Giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
TCDN - Bài viết phân tích thực trạng phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, qua đó gợi mở giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
TÓM TẮT:
Trong 5 năm vừa qua và đặc biệt là hai năm gần đây, nhờ nắm bắt được cơ hội kinh doanh do hội nhập quốc tế mang lại, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có chuyển biến tích cực; ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất; tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội; góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro do Covid-19, xung đột vũ trang và sự bất ổn của kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất… Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng tình hình phục hồi sản xuất, kinh doanh chưa có chuyển biến rõ rệt. Bên cạnh các lý do khách quan, có thể nói nguyên nhân chính của tình hình trên là năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp so với yêu cầu của hội nhập.
Bài viết phân tích thực trạng phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, qua đó gợi mở giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
1. Sự phát triển của doanh nghiệp
Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 đạt bình quân 7,29%. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực; tổng vốn đầu tư phát triển bình quân đạt khoảng 40.000 tỉ đồng/năm; quy mô kinh tế năm 2023 đạt trên 100.000 tỉ đồng, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và Miền núi Bắc bộ; thu ngân sách trên địa bàn liên tục tăng cao; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc, đời sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, tươi đẹp.
Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện tỉnh đã có 11.000 doanh nghiệp, gần 700 hợp tác xã và hơn 65.000 hộ kinh doanh. Giải quyết việc làm cho hơn 158,4 ngàn lao động; ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất; tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội; góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế được thực hiện với việc triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và cho vay các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh, cho vay đối với doanh nghiệp phục vụ xuất, nhập khẩu đạt 11.520 tỉ đồng, tăng 27% so với cuối năm 2022; cho vay doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp đạt hơn 5.200 tỉ đồng, tăng 18,4% so với cuối năm 2022; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hơn 24.300 tỉ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2022. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tổ chức sáu hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn, cam kết cho vay trong năm hơn 5.740 tỉ đồng.
Trong 3 năm 2021 - 2023, tỉnh đã thu hồi 766ha đất, trong đó bàn giao trên 500ha đất sạch cho các dự án. Nhiều dự án trọng điểm kịp thời có được mặt bằng triển khai, thậm chí có dự án chậm tiến độ kéo dài đã được tháo gỡ khó khăn.
Ngoài ra, tỉnh đã huy động khối lượng vốn đầu tư lớn: Trong 3 năm qua tổng vốn thực hiện đầu tư phát triển thực hiện 118 nghìn tỷ đồng, đạt 74,2% mục tiêu cả giai đoạn. Cơ cấu vốn tăng mạnh tỷ trọng ngoài ngân sách, nhất là vốn FDI (từ 78,3% giai đoạn 2016 - 2020 tăng lên 80,8% giai đoạn 2021- 2023). Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, Phú Thọ đã thu hút 472 dự án DDI với số vốn đăng ký 51 nghìn tỷ đồng, 77 dự án FDI vốn đăng ký 1.326 triệu USD; quy mô bình quân 188 tỷ đồng/dự án DDI (tăng 27,7 tỷ đồng) và 33,8 triệu USD/dự án FDI (tăng 24,2 triệu USD so với giai đoạn trước). Các dự án đầu tư thu hút mới phần lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có quy trình công nghệ hiện đại. Đã có 2.150 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 30,3 nghìn tỷ đồng, đưa tổng số trên địa bàn có 11.083 doanh nghiệp, đạt 100,8% mục tiêu nhiệm kỳ.
Kết cấu hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp được đầu tư mạnh mẽ. Tại thời điểm quý III/2023 có 18/20 dự án trọng điểm vốn ngân sách Trung ương đang triển khai (dự kiến năm 2023 hoàn thành 7/20 dự án; năm 2024 hoàn thành 13/20 dự án, về đích trước thời hạn so với kế hoạch đầu tư công trung hạn 01 năm). Giai đoạn 2021- 2023 đã cải tạo, đầu tư mới, nâng cấp 18 tuyến đường với chiều dài 251km. Phú Thọ đã đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1- 356ha) KCN Phú Hà, KCN Thụy Vân mở rộng (335ha); đang triển khai hoàn thiện hạ tầng KCN Cẩm Khê (450ha); KCN Trung Hà (200ha). Đến nay, toàn tỉnh có 04/07 KCN, 26/28 CCN đã hoàn thành hạ tầng đưa vào sử dụng hoặc sử dụng từng phần.
