Giấc mơ tỷ USD của Nova Consumer

19/10/2022, 15:17
báo nói -

TCDN - Nova Consumer đặt mục tiêu doanh thu đạt gần 1 tỷ USD vào năm 2026, tức tăng 4 lần sau 4 năm niêm yết. Không có nhiều doanh nghiệp dám đặt mục tiêu tăng trưởng thần tốc như vậy, trong khi mũi nhọn hàng tiêu dùng vốn không phải nền tảng gốc rễ của Nova Consumer.

Mũi nhọn hàng tiêu dùng

Tập đoàn Nova Consumer đã nộp hồ sơ xin niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vào cuối tháng 9/2022. Cũng như nhiều công ty chuẩn bị niêm yết, Nova Consumer đã mang đến cho nhà đầu tư bức tranh về kết quả kinh doanh khá sáng sủa. Đáng chú ý là mục tiêu đạt gần 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2026 và vốn hóa đạt 1 tỷ USD ngay trong năm 2025.

Theo báo cáo thường niên năm 2022, Nova Consumer tự giới thiệu là tập đoàn có hơn 30 năm kinh nghiệm trên thị trường nông nghiệp. Hoạt động kinh doanh có 3 mảng chính là sức khỏe vật nuôi (thuốc thú y và vắc-xin), thức ăn chăn nuôi và trang trại. Trong năm 2021, doanh thu của Nova Consumer đạt hơn 3.500 tỷ đồng (tăng hơn 12%) và lợi nhuận ròng đạt 318 tỷ đồng (tăng hơn 70% so với cùng kỳ). Mảng thức ăn chăn nuôi và sức khỏe vật nuôi là 2 mũi nhọn mang về doanh thu và lợi nhuận cho tập đoàn, đóng góp tỉ trọng khoảng 90% ở cả hai tiêu chí.

Đến hết năm 2021, doanh thu của Nova Consumer chủ yếu vẫn đến từ mảng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi.

Đến hết năm 2021, doanh thu của Nova Consumer chủ yếu vẫn đến từ mảng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi.

Về chiến lược phát triển dài hạn, tập đoàn này đặt mục tiêu đạt khoảng 21.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2026 và vốn hóa đạt gần 1 tỷ USD ngay trong năm 2025. Trước nay, Nova Consumer đã thành công triển khai chuỗi khép kín trong hoạt động chăn nuôi. Tham vọng sắp tới sẽ là mở rộng sang chuỗi khép kín về thịt chế biến (3F) và thực phẩm chế biến. Cho rằng tiềm năng thị trường hàng tiêu dùng còn rất lớn, ông Nguyễn Hiếu Liêm – Chủ tịch Nova Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu bình quân 50%/năm để đạt doanh thu gần 1 tỷ USD vào năm 2026.

Để thực hiện mục tiêu lớn này, doanh nghiệp định hướng tăng tỉ trọng đóng góp của mảng hàng tiêu dùng lên mức gần 40% vào năm 2026, còn lại là mảng nông nghiệp. Cho đến năm 2022, lợi thế nền tảng của Nova Consumer vẫn là mảng chăn nuôi.

Cụ thể, Nova Consumer cho biết sẽ tăng trang trại nuôi heo lên quy mô gấp 5 lần trong 3 năm tới, để đến năm 2024, cung cấp ra thị trường 1 triệu con heo thịt mỗi năm. Tập đoàn này có 8 trại heo trong năm 2021 và dự kiến tăng lên 20 trại trong năm 2022. Hành động cụ thể là kế hoạch lập Mega Farm rộng 500-600 ha, chứa hàng chục ngàn heo nái và hàng trăm ngàn heo thịt.

Nova Consumer cho biết sẽ tăng trang trại nuôi heo lên quy mô gấp 5 lần trong 3 năm tới, để đến năm 2024, cung cấp ra thị trường 1 triệu con heo thịt mỗi năm.

Nova Consumer cho biết sẽ tăng trang trại nuôi heo lên quy mô gấp 5 lần trong 3 năm tới, để đến năm 2024, cung cấp ra thị trường 1 triệu con heo thịt mỗi năm.

