Giải pháp chuyển đổi số nâng cao năng lực cạnh tranh hệ thống NHTM

31/10/2022, 10:39

TCDN - Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến người dân trên toàn cầu ngày càng được thể hiện rõ rệt khi hiện nay mọi người có thể thực hiện hầu hết các hoạt động cần thiết của mình chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính có kết nối Internet.

3-1.

TÓM TẮT:

Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến người dân trên toàn cầu ngày càng được thể hiện rõ rệt khi hiện nay mọi người có thể thực hiện hầu hết các hoạt động cần thiết của mình chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính có kết nối Internet.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như không để bị “tụt hậu” trong kỷ nguyên công nghệ mới, các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam đã và đang nỗ lực chuyển đổi số các sản phẩm, dịch vụ nhằm xây dựng hệ thống các ngân hàng số tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với xu thế phát triển chung của hệ thống ngân hàng trên thế giới. Công cuộc chuyển đổi số mô hình kinh doanh không còn được coi là một lựa chọn mà đã trở thành một xu thế tất yếu của các ngân hàng để tiếp tục giữ vững lợi thế cạnh tranh.

1. LỢI ÍCH 

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin kéo theo xu hướng phát triển ngân hàng số đã mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng và khách hàng như sau:

Đối với Ngân hàng

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng phân khúc thị trường: ngân hàng số làm cho tốc độ đáp ứng và xử lý các giao dịch nhanh chóng, thực hiện được nhiều giao dịch vào cùng một thời điểm. Ngoài ra, ngân hàng số còn giúp đáp ứng được đa dạng khách hàng kể cả những khách hàng ở vùng sâu vùng xa - họ chỉ cần kết nối mạng Internet để thực hiện giao dịch mà không cần di chuyển đến khu vực có ngân hàng.

Thứ hai, giảm chi phí: công bố của Vụ Thanh toán NHNN về kết quả khảo sát tại các NHTM Việt Nam cho thấy xu hướng số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm được 60-70% chi phí - ngân hàng số là một trong những giải pháp nhằm giúp ngân hàng tối ưu hóa nguồn nhân lực, có thể thông qua hệ thống tự động mà giảm bớt một số nhân sự như giao dịch viên, nhân viên bán lẻ, nhân viên tổng đài,… thực hiện giao dịch.

Thứ ba, độ chính xác cao: ngân hàng số được tạo ra dựa trên những nền tảng công nghệ thông minh được lập trình sẵn giúp cho việc xử lý, tính toán và ghi nhận các giao dịch đạt được độ chính xác cao hơn, giảm các thao tác lỗi của nhân viên và khách hàng (Đỗ Quang Trị, 2021). Điều này được củng cố, bảo đảm thêm thông qua các công nghệ giám sát tự động.

Đối với khách hàng

Thứ nhất, tiết kiệm thời gian giao dịch: Ngân hàng số có thể thực hiện tất cả giao dịch trực tuyến thông qua một thiết bị điện tử có kết nối Internet, ví dụ như như nạp tiền điện thoại, thanh toán hoá đơn, mua sắm, tra cứu số dư, chuyển khoản,… giúp cho khách hàng có thể tiết kiệm thời gian và công sức vì không phải đến tận quầy giao dịch, nhất là với các khách hàng làm việc trong giờ hành chính thường gặp nhiều bất tiện khi phải đến ngân hàng để thực hiện giao dịch (Nguyễn Thị Như Quỳnh & Lê Đình Luân, 2021).

Thứ hai, tiết kiệm được chi phí giao dịch: Để khuyến khích khách hàng sử dụng, nhiều ngân hàng trên thị trường hiện nay đã giảm hoặc miễn các phí như phí chuyển tiền, phí rút tiền,... Ngoài ra, ngân hàng còn thực hiện miễn phí mở thẻ mới trên ứng dụng ngân hàng số vô cùng đơn giản giúp người sử dụng tiết kiệm và tối ưu được chi phí giao dịch.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý tài khoản: Ngân hàng số cung cấp một loạt các tính năng linh hoạt cho khách hàng - nếu có tài khoản ngân hàng số thì bạn sẽ luôn biết chính xác số tiền đang có trong tài khoản và sẽ được thông báo ngay lập tức khi có giao dịch mới được thực hiện; giúp bạn có thể kiểm soát được tất cả thông tin giao dịch và dễ dàng truy xét khi muốn, không cần đến ngân hàng làm nhiều thủ tục khi cần (Phạm Bích Liên và cộng sự, 2020).