Thêm một điểm nhấn khác là công tác CCHC được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến rõ rệt; các thủ tục đầu tư, đất đai được giải quyết nhanh chóng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Hiện có 1.961 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.116 dịch vụ (tăng 758 dịch vụ so với năm 2020); giải quyết theo hình thức trực tuyến đạt 71,1% (tăng 65% so với năm 2020). Kết quả xếp hạng 4 chỉ số Par Index, PCI, SIPAS và PAPI trong 03 năm gần đây luôn giữ ở mức khá so với 63 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, là sự nỗ lực thích ứng của các doanh nghiệp cùng với môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện và tác động lan tỏa từ các dự án đầu tư lớn, tỉnh tiếp tục thu hút thêm nhiều doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Năm 2023, có khoảng 920 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký đạt 19.200 tỉ đồng (so với cùng kỳ năm trước tăng 4,8% về số doanh nghiệp và tăng 61,6% về số vốn đăng ký), có 305 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
2. Một số khó khăn, hạn chế
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, năm 2020, số doanh nghiệp thực tế hoạt động chỉ chiếm khoảng 70% tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn Tỉnh. Điều này đã gây lãng phí trong đầu tư xây dựng và giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, do phát triển phân tán, thiếu định hướng, nên sự ra đời của các doanh nghiệp thiếu tính ổn định và bền vững. Vì vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh tăng so với cùng kỳ các năm trước đó: năm 2017, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh tăng 29,9% so với cùng kỳ; năm 2018 tăng 34,6% so với cùng kỳ; năm 2019 tăng so với 22,1% cùng kỳ; năm 2020 tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Hơn nữa, quy mô sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ bé, hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, do vậy gặp khó khăn trong việc nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Số lượng doanh nghiệp dài hạn trong lĩnh vực sản xuất dịch vụ công nghệ cao, sáng tạo… còn hạn chế, nên việc kết nối với các doanh nghiệp FDI còn kém, chưa tạo ra nền tảng vững chắc của sự phát triển.
Một vấn đề khác, năng lực công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp, chưa áp dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp có hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu, ảnh hưởng xấu tới môi trường, trong khi chất lượng và mẫu mã sản phẩm hàng hóa dịch vụ còn hạn chế. Trong khi đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Một bộ phận lớn doanh nghiệp vẫn chưa có cơ hội tiếp cận vốn để phát triển.
Sự liên kết giữa các doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ. Tâm lý "một mình một thuyền" vẫn ăn sâu trong tiềm thức của nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn Tỉnh. Các chủ doanh nghiệp không muốn chia sẻ hoạt động kinh doanh cũng như lợi ích với doanh nghiệp khác. Do vậy, hình thức liên kết mạnh hơn, như: công ty cổ phần, công ty hợp danh... chiếm tỷ trọng thấp. Mức độ liên kết, hợp tác thể hiện qua số lượng các hợp đồng liên kết sản xuất, thầu phụ, hợp đồng tiêu thụ, đại lý, mở chi nhánh... cũng khá hạn chế. Vì thế, sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và việc đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trong xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng.
Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực thấp cũng là rào cản lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ. Phần lớn nguồn lao động ở khu vực này có trình độ chuyên môn thấp, năng lực ứng dụng khoa học, công nghệ và các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hạn chế. Nhiều lao động do chuyển từ nghề nông nghiệp sang nên khả năng thích ứng với môi trường công nghiệp chậm, ý thức kỷ luật chưa cao, không có tác phong công nghiệp.
3. Giải pháp
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp trở thành động lực quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế tại tỉnh Phú Thọ, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp phát triển. Theo đó, cần đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại các sở, ngành, địa phương; công khai, minh bạch thông tin.
Cùng với việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng, hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; cung cấp phần mềm kế toán miễn phí, đào tạo miễn phí quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế… cho các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án, cũng như trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện nghiêm túc các ý kiến, chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh liên quan đến việc triển khai các dự án trọng điểm, các dự án của nhà đầu tư. Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.