Để tiến nhanh vào ngành hàng tiêu dùng, Nova Consumer tăng cường mua lại nhiều công ty hàng tiêu dùng. Tập đoàn này cho biết đang hoàn tất những bước cuối cùng để mua lại công ty TNHH Thực phẩm Mặt trời mọc (Sunrise Foods), qua đó sở hữu công ty Anco Family Food. Thương vụ này giúp Nova Consumer sở hữu ngay 80.000 điểm bán truyền thống. Đầu tháng 10/2022, Nova Consumer cũng nhận chuyển nhượng phần vốn góp gần 400 tỷ đồng tại Nova Beverages từ Công ty Cổ phần Đầu tư Tiêu dùng để sở hữu hoàn toàn. Nova Beverages chuyên cung cấp thức uống tiện lợi như hòa tan, nước đóng chai và cà phê. Website của Nova Consumer chưa công bố thông tin về năng lực kinh doanh của đơn vị này.

Có thể thấy chìa khóa tăng trưởng nhanh của Nova Consumer là dựa vào mở rộng trang trại lên quy mô lớn, dùng tiền mua lại các công ty tiêu dùng để sở hữu nhà máy và hệ thống phân phối sẵn có. Ngoài ra, tập đoàn này cho biết hệ sinh thái của công ty mẹ (NovaGroup) cũng sẽ giúp công ty phát triển. Trước mắt, Nova Service (thành viên NovaGroup) công bố sẽ mở 300 siêu thị Nova Market trong năm 2022. Tuy nhiên, số siêu thị được công bố đến nay mới chỉ dừng ở con số 12 (nằm ở TP.HCM, Bình Thuận và Vũng Tàu).

Giấc mơ có thật?

Doanh nghiệp nào cũng muốn tiến về phía trước và đặt mục tiêu cao. Thế nhưng mục tiêu tăng trưởng đó có thực tế hay không lại là chuyện khác.

Thử nhìn lại các mục tiêu tăng trưởng của Nova Consumer trong thời gian tới: vốn hóa tăng gần 20 lần sau 3 năm, doanh thu tăng hơn 4 lần sau 4 năm và doanh thu mỗi năm đều tăng 50%. Đối với các con số tăng trưởng thần tốc này, đến cả các doanh nghiệp làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ lâu năm cũng chưa dám mơ tới.  

C.P Việt Nam (thuộc Tập đoàn C.P Thái Lan) là doanh nghiệp đứng đầu thị trường nông nghiệp khép kín tại Việt Nam, với 20% thị phần ở cả mảng thức ăn chăn nuôi và thịt chế biến. Mỗi năm, đơn vị này cung cấp ra thị trường 5 triệu con heo thịt và 4,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi (gấp 6 lần công suất Nova Consumer hiện có). Vậy mà họ chỉ mới đạt mức tăng trưởng cao nhất là 26% trong năm 2020, năm mà giá thịt heo tăng cao bất thường do ảnh hưởng dịch Covid-19 và dịch tả heo châu Phi trước đó. Trong điều kiện bình thường, Nova Consumer muốn tăng trưởng gấp đôi mức của C.P Việt Nam thì quả là điều thần kỳ.

Kế hoạch kinh doanh đến năm 2026 của Nova Consumer.

Kế hoạch kinh doanh đến năm 2026 của Nova Consumer.

Đối với doanh nghiệp Việt, dù được hưởng lợi nhờ giá bán tăng, doanh thu năm 2020 của Tập đoàn Dabaco cũng chỉ tăng đến 40%. Trong giai đoạn 2016-2021, doanh thu Dabaco tăng 1,7 lần và cũng còn cách xa mức 21.000 tỷ đồng. Với một doanh nghiệp đầu tư khá bài bản khác là Masan MEATLife, giai đoạn 2019-2021 cũng chỉ chứng kiến doanh thu tăng trung bình 16% mỗi năm. Tổng doanh thu cũng chỉ xấp xỉ mức 20.000 tỷ đồng. Rõ ràng, dù là “tay ngang” và đi sau, nhưng Nova Consumer cho rằng họ sẽ thành công hơn tất cả những doanh nghiệp khác, dù là doanh nghiệp lớn nhất hay hiện diện trên thị trường lâu nhất.

Một nhà đầu tư lâu năm tại TP.HCM nhận xét, đây có thể chỉ là mục tiêu trước khi lên sàn, các con số “màu hồng” này nhằm hỗ trợ cho việc huy động vốn với giá tốt. Sau khi lên sàn, trong trường hợp không thực hiện được kế hoạch, ban lãnh đạo vẫn có thể điều chỉnh giảm mục tiêu mà không vi phạm bất cứ nguyên tắc nào.

