao gần gấp 4 lần.
Theo báo cáo nói trên, xuất khẩu dầu mỏ của Nga có thể giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng từ lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) với các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt của nước này, cộng với những hạn chế về bảo hiểm và vận tải, sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12.
Việc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đề xuất áp trần giá dầu mỏ cũng sẽ ảnh hưởng tới lượng dầu xuất khẩu từ Nga nhưng biện pháp này cần sự tham gia của các thị trường mới nổi quy mô lớn và các nước đang phát triển mới có hiệu quả.
Ngoài ra, báo cáo của WB cũng nêu rõ đồng USD tăng giá trong khi các đồng nội tệ của hầu hết các nước đang phát triển đều giảm giá đã khiến giá lương thực và nhiên liệu tăng. Điều này có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến 200 triệu người trên toàn cầu.
Theo WB cũng không loại trừ khả năng giá năng lượng còn giảm sâu hơn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và nền kinh tế thứ 2 thế giới là Trung Quốc có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19.
Tại thị trường trong nước, tính đến ngày 27/10, giá bán lẻ xăng dầu từ Bộ Công thương như sau: xăng E5 RON 92 không quá 21.496 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.344 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.783 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.663 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.899 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 28 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 12 lần giảm và một lần giữ nguyên.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899