Giá vật liệu leo thang, Bộ Xây dựng đề nghị rà soát
TCDN - Bộ Xây dựng vừa đề nghị các địa phương, cơ quan liên quan theo dõi, kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp thực tiễn; kiến nghị các ngành liên quan đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn cung thép trên thị trường.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi cơ quan liên quan và địa phương đề nghị thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2021 chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với năm 2020. Tác động chính là do giá thép xây dựng tăng 30-40%. Chỉ một số doanh nghiệp duy trì được doanh thu tối đa 80%, đa phần doanh thu chỉ đạt 30 – 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ đã đề nghị các địa phương, cơ quan liên quan theo dõi, kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp thực tiễn; kiến nghị các ngành liên quan đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn cung thép trên thị trường.
Cũng theo Bộ Xây dựng, trong năm 2021, Bộ đã hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với 319/388 dự án.
Đến nay, về công tác nghiệm thu công trình xây dựng Hội đồng kiểm tra nhà nước đã nghiệm thu 34 công trình, trong đó có 7 công trình/hạng mục được chấp thuận nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng như Đường sắt Cát Linh - Hà Đông; bến cảng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2; đường Hồ Chí Minh đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi...
Theo Báo cáo ngành vật liệu xây dựng từ VIRAC Research, dịch COVID-19 được kiểm soát nhờ độ tiêm phủ vaccine sẽ khiến các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động hơn. Các dự án đầu tư công được triển khai mạnh mẽ, những dự án bất động sản trên toàn quốc cũng sôi động hơn, tạo đà tiêu thụ mạnh vật liệu xây dựng như xi-măng, sắt thép khiến giá các mặt hàng này sẽ tiếp tục neo cao.
Thực tế, đà tăng của giá xi-măng, sắt thép không khó hiểu, đặc biệt trong những ngày gần đây, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, tác động trực tiếp đến giá nhập khẩu. Giá các loại quặng sắt, giá thép phế liệu nhập khẩu về để sản xuất trong nước đang tăng, đặc biệt, giá than bán cho hộ tiêu thụ lớn tăng 7-10% so cùng kỳ. Cụ thể, giá than trên thị trường thế giới tăng liên tiếp từ tháng 7 đến nay. Tháng 7/2021, giá than là 125,25 USD/tấn; tháng 8/2021 là 150,15 USD/tấn; tháng 9/2021 là 172 USD/tấn; tháng 10/ 2021 là 230 USD/tấn.
Các chuyên gia dự báo, giá các loại vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Hoạt động sản xuất của Việt Nam liên thông với thế giới và chịu tác động trực tiếp từ các đợt tăng giá nguyên liệu nhập khẩu cũng như cung cầu tại từng thời điểm. Do đó, việc điều chỉnh tăng giá là đương nhiên. Có điều, nhiều ý kiến cho rằng, khi giá nguyên liệu đầu vào giảm, các doanh nghiệp trong nước vẫn không có động thái hạ giá, như vậy là không sòng phẳng với thị trường và người tiêu dùng.
Mới đây, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã phải có văn bản kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ trước tình trạng giá thép xây dựng tăng đột biến.
Theo Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp, thời điểm này, không chỉ các nhà thầu xây dựng đau đầu với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá, mà các chủ đầu tư lớn cũng đang lo sốt vó khi đơn giá xây lắp bị đội lên cao so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899