Hai là, cần hỗ trợ về vốn và tiếp cận tín dụng để các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, cần có sự hài hòa lợi ích của nhân tố là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Phát triển thị trường tín dụng dành cho doanh nghiệp, trong đó, phát triển các sản phẩm phù hợp: thủ tục, hồ sơ, lãi suất...; phát triển hoạt động cho vay khép kín từ khâu vay thu mua, sản xuất đến khâu chế biến và xuất khẩu cho các nhóm doanh nghiệp có liên kết với nhau theo cùng một chuỗi. Tăng cường liên kết ngân hàng với doanh nghiệp, ngân hàng với các định chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, với các hiệp hội doanh nghiệp.
Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, có cơ chế và chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu áp dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp về cách sử dụng công nghệ tốt nhất và những chính sách này sẽ thay đổi khi năng lực công nghệ trong các doanh nghiệp được cải thiện và phát triển. Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước. Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, cần có chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích phát triển thị trường chuyển giao khoa học và công nghệ giữa trong nước và nước ngoài.
Một điều kiện tiên quyết để đổi mới công nghệ là khả năng tiếp cận với công nghệ và thông tin quốc tế (Vuong và Nguyen, 2024). Trọng tâm chính của các chính sách chuyển giao công nghệ phải là cung cấp thông tin kỹ thuật cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tin kỹ thuật này bao gồm thông tin về nguồn gốc, chi phí và sự phù hợp của công nghệ nước ngoài đối với ngành công nghiệp địa phương và kèm theo cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp thu công nghệ mới vào quy trình sản xuất, kinh doanh.
Bốn là, cần có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bên trong việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hoạt động phối hợp phải được tiến hành toàn diện: xây dựng chính sách, văn bản pháp luật, thanh tra, kiểm tra, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ của các cơ quan thực thi… Thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin thực sự hữu hiệu giữa các cơ quan thực thi; tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thường xuyên và định kỳ về công tác hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các kênh thông tin về chính sách, pháp luật, thị trường, quản trị, tư vấn, bồi dưỡng cho doanh nghiệp kiến thức về kinh doanh, hội nhập, phát triển chuỗi giá trị, các kỹ năng đàm phán, nghiên cứu thị trường.
Có giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp, trở thành nhà cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp FDI; hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp đầu, tiếp cận với quy trình, thủ tục đấu thầu, mua sắm của doanh nghiệp đầu chuỗi và hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi; khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu; xây dựng cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ; hình thành các cụm công nghiệp liên kết theo ngành/lĩnh vực ở các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm hình thành hệ sinh thái công nghiệp.
Năm là, bản thân doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết cả theo chiều ngang và chiều dọc. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, nâng cấp đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi kinh doanh toàn cầu với việc đa dạng hóa các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng quốc tế.
Sáu là, lãnh đạo doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực hội nhập thông qua việc thường xuyên cập nhật tri thức mới, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, kinh tế, chính trị, ngôn ngữ… của các nước trong khu vực nhằm xây dựng lợi thế về những kỹ năng cần thiết như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng quản trị trong cạnh tranh, kỹ năng lãnh đạo doanh nghiệp, kỹ năng quản lý sự biến đổi, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán và giao tiếp, kỹ năng dự báo và định hướng chiến lược phát triển... để xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và phân bổ nguồn lực hợp lý cho nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục rà soát, đổi mới hoạt động của cơ sở đào tạo; củng cố đội ngũ nhà giáo; đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, ban hành cơ chế, chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn kết các cơ sở giáo dục hướng nghiệp với doanh nghiệp, mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2023, Nxb Thống kê
2.UBND tỉnh Phú Thọ (2023), Kế hoạch số 2588/KH-UBND ngày 11/7/2023 về thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững đến năm 2025.
3. Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ (2017-2021). Niên giám Thống kê tỉnh Phú Thọ các năm từ 2016 đến 2020, Nxb Thống kê
4. Khánh Trang (2021). Kiên trì thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, truy cập từ https://phutho.gov.vn/en/node/516735.https://vietnamhoinhap.vn/vi/phu-tho--giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-46283.htm
6. Nguyễn Bá Huy (2023), Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi số, Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 5/2023.
Nguyễn Hồng Quân
Công ty TNHH Thương mại Thành Đạt Phú Thọ
email: [email protected], hotline: 086 508 6899