2. THỰC TRẠNG

Việt Nam được xem là môi trường thuận lợi để phát triển ngân hàng số với dân số hiện tại vào khoảng 98 triệu dân (tháng 6/2021, theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc), với 69% dân số đang ở tuổi trưởng thành. Tỷ lệ sử dụng Internet hiện chiếm hơn 70% dân số (khoảng 69 triệu người dùng), đặc biệt đáng chú ý là tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) đã tăng lên đến gần 97% dân số, tốc độ phát triển tăng nhanh chóng trong 2 năm gần đây, cao hơn so với trung bình chung của thế giới.

Điện thoại thông minh được dùng bởi hầu hết dân số bởi đây không còn chỉ là một công cụ liên lạc truyền thống hay chỉ để người dân truy cập Internet, tìm kiếm thông tin hay truy cập mạng xã hội, các phương tiện giải trí mà hiện tại với thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, điện thoại thông minh đã thâm nhập mạnh mẽ vào cuộc sống đời thường của người dân và các ngân hàng đã tận dụng điều này để chuyển đổi số các sản phẩm của mình, đưa đến khách hàng những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với xu hướng thời đại.

Kết quả thực tế cho thấy hầu hết các ngân hàng đều đã chuyển trọng tâm phát triển sang lĩnh vực ngân hàng số - vốn đã trở thành một khía cạnh quan trọng trong chiến lược kinh doanh của họ trong những năm gần đây. Theo số liệu khảo sát do Ngân hàng Nhà nước thực hiện vào tháng 9/2020 cho thấy có đến 95% ngân hàng đã và đang xây dựng hoặc sẽ có kế hoạch xây dựng chiến lược chuyển đổi số, với 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin và hiện tại có 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Hiện chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những thành tựu khả quan đáng chú ý. Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy các tổ chức tín dụng đã triển khai các hoạt động chuyển đổi số rất hiệu quả, với hầu hết các ngân hàng đều đã triển khai các giải pháp kỹ thuật số và công nghệ số trong quá trình làm việc, 9/19 nghiệp vụ ngân hàng của một số ngân hàng đã được số hóa toàn bộ (như mở thẻ ngân hàng; gửi tiền có kỳ hạn; liên kết ví điện tử; chuyển khoản; thanh toán hóa đơn;...).

Khi so sánh số liệu năm 2020 với năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch ngân hàng thông qua các kênh kỹ thuật số đã tăng lên đáng chú ý bất chấp ảnh hưởng của việc bùng phát dịch Covid-19 từ đầu năm 2020. Có thể kể đến vài sự tăng trưởng tiêu biểu như: thanh toán di động đã tăng 114% về số lượng và 118% về giá trị vào năm 2020 so với năm 2019; thanh toán bằng mã QR cũng đã tăng thêm 72,9% về số lượng giao dịch.

Thống kê của Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021).

Hiện nay, tỷ lệ người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 68%; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC); 1,77 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở... Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.

Theo cách phân chia của các chuyên gia công nghệ thông tin thì hiện tại hầu hết các NHTM ở Việt Nam đang ở giai đoạn thứ hai của quá trình số hóa - chuyển đổi kỹ thuật số (số hóa toàn diện mọi dịch vụ ngân hàng cung cấp và đưa lên một ứng dụng, giúp khách hàng thực hiện được những gì họ cần một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất). Trong đó 88% ngân hàng sẽ số hóa cả kênh giao tiếp khách hàng (front-end) và hoạt động nghiệp vụ nội bộ (back-end) như chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số của họ, và có 6% ngân hàng chỉ hướng đến số hóa duy nhất các kênh giao tiếp khách hàng (front-end).