Về mặt chiến lược kinh doanh, chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp Đỗ Hòa (Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị) cho biết, mục tiêu tăng trưởng phải được tính trên quy mô thực tế thị trường. “Doanh nghiệp muốn tăng bao nhiêu phần trăm doanh thu thì phải cụ thể hóa thành bao nhiêu tỷ đồng, biết được quy mô thị trường là bao nhiêu, dự địa tăng trưởng còn nhiều hay ít, muốn tăng thị phần thì phải lấy thị phần của những đối thủ nào… Cũng cần cân nhắc có lấy được thị phần mục tiêu hay không nữa”, ông Hòa lý giải.

Trong trường hợp Nova Consumer muốn tăng trưởng nhanh bằng việc mua lại doanh nghiệp khác, thì phải chấp nhận chịu lỗ trong thời gian đầu do phải khấu hao chi phí đầu tư. Ngoài ra, dù có sẵn hệ thống bán hàng, việc bán hàng thực tế có tốt hơn đối thủ hay không cũng là một rào cản không nhỏ.

Còn ông Mã Thanh Danh – Chủ tịch Công ty Tư vấn Quốc tế (CIB), đánh giá: “Kế hoạch thì ai cũng đặt được, nhưng đến lúc thực thi thì mới biết được năng lực thật sự”. Tại Việt Nam, nhiều “ông lớn” như Vingroup hay Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng từng quyết tâm đầu tư quy mô lớn vào ngành nông nghiệp nhưng chưa thu được kết quả khả quan. Ngay cả Vissan, dù được đầu tư bài bản và hoạt động từ năm 1974, cũng chỉ dám đặt mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng trong năm 2022. Hay Masan MEATLife, miệt mài liên tục trong hơn 10 năm qua, doanh thu cũng chỉ ngấp nghé ngưỡng tỷ USD. Nói vậy để thấy rằng, kiếm tỷ USD từ mảng nông nghiệp trong thời gian ngắn là chuyện có phần thiếu thực tế.

Dễ thấy thị trường nông nghiệp rất tiềm năng. Nhưng khi thực thi, doanh nghiệp cần phải hiểu và nắm được yếu tố thành công then chốt của ngành này. Chẳng hạn, thức ăn chăn nuôi thì doanh nghiệp có thể tự sản xuất, nhưng nuôi heo thì doanh nghiệp buộc phải liên kết với nông dân để phát triển. Việc hiểu được văn hóa của nông dân để có được mối hợp tác thành công không dễ làm trong thời gian ngắn. Ngoài ra, Nova Consumer lấy sản phẩm thịt mát làm mũi nhọn thương hiệu, nhưng liệu thịt mát của họ có dễ được thị trường chấp nhận và cạnh tranh được với những đối thủ khác hay không, vẫn còn là điều đáng suy ngẫm.

Năng lực chăn nuôi heo của Nova Consumer hiện tại là khoảng vài chục ngàn con, để tăng đến 1 triệu con trong 2 năm nữa đã là tốc độ thần tốc. Nhưng giả sử doanh nghiệp này có xử lý ổn thỏa khâu chăn nuôi, việc chuẩn bị hệ thống để phát triển kinh doanh vẫn còn là ẩn số.

Năng lực phân phối của Nova Consumer đến nay vẫn còn là ẩn số.

Năng lực phân phối của Nova Consumer đến nay vẫn còn là ẩn số.

Hiện nay, Nova Consumer đang mua lại một doanh nghiệp thực phẩm để sở hữu 80.000 điểm bán truyền thống và dựa vào hệ thống 300 siêu thị Nova Market (thuộc Nova Service) để phát triển hệ thống phân phối chính. Những nền tảng này cho dù có hoàn thành xong trong 3-4 năm tới, vẫn chưa thể khẳng định sẽ giúp họ mang về doanh thu 21.000 tỷ đồng đúng hạn. Hệ thống này chỉ hơn một nửa so với số điểm bán của Vissan (hơn 130.000 điểm bán truyền thống). Còn nếu so với hệ thống gần 3.000 điểm bán hiện đại của Masan MEATLife thì vẫn còn quá nhỏ. Trong khi đó, doanh thu hai đối thủ của Nova Consumer đến nay vẫn chưa chạm tới 1 tỷ USD.

Vì vậy, ông Danh đánh giá, mục tiêu của Nova Consumer là một kế hoạch dài hơi và cần kiên trì đầu tư đúng hướng mới có thể đạt được. Nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chịu nhiều tổn thương như hiện nay.

Nguyễn Dương
Bạn đang đọc bài viết Giấc mơ tỷ USD của Nova Consumer tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899