Nhiều ngân hàng đã ứng dụng thành công các công nghệ tiên tiến vào công cuộc chuyển đổi số như: trí tuệ nhân tạo (A.I.), nhận dạng sinh trắc học (Biometrics), điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big data), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), QR Code, công nghệ phân tích dữ liệu do IBM phát triển để phân tích hành vi khách hàng và đồng bộ hóa dữ liệu của khách hàng, tự động hóa nhờ robot (RPA),... Trong đó, phân tích dữ liệu là công nghệ được ứng dụng rộng rãi nhất với hơn 53% tổ chức tín dụng sử dụng.

Ngoài ra, ngày càng nhiều ngân hàng sử dụng định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) cho nhiều nghiệp vụ như: đăng ký, mở tài khoản mới, giải ngân cho khách hàng, thanh toán hóa đơn,… Với công nghệ này, khách hàng chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước hay hộ chiếu) và ảnh khuôn mặt, sau đó hệ thống sẽ kiểm tra xem thông tin có hợp lệ hay không và ngay lập tức mở tài khoản cho khách hàng. Vì vậy, eKYC giúp các ngân hàng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số bằng cách loại bỏ nhu cầu gặp mặt trực tiếp khách hàng của ngân hàng, và hơn cả thế là sẽ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đến ngân hàng để điền vào nhiều mẫu đơn và giấy tờ khác nhau để thực hiện giao dịch.

Không chỉ số hóa các dịch vụ, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã xây dựng ngân hàng số, hệ sinh thái số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng cũng như tăng trải nghiệm cho khách hàng. Cụ thể, Nam A Bank có hệ sinh thái số với nhiều sản phẩm dịch vụ như Robot OPBA tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tư vấn các sản phẩm, dịch vụ và hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục khi khách hàng đến giao dịch mà không cần nhờ nhân viên; ứng dụng Open Banking tích hợp tính năng định danh điện tử (eKYC), giúp người dùng có thể mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tài chính mà không cần đến ngân hàng. Gần đây, Nam A Bank vừa ra mắt hệ sinh thái Onebank - ATM thế hệ mới, giúp khách hàng thực hiện giao dịch ngân hàng bất cứ thời điểm nào trong ngày, trong tuần, kể cả dịp lễ, tết.

TPBank cũng xây dựng hệ sinh thái số với sự phát triển dịch vụ tài chính không chỉ trên nền tảng của TPBank mà còn mở rộng ra các nền tảng đối tác. Chẳng hạn như ứng dụng TPBank Mobile và TPBank Biz cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp. Ngoài ra, ngân hàng tự động không ngủ LiveBank 24/7 được TPBank ứng dụng AI, công nghệ máy học (machine learning), công nghệ sinh trắc học mang đến cho khách hàng trải nghiệm chuyển tiền bằng giọng nói với thời gian chưa tới 30 giây.

Với dịch vụ ngân hàng số, Vietcombank đã áp dụng dịch vụ mở tài khoản trực tuyến qua eKYC. Theo đó, chỉ với tấm thẻ căn cước công dân gắn chip, dù ở bất kỳ thời điểm nào, tại bất kỳ nơi đâu,khách hàng chỉ cần tải ứng dụng Vietcombank, chụp hình căn cước công dân và quét khuôn mặt là có thể mở tài khoản ngân hàng và bắt đầu các giao dịch trực tuyến trên ngân hàng số VCB Digibank với nhiều tính năng như: chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán học phí, viện phí, thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nạp thẻ ETC, đặt vé máy bay, tàu xe, khách sạn…

3. GỢI Ý CHÍNH SÁCH

Một là, tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận internet, hướng tới phổ cập internet toàn dân. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, Việt Nam cần mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận internet theo tinh thần internet cho tất cả mọi người, hướng tới phổ cập internet toàn dân. Bên cạnh đó là việc chú trọng phát triển hạ tầng số quốc gia đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh kết nối internet vạn vật và giao tiếp máy - máy; phát triển hệ sinh thái các nền tảng số đáp ứng nhu cầu của người dân, mở rộng không gian mạng quốc gia thông qua mở rộng phạm vi hoạt động của các nền tảng số. Khi đó khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính số sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng internet.

Hai là, hiểu biết về tài chính của người dân có có mối quan hệ chặt chẽ với kỹ năng quản lý tài chính hàng ngày và các sản phẩm fintech. Những người có sự hiểu biết tài chính có nhiều khả năng tham gia vào thị trường tài chính và đầu tư vào tài sản tài chính hơn. Bên cạnh đó, mức độ hiểu biết tài chính thấp tại các quốc gia có liên quan đến tình trạng kém phát triển của cơ sở hạ tầng. Do đó các nhà lập chính sách có thể phát triển chương trình đào tạo, bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao mức độ nhận thức của người dân về dịch vụ công nghệ tài chính.

Ba là, các cơ quan quản lý phải phối hợp quy định thận trọng và chính sách cạnh tranh để việc tuân thủ không trở thành rào cản gia nhập, đồng thời việc gia nhập không làm cho hệ thống tài chính trở nên mất ổn định. Nới lỏng quy định đối với các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ tài chính mới tham gia vào ngành có thể thúc đẩy cạnh tranh, nhưng với cái giá có thể đánh đổi tiềm tàng là gây bất ổn cho những ngân hàng truyền thống khi làm giảm lợi nhuận của khu vực ngân hàng, làm gia tăng động cơ chấp nhận rủi ro và dịch chuyển việc tạo ra rủi ro hệ thống cho các tổ chức phi ngân hàng. Tại Việt Nam, sự phát triển của các hình thức thanh toán trực tuyến qua các ví điện tử, hoặc ứng dụng cho vay trực tuyến đã trở thành một kênh cạnh tranh nổi lên với dịch vụ tài chính số của khu vực ngân hàng. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tác động rủi ro dây chuyền tiềm tàng cho hệ thống nếu như kênh tài chính mới bị đổ vỡ. Do đó, việc giám sát tuân thủ cần phải được thực hiện nghiêm ngặt. Đồng thời, cơ quan quản lí nên cho khả năng tương tác dữ liệu giữa các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ tài chính thông suốt, duy trì một thị trường tài chính bình đẳng.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nên cảnh giác với các dạng rủi ro hệ thống mới. Khi ngân hàng chuyển sang một hệ thống dựa trên nền tảng công nghệ số, thì nguy cơ xảy ra các vấn đề hệ thống bắt nguồn từ các cuộc tấn công mạng và rò rỉ dữ liệu lớn sẽ rất nghiêm trọng. Hơn nữa, khả năng “ô nhiễm” các hoạt động ngân hàng và phi ngân hàng trong việc tạo ra rủi ro hệ thống sẽ tăng lên. Dưới góc độ người tiêu dùng tài chính, các nhà quản lý cũng phải đặt mối quan tâm bảo vệ người tiêu dùng lên hàng đầu. Do đó, các cơ quan quản lý phải xác định chủ thể kiểm soát dữ liệu và đảm bảo an ninh khi giao dịch trên các nền tảng. Sự hợp tác của các cơ quan quản lý cạnh tranh và an ninh (chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng và quản lý dữ liệu) cần được ràng buộc trách nhiệm pháp lí đảm bảo rằng lợi ích của công nghệ và nền tảng số được hiện thực hóa, bằng cách mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp mà không gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính và nền tài chính toàn diện mà Việt Nam hướng tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Anh, N. T. (2020). Phát triển ngân hàng số cho các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng. http:/tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-ngan-hang-so-cho-cac-ngan-hang-thuong- mai-viet-nam.htm

2. Chương, N. V. (2018). Thực trạng và giải pháp phát triển ngân hàng số ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính. https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-ngan-hang- so-tai-viet-nam-146264.html

3. Hiệp, T. Q. (2020). Phát triển ngân hàng số ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất. Tạp chí Tài chính. https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/phat-trien-ngan-hang-so-o-viet-nam-thuc-trang-va-de- xuat-329780.html

4. Liên, P. B., Duẩn, N. N., & Loan, T. T. D. (2020). Phát triển ngân hàng số tại Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng. http://tapchinganhang.com.vn/phat-trien-ngan-hang-so-tai-viet-nam.htm

5. Oanh, N. T. (2020). Factors affecting the intention to use digital banking in Vietnam. The Journal of Asian Finance, Economics, and Business, 7(3), 303-310.

ThS. Võ Phúc Trường Thành

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín

Tạp chí in số 9/2022
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp chuyển đổi số nâng cao năng lực cạnh tranh hệ thống NHTM